Dù UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà ngừng hoạt động trạm trộn bê tông tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 từ tháng 8-2018 nhưng đến nay trạm này vẫn ngang nhiên sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân tại phường An Bình (TP.Biên Hòa).
Dù UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà ngừng hoạt động trạm trộn bê tông tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 từ tháng 8-2018 nhưng đến nay trạm này vẫn ngang nhiên sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân tại phường An Bình (TP.Biên Hòa).
Quang cảnh sản xuất tại trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà |
Bức xúc trước tình trạng trên, các hộ dân ở KP.2 và KP.4 (phường An Bình) tiếp tục gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết.
* “Ngó lơ” quyết định của tỉnh
Có mặt tại khu vực sản xuất của trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà vào sáng 8-3, chúng tôi ghi nhận hoạt động của trạm khá nhộn nhịp. Khu vực sản xuất tấp nập xe tải chở nguyên liệu, xe chở bê tông ra vào thường xuyên. Kèm theo đó là tiếng ồn và bụi bay tứ tán phát ra môi trường theo gió tấp hết vào khu dân cư.
Trong đơn gửi Báo Đồng Nai, người dân phường An Bình (TP.Biên Hòa) bức xúc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường, xem thường pháp luật của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà. |
Đại diện các hộ dân, ông Nguyễn Văn Vụ, Bí thư Chi bộ KP.2 than: “Gần 3 năm nay tính từ ngày trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà hoạt động, không đêm nào bà con trong khu vực được ngủ ngon giấc”. Ngoài tiếng ồn, hoạt động của trạm trộn bê tông còn gây bụi mịt mù ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. “Người dân chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương cùng ngành chức năng có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên” - ông Vụ bức xúc nói.
Trả lời kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND phường An Bình Trần Thị Thu Hà cho biết, sở dĩ việc giải quyết bị kéo dài là do Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà không chấp hành đề nghị ngưng hoạt động, bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý theo đề nghị tại văn bản số 8200/UBND-CNN của UBND tỉnh ban hành ngày 6-8-2018.
“Trước đó, để đảm bảo thi hành quyết định của tỉnh, cơ quan chức năng đã ngưng cung cấp điện, nước cho hoạt động của trạm trộn bê tông từ cuối tháng 11-2018. Thế nhưng, đơn vị này đã sử dụng máy phát điện và tự ý khoan giếng để hoạt động” - bà Hà cho biết thêm.
* Đề nghị cưỡng chế
Trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà xây dựng trên thửa đất số 150, tờ bản đồ 47 có diện tích 10 ngàn m2. Khu đất này trước đây được Công ty TNHH Nippovia thuê lại của Tổng công ty Sonadezi. Sau thời gian sử dụng làm kho bãi, Công ty TNHH Nippovia đã liên doanh với Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Nhật Huy để kinh doanh bãi tập kết xe ô tô. Đến tháng 4-2017, Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Nhật Huy cho Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà thuê lại để kinh doanh trạm trộn bê tông.
Trạm trộn bê tông này chưa hoàn tất các thủ tục về môi trường và chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Mới đây vào ngày 6-3, lực lượng chức năng của phường An Bình đã đến kiểm tra việc chấp hành quyết định ngừng hoạt động của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà. Biên bản kiểm tra ghi nhận tại thời điểm kiểm tra trạm trộn bê tông vẫn hoạt động, các trang thiết bị máy móc của trạm vẫn chưa di dời. Trước tình trạng trên, UBND phường An Bình đã có văn bản báo cáo UBND TP.Biên Hòa.
Trao đổi về hướng giải quyết kiến nghị của người dân phường An Bình, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc tích cực phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh giải quyết dứt điểm vụ việc. Đồng thời, UBND TP.Biên Hòa đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh chủ động làm việc với Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Thế Giới Nhà và đơn vị chủ quản khu đất để tiếp nhận mặt bằng khu đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh. “Trường hợp công ty trên không chấp hành, thành phố sẽ báo cáo tỉnh xem xét cưỡng chế thu hồi đất theo quy định” - ông Dũng nhấn mạnh.
Gia An