Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ nhà đất bị cuốn trôi vì sạt lở

08:07, 31/07/2018

Nhiều hộ dân khu vực ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa  (TP.Biên Hòa) đứng ngồi không yên vì đang xảy ra tình trạng sạt lở đất ven sông Đồng Nai khiến nhà cửa, tài sản có nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Nhiều hộ dân khu vực ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa  (TP.Biên Hòa) đứng ngồi không yên vì đang xảy ra tình trạng sạt lở đất ven sông Đồng Nai khiến nhà cửa, tài sản có nguy cơ bị “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Mỗi năm chi hàng trăm triệu đồng để kè cừ gia cố, nhưng chỉ được vài tháng phần kè nhà ông Lê Văn Chính cũng bị nước cuốn trôi. Ảnh: P.LIỄU
Mỗi năm chi hàng trăm triệu đồng để kè cừ gia cố, nhưng chỉ được vài tháng phần kè nhà ông Lê Văn Chính cũng bị nước cuốn trôi. Ảnh: P.LIỄU

Khu vực này thuộc dự án xây dựng bờ kè dọc theo sông Cái đã được quy hoạch nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Hằng năm, người dân phải chi một khoản tiền không nhỏ để đóng cọc, đổ bê tông, đất đá gia cố bờ kè nhằm giữ đất nhưng chỉ như… dã tràng xe cát.

* Tiền của trôi theo dòng nước

Sinh ra và lớn lên ở xã Hiệp Hòa, năm nay đã 84 tuổi nhưng ông Lê Văn Chính còn nhớ rất rõ ngày trước, từ ngôi nhà của cha mẹ ông ra đến bờ sông Đồng Nai còn là một khoảnh vườn rất xa hàng chục mét, với 40m chiều dài dọc theo bờ sông. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng bơm hút cát diễn ra ồ ạt đã kéo theo tốc độ sạt lở rất nhanh. Mỗi năm, vườn nhà ông bị xâm lấn mất từ 2-3m đất và hiện tại thì sông đã vào sát sân nhà.

Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi chưa nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng sạt lở đất khu vực ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa. Qua thông tin báo chí, đầu tháng 8 này phòng sẽ đề nghị thành phố kiến nghị UBND tỉnh, Cục đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức một cuộc khảo sát về tình trạng sạt lở ở khu vực này. Nếu thấy tình trạng sạt lở gây mất an toàn cho người dân, sẽ kiến nghị tỉnh sớm triển khai dự án bờ kè. Trước mắt, thành phố sẽ kiến nghị UBND tỉnh, Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho phép những hộ dân trong khu vực bị sạt lở nặng được tự gia cố, kè chống để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản”.

Để giữ phần đất còn lại, hằng năm gia đình ông Chính phải tốn cả trăm triệu đồng để gia cố 40m dọc bờ sông giữ đất nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu, bởi chỉ trong vài tháng, cọc, kè đều bị trôi hết. Đáng lo hơn khi khoảnh sân xi măng còn lại cũng đang bị nghiêng ra sông và nứt toác, rộng cả gang tay khiến gia đình ông rất lo lắng. Ông Chính chia sẻ: “Tôi không biết chừng nào thì mảnh sân này sẽ bị cuốn theo dòng nước. Rồi căn nhà, tài sản này sẽ ra sao nếu đất cứ tiếp tục bị sạt lở với tốc độ như hiện nay”.

Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Bá Đạt cùng ấp Nhị Hòa đã phải dỡ bỏ một phần nhà và vật kiến trúc, đồng thời phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng cọc nhồi, đổ bê tông gia cố bờ bao nhằm cứu vãn phần diện tích đất của gia đình khỏi bị trôi theo sông nước. Theo ông Đạt, trước đây nhà ông đã đổ bê tông kè bờ bao chống sạt lở nhưng vẫn bị dòng nước khoét ngầm hàm ếch, làm ngôi nhà bị nghiêng, sau đó xuất hiện nhiều vết nứt trên và hiện tại đã gãy luôn đà. Ông Đạt lo một ngày nào đó khi bị rỗng chân, ngôi nhà sẽ sập.

Tương tự, bà Phan Thị Xuân cũng sốt ruột không kém trước tình trạng sạt lở đất. Bà Xuân rất sợ mỗi khi đêm về nghe “ào” một tiếng, sớm hôm sau ra đã thấy sông gần nhà mình thêm chút nữa. Mới đây gia đình bà đã phải xây thêm một căn nhà lùi sâu vào bên trong đất để “lánh nạn”. Anh Phước, con trai bà Xuân làm một bài toán chi tiết: chiều ngang đất nhà anh tiếp giáp với bờ sông là 50m, mấy năm qua đã bị sạt lở khoảng 4m xuống sông, như vậy tổng diện tích đất bị mất là 200m2. Giá đất hiện tại ở khu vực này khoảng 6 triệu đồng/m2,
có nghĩa gia đình anh mất 1,2 tỷ đồng, chưa kể hằng năm phải bỏ ra khoảng 80 triệu đồng để gia cố giữ đất.

* Chờ dự án bờ kè?

Được biết, cuối năm 2017, khi dự án thanh thải các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai cần giải quyết gần 20 ngàn m3 đất đá thải, UBND xã Hiệp Hòa đã đề nghị thành phố cho đổ khối lượng đất đá thanh thải này xuống chân cầu Bửu Hòa. Sau khi đổ đá, tình trạng sạt lở đất tại khu vực chân cầu này cũng đã giảm. Tuy nhiên, về lâu dài người dân vẫn chờ dự án bờ kè ven sông Cái sớm thực hiện.

Hộ ông Nguyễn Ngọc Điệp tốn vài chục triệu đồng để đổ xà bần kè sông, giữ đất.
Hộ ông Nguyễn Ngọc Điệp tốn vài chục triệu đồng để đổ xà bần kè sông, giữ đất.

Chia sẻ những khó khăn của người dân, ông Triệu Trung Tính, Bí thư Đảng ủy kiêm Quyền Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết trước đây xã đã nhiều lần kiến nghị lên thành phố sớm có hướng giải quyết vấn đề này, nhưng đây là khu vực thuộc dự án bờ kè ven sông Cái nên phải chờ.

Ông Tính cho rằng nhiều hộ dân trong khu vực gặp khó khi đổ đất đá, kè chống vì bị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam “tuýt còi”, cho là dân đổ đất lấn sông. “Để hạn chế tình trạng sạt lở đất, xã rất mong dự án bờ kè ven sông Cái sớm được triển khai. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đề nghị tỉnh và thành phố cho phép người dân được tự gia cố bờ sông để giữ đất” - ông Tính đề nghị Vốn là một kiến trúc sư, từng được đào tạo bài bản về quản lý đô thị, ông Tính cũng đề nghị các cơ quan liên quan nên có một cuộc khảo sát, đánh giá thực trạng một cách khoa học và nghiêm túc toàn bộ khu vực cù lao Hiệp Hòa này để từ đó có những giải pháp xây dựng cũng như bảo vệ căn cơ.

Phương Liễu

Tin xem nhiều