Tại ấp An Bình, xã Bình An (huyện Long Thành) có một hộ dân ngang nhiên lấp dòng chảy chính của sông Nhạn để làm nhà. Vụ việc “có một không hai” này đã làm cho hàng chục gia đình khác bị ảnh hưởng…
Tại ấp An Bình, xã Bình An (huyện Long Thành) có một hộ dân ngang nhiên lấp dòng chảy chính của sông Nhạn để làm nhà. Vụ việc “có một không hai” này đã làm cho hàng chục gia đình khác bị ảnh hưởng…
Một phần đất (bên phải) ông Nghĩa lấn sông để làm nhà. |
Trong khi người dân một số xã thuộc huyện Long Thành vẫn còn kinh hoàng vì cơn lũ ngày 3-7 vừa qua thì khoảng 2 năm nay, 25 hộ dân ở tổ 13 và tổ 4, ấp An Bình cũng đã và đang đứng ngồi không yên khi trời mưa lớn, nhà nào cũng bị chìm trong nước.
Người dân trong khu vực cho biết sông Nhạn chảy quanh khu dân cư ấp An Bình. Đây là một vùng trũng có một ngã ba, là điểm giao giữa sông Nhạn và hai con suối ở ấp Sa Cá và Bàu Tre. Dạo trước, nước thượng nguồn chảy về 2 nhánh, bao quanh một cù lao nhỏ khoảng 3 ngàn m2, sau đó cùng chảy qua cầu An Viễng. Nhưng 2 năm qua, do một dòng chảy bị lấp nên mỗi lần mưa lớn nước thoát không kịp, dẫn đến lụt lội. Điển hình năm 2012, lũ bất chợt lên nhanh vào ban đêm cuốn trôi tài sản và làm chết nhiều vật nuôi, hoa màu. Đợt lũ ấy mực nước ngập nhà dân cao gần 1m, rất nguy hiểm đối với người già và trẻ nhỏ đồng thời gây thiệt hại đáng kể cho nông dân.
Lãnh đạo UBND huyện Long Thành “đá qua, đá lại” Trước những bức xúc của người dân ấp An Bình đối với việc lấp sông của ông Trần Trọng Nghĩa, phóng viên Báo Đồng Nai đã liên hệ Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Huỳnh Văn Sơn để nắm thêm thông tin. Tuy nhiên, ông Sơn không có ý kiến mà đề nghị phóng viên trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Ý. Làm việc với ông Ý, phóng viên lại được chỉ sang ông Ngô Thế Ân nhưng vị phó chủ tịch này cũng lắc đầu không trả lời. Trong khi đó, trao đổi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, bà Lê Hà Lệ Hương, Phó chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, UBND huyện có yêu cầu xã giám sát ông Nghĩa đối với việc trả lại nguyên trạng dòng chảy của sông Nhạn. Đến nay ông Nghĩa vẫn chưa chấp hành. “Chúng tôi sẽ nhắc nhở ông Nghĩa thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, đồng thời đề xuất lãnh đạo huyện sớm có giải pháp thích hợp để xử lý vụ việc dứt điểm, sớm trả lại hiện trạng cho dòng sông, giảm nguy cơ ngập lụt trong khu vực” - bà Hương nhấn mạnh. |
Người có “sáng kiến” biến dòng sông thành của riêng mình là ông Trần Trọng Nghĩa, ngụ ấp An Viễng. Sự việc bắt đầu từ năm 2011, khi ông Nghĩa mua toàn bộ đất cù lao và cho xây vòng bao cao khoảng 2,5m. Không chỉ làm bờ kè, ông Nghĩa còn lấp luôn dòng chảy chính của sông Nhạn với mục đích để nối liền thửa đất cũ với cù lao rồi dựng nhà. Trước việc làm tùy tiện của ông Nghĩa, người dân ấp An Bình khiếu nại đến chính quyền địa phương. Tháng 10-2011, UBND huyện Long Thành đã xử lý hành chính và yêu cầu ông Nghĩa phải khôi phục lại dòng sông.
Tuy nhiên, ông Nghĩa chỉ thực hiện nộp phạt. Riêng việc trả lại nguyên trạng phần diện tích chiếm dụng thì ông Nghĩa làm lơ và tiếp tục hoàn thành công trình “lấp sông”, bất chấp những lời ta thán của cư dân. Đến nay, “dự án” lấp sông của ông Nghĩa đã hoàn thành, trước sự ngỡ ngàng và khốn khổ của người dân địa phương.
* Bà Võ Thị Thới: Bà con thiệt đủ đường! Mấy năm nay gia đình tôi cũng như người dân tổ 13, ấp An Bình không thể trồng hoa màu, hay chăn nuôi để tăng thu nhập, vì chúng tôi sợ khi mùa mưa về, lũ lụt sẽ cuốn trôi hết. Chúng tôi sống ở đây đã mấy chục năm rồi, không muốn thay đổi chỗ ở. Hơn nữa, dù có muốn bán nhà thì cũng chẳng ai hỏi mua. Một số hộ vì không chịu nổi cảnh lũ hàng năm nên đã đi nơi khác nhưng nhà cửa vẫn bỏ không. * Bà Phạm Thị Ba: Mùa mưa đến là rầu! Căn nhà tôi ở khá thấp nên 2 năm qua, cứ vào mùa mưa là tôi phải dọn sang nhà con trai ở kế bên, phòng khi có lũ còn có người giúp đỡ. Năm ngoái, trong một lần dọn dẹp quần áo sau lũ, tôi đã bị rắn cắn phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thấy mùa mưa đến là rầu, bởi khi có mưa to thì phập phồng chẳng biết lúc nào lũ ập đến. Thời gian qua, người dân chúng tôi rất bức xúc vì gia đình ông Nghĩa đã lấp dòng chảy của sông Nhạn khiến cho lũ tràn vào nhà chúng tôi càng nhanh hơn. Lạ ở chỗ, dù biết người dân bất bình, thậm chí bị thiệt hại khi lũ về, song ông Nghĩa cứ “bình chân như vại”. * Ông Hoàng Công Niệm: Đơn thư đã gửi nhưng không thấy trả lời? Đã nhiều lần chúng tôi gửi đơn thư kêu cứu đến các cấp chính quyền nhưng đến nay sự việc vẫn rơi vào im lặng. Tôi cho rằng thời điểm ông Nghĩa mới manh nha lấp sông, nếu chính quyền địa phương can thiệp kịp thời và xử lý đến nơi đến chốn thì sự việc sẽ không kéo dài như hôm nay. 25 hộ dân chúng tôi tất cả đều nghèo, chỉ mong ông Nghĩa trả lại nguyên trạng dòng chảy ban đầu, giảm nguy cơ lũ cho người dân bớt thiệt hại. |
Ngọc Vũ