Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng lương cơ sở từ ngày 1-7: Cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi

14:56, 04/07/2023

Mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1-7 đã mang lại nhiều niềm vui cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Các nhóm đối tượng được tăng lương từ ngày 1-7-2023
Các nhóm đối tượng được tăng lương từ ngày 1-7-2023

Sau 3 năm lương cơ sở mới được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14-5-2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang.

Niềm vui được tăng lương

Theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP, một số nhóm đối tượng được áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7. Cụ thể gồm: CBCCVC từ cấp trung ương đến cấp xã; người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và lực lượng vũ trang.

So với 12 lần điều chỉnh tăng lương cơ sở trước đây thì tăng lương cơ sở lần này là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất trong lịch sử. Nếu lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì CBCCVC sẽ được tăng khoản tiền lương tương đối với mức tăng từ hơn 400 ngàn đồng cho tới hơn 2 triệu đồng/tháng (tùy hệ số lương của từng người).

"Nghị định số 24/2023/NĐ-CP nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ: tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở."

Ngoài điều chỉnh tăng lương cơ sở, Chính phủ trình Quốc hội tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả với mức khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Đồng thời, tăng trợ cấp ưu đãi người có công và tăng các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Chia sẻ niềm vui được tăng lương, bà Trịnh Thị Tươi, giáo viên Trường TH-THCS Hùng Vương (H.Thống Nhất) cho hay, đợt tăng lương lần này, lương của bà sẽ được tăng khoảng 1 triệu đồng/tháng. Bà và các giáo viên rất phấn khởi, tùy theo quá trình làm việc mà mức lương được tính khác nhau nên có người tăng ít, người tăng nhiều. Lương tăng