Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân băn khoăn khi 9 trạm y tế ngưng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

10:03, 10/03/2021

Bảo hiểm xã hội tỉnh vừa có văn bản cho tạm ngưng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với 7 trạm y tế (TYT) các phường: Trảng Dài, Tam Phước, Tân Hạnh, An Bình, Bửu Hòa, Thống Nhất và Bửu Long (thuộc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa) và 2 TYT các xã Hiếu Liêm và Bình Hòa (thuộc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu).

Bảo hiểm xã hội tỉnh vừa có văn bản cho tạm ngưng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với 7 trạm y tế (TYT) các phường: Trảng Dài, Tam Phước, Tân Hạnh, An Bình, Bửu Hòa, Thống Nhất và Bửu Long (thuộc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa) và 2 TYT các xã Hiếu Liêm và Bình Hòa (thuộc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu).

Trạm Y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngưng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.  Trong ảnh: Người dân đưa trẻ đến Trạm Y tế phường để tiêm chủng.  Ảnh: Hoàn Lê
Trạm Y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngưng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong ảnh: Người dân đưa trẻ đến Trạm Y tế phường để tiêm chủng. Ảnh: Hoàn Lê

Nhiều người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở những TYT này tỏ ra băn khoăn khi thẻ BHYT đăng ký một nơi, giờ lại phải đi khám chữa bệnh tại một nơi khác. Chưa kể những trường hợp sơ cấp cứu ban đầu và người có bệnh mạn tính (huyết áp, tiểu đường, động kinh, tâm thần phân liệt...) đang chữa bệnh, lấy thuốc ở những TYT này sẽ gặp khó khăn.

* Vì sao ngưng hoạt động?

Thời gian qua, BHXH tỉnh đã cử các giám định viên tiến hành rà soát hoạt động khám, chữa bệnh BHYT tại các TYT trên toàn địa bàn và đã quyết định cho ngưng hoạt động khám, chữa bệnh tại 9 TYT xã, phường nêu trên do hoạt động của một số TYT không hiệu quả; chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; thiếu bác sĩ có chuyên môn...

Phó giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy cho biết, việc tạm ngưng hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại 9 TYT trên là cần thiết, nhằm bảo đảm chất lượng chuyên môn, thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT đối với hoạt động khám, chữa bệnh. Bởi trong số 9 TYT này, phần lớn là không có bác sĩ - điều kiện quan trọng nhất để hoạt động khám, chữa bệnh diễn ra đúng theo quy định. Khi các TYT này kiện toàn được nhân lực, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục cho đăng ký khám, chữa bệnh BHYT trở lại.

Theo bà Nguyễn Thị Quy, để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT mà nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là một trong 9 TYT nói trên, trong thời gian người tham gia BHYT chưa nhận được thẻ mới, vẫn sử dụng thẻ BHYT cũ đi khám, chữa bệnh, BHXH Đồng Nai đã đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp nhận các trường hợp trên. Hiện BHXH tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu để người dân tiện sử dụng.

* Bất tiện khi đăng ký nơi này, khám nơi khác

Liên quan đến vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến người dân ở các địa phương này cho rằng, việc cho tạm dừng hoạt động khám, chữa bệnh đối với những TYT không đủ điều kiện, đặc biệt là thiếu nhân lực chuyên môn là cần thiết, nhằm bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc này cũng đang tạo ra những khó khăn nhất định đối với những người dân có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại những TYT trên.

BS CKII Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho biết, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo giám đốc trung tâm y tế các huyện và thành phố báo cáo những khó khăn, vướng mắc về tình hình hoạt động khám chữa bệnh của các TYT để được hỗ trợ, bổ sung nhân sự phù hợp. Giải pháp trước mắt sẽ điều động, tăng cường bác sĩ ở những địa bàn lân cận đến hỗ trợ 9 TYT nói trên, để trong thời gian sớm nhất các TYT này được tiếp tục khám chữa bệnh BHYT trở lại.

Bà Nguyễn Thị Cơ (62 tuổi, ngụ P.Tân Hạnh) tham gia BHYT tự nguyện đã 3 năm nay và chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là TYT P.Tân Hạnh cho gần nhà. Mới đây, khi đến TYT khám bệnh và lấy thuốc huyết áp, bà được nhân viên ở đây cho biết trạm đã dừng hoạt động khám, chữa bệnh, đồng thời hướng dẫn bà đến các cơ sở y tế khác để khám bệnh.

