Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo cầu tạm

10:10, 05/10/2016

Sau những cơn mưa lớn trong thời gian gần đây, nhiều cây cầu tạm bắc qua suối trong khu dân cư của TP.Biên Hòa lại chìm sâu trong nước, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người qua lại...

Sau những cơn mưa lớn trong thời gian gần đây, nhiều cây cầu tạm bắc qua suối trong khu dân cư của TP.Biên Hòa lại chìm sâu trong nước, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người qua lại...

Cầu Bắc Hải, nơi một thanh niên bị nước cuốn trôi và tử vong trong trận mưa ngày 26-9. Ảnh V.Chính
Cầu Bắc Hải, nơi một thanh niên bị nước cuốn trôi và tử vong trong trận mưa ngày 26-9. Ảnh V.Chính

Nỗi lo của người dân càng tăng lên khi mới đây, một thanh niên bị nước cuốn trôi và tử vong vì cố vượt qua cây cầu tạm Bắc Hải nối 2 phường Hố Nai và Trảng Dài vào đêm 26-9 vừa qua.

* Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Nhiều người ở KP.4, phường Trảng Dài và KP.8, phường Hố Nai thừa nhận mỗi khi đi qua cầu Bắc Hải đều cảm thấy bất an nhưng không còn lựa chọn nào khác. Đây là cây cầu tạm bắc qua suối Săn Máu rộng khoảng 2m, dài chừng 10m được người dân đóng góp xây dựng. Cầu được sử dụng nhiều năm, giờ đã xuống cấp. Theo người dân nơi đây, mỗi khi có mưa lớn kéo dài 1-2 tiếng là nước từ thượng nguồn suối Săn Máu ào ào đổ về, ngập tràn toàn bộ cầu. Người đi đường muốn qua cầu chỉ có cách tự ước đoán vị trí cây cầu để đi vì không thể nhận biết dấu hiệu chính xác vị trí cầu.

Bà Lê Thị Mỹ Dung (ngụ KP.4, phường Trảng Dài) cho biết đây là cây cầu rất đông người và phương tiện qua lại mỗi ngày. Công nhân đi đến các khu công nghiệp hoặc học sinh đến trường đều theo hướng này để ra đường Nguyễn Ái Quốc. “Phần lớn người dân trong khu vực đều là công nhân hoặc đi làm thuê, kinh tế khó khăn nên dạo trước bà con chỉ có thể đóng góp làm cây cầu tạm. Từ ngày xảy ra tai nạn chết người, ai đi qua cầu đều không khỏi lo lắng. Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm có kế hoạch nâng cấp cầu Bắc Hải, làm lan can 2 bên cầu để người dân an tâm hơn khi có mưa ngập hoặc khi phải qua cầu vào ban đêm” - bà Dung bộc bạch.

Cầu tạm bằng sắt thuộc KP.4, phường Trảng Dài lâu nay còn “gồng gánh” thêm cả xe tải nên không đảm bảo an toàn. Ảnh V.Chính
Cầu tạm bằng sắt thuộc KP.4, phường Trảng Dài lâu nay còn “gồng gánh” thêm cả xe tải nên không đảm bảo an toàn. Ảnh V.Chính

Được biết, TP.Biên Hòa hiện còn khá nhiều cây cầu tạm qua suối không bảo đảm an toàn. Thế nhưng, hàng ngày những chiếc cầu này vẫn phải gồng gánh khá nhiều phương tiện qua lại, thậm chí cả xe tải nặng, xe container. Điển hình, cây cầu Bà Huế (KP.8, phường Hố Nai) là cầu nối 2 bờ suối Lộc Lâm của phường Hố Nai. Cầu này hiện đang chịu áp lực khá lớn khi các loại xe tải nặng từ các nhà xưởng ở phường Trảng Dài chở hàng hóa đi qua. Mỗi khi có mưa lớn, nước từ đầu nguồn đổ về rất lớn và chảy xiết đổ dồn xuống khiến mặt cầu trở thành dòng suối nguy hiểm. Nhìn bề ngoài, cầu Bà Huế có vẻ kiên cố hơn những  cầu tạm khác, nhưng do lượng xe “khủng” qua lại suốt ngày đêm nên cầu hiện đã xuống cấp. Mỗi khi có mưa lớn là lực lượng chức năng của phường Hố Nai phải túc trực hướng dẫn người dân lưu thông, hoặc nhắc nhở đi đường khác để bảo đảm an toàn.

* Bao giờ nâng cấp cầu tạm?

Hầu hết những cây cầu tạm ở TP.Biên Hòa đều do người dân tự đóng góp xây dựng. Phần lớn các cầu đều nhỏ, chiều ngang trung bình chỉ từ 2-3m, mặt cầu bằng sắt hoặc đổ bê tông mỏng, thậm chí không có lan can 2 bên cầu.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, vừa qua UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các phường, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi xuống lòng suối làm tắc nghẽn dòng chảy. Mặt khác, chính quyền địa phương nghiêm khắc xử lý tình trạng lấn chiếm dòng suối nhằm hạn chế tình trạng mưa ngập gây nguy hiểm cho người dân.

Đánh giá về tình hình phòng chống ngập trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Hố Nai Nguyễn Đình Luật cho biết phường có 3 điểm nối với phường Trảng Dài đều là cầu tạm, bị ngập sâu mỗi khi mưa lớn. Để bảo đảm an toàn cho người dân, phường Hố Nai đã tăng cường các biện pháp, như: chốt chặn, canh gác tại các điểm ngập để kịp thời cứu hộ khi có sự cố; phối hợp với các phường giáp ranh tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó khi cầu ngập, kịp thời sơ tán khi thấy nước lên nhanh…

Còn ở phường Trảng Dài, theo Phó chủ tịch UBND Trần Mạnh Hùng, toàn phường hiện có 13 cầu dân sinh, cầu tạm do nhân dân tự đóng góp xây dựng. Hiện tất cả các cầu này đều bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông. “Ngay sau khi rà soát, xác định các cây cầu tạm, cầu dân sinh trên địa bàn, UBND phường Trảng Dài đã có văn bản báo cáo UBND TP.Biên Hòa để có kế hoạch nâng cấp các cây cầu này. Trước mắt, phường đề nghị thành phố chỉ đạo cụ thể phương án khắc phục tạm thời một số cầu tạm để bà con đi lại thuận tiện và đảm bảo an toàn giao thông” - ông Hùng nói.

Văn Chính-Nguyễn Liên

 

 

 

Tin xem nhiều