Sau đó, bà Cơ đến một phòng khám đa khoa tư nhân ở TP.Biên Hòa khám bệnh và được cho những loại thuốc không khác gì với thuốc của TYT P.Tân Hạnh phát trước đây, nhưng bà phải trả thêm một khoản tiền, dù không lớn nhưng cũng là mất phí, lại phải đi xa hơn, mất thời gian và công sức hơn. Bà Cơ cho rằng, nếu không cho TYT P.Tân Hạnh khám bệnh, cơ quan BHXH phải chủ động chuyển đổi thẻ BHYT của người bệnh đến một cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu gần nhất để tiện cho việc đi lại cũng như bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.

Là người khá am hiểu chính sách thông tuyến BHYT, ông Hoàng Võ (ngụ xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) cho hay, gia đình ông ở xã giáp ranh với TP.Biên Hòa - một địa bàn tập trung rất nhiều cơ sở y tế lớn nhỏ, từ bệnh viện công đến bệnh viện tư, từ phòng khám đa khoa đến các TYT của các phường, nên dù TYT xã Bình Hòa không còn khám, chữa bệnh, ông vẫn có thể đến cơ sở y tế khác của TP.Biên Hòa để khám bệnh và được quỹ BHYT thanh toán như đúng tuyến. Tuy nhiên, ông cho rằng, những người lớn tuổi bị các bệnh mạn tính như: huyết áp, tiểu đường... thì nên cho họ khám và nhận thuốc tại TYT cho tiện, đỡ mất công đi lại.

* Khó khăn cho bệnh nhân cấp cứu, bệnh mạn tính

Đối với 7 TYT của Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh tuy có những bất lợi cho một số người dân, nhưng không gây bất ổn lớn vì trên địa bàn TP.Biên Hòa tập trung rất nhiều cơ sở y tế, người dân không khám bệnh ở TYT phường thì có thể đến các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, ngừng khám bệnh tại 2 TYT ở H.Vĩnh Cửu, đặc biệt là TYT Hiếu Liêm, cơ sở y tế tuyến đầu của huyện vùng sâu, vùng xa sẽ khiến nhiều người dân gặp khó khăn.

Theo Điều 17, Nghị định 146 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì điều kiện để ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với cơ sở khám, chữa bệnh gồm: đủ điều kiện hoạt động khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; đảm bảo phải có bác sĩ đa khoa; việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

BS CKII Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài cho biết, do nhiều năm nay, ngành Y tế huyện không tuyển được bác sĩ nên y sĩ và bác sĩ dự phòng vẫn khám, chữa các bệnh thông thường cho người dân ở một số TYT xã. Hiện đứng tên hoạt động khám, chữa bệnh tại TYT Hiếu Liêm là một bác sĩ dự phòng, còn ở TYT xã Bình Hòa là một y sĩ. Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh như thế là không đúng quy định của Luật BHYT nên không tiếp tục ký hợp đồng hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.

“Trung tâm cũng đề nghị BHXH tỉnh tiếp tục cho y sĩ và bác sĩ dự phòng ở 2 TYT này tiếp tục khám, chữa các bệnh thông thường cho người dân nhưng BHXH yêu cầu đưa ra văn bản ngành Y tế quy định những bệnh thông thường. Phía BHXH tỉnh yêu cầu như vậy thì trung tâm... đành chịu vì ngành Y tế không quy định những bệnh nào là bệnh thông thường. Tuy việc cho ngừng hoạt động khám, chữa bệnh tại 2 TYT này cũng không gây ra bất ổn lớn, nhưng vẫn nên có sự linh động giải quyết cho thanh toán BHYT đối với 2 trường hợp sơ, cấp cứu và điều trị bệnh mạn tính” - BS Hoài kiến nghị.

Theo giải thích của BS Hoài, nếu người dân có thẻ BHYT tại một trong 2 TYT này, khi gặp sự cố, tai nạn thì phải đến cơ sở y tế gần nhất chính là TYT địa phương. Nếu nay trạm không được khám, chữa bệnh thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm tính mạng nếu không được sơ, cấp cứu kịp thời. Còn nếu bác sĩ xử lý sơ, cấp cứu thì BHYT không thanh toán. Điều này sẽ gây bức xúc cho người dân khi cho rằng, có thẻ BHYT và đi đúng tuyến tại sao không được BHYT chi trả. Hoặc với những trường hợp bệnh mạn tính, nên linh động cho người dân đến TYT để nhận thuốc định kỳ sẽ thuận lợi hơn so với việc phải đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế xa hơn nhưng cũng chỉ nhận những loại thuốc tương tự.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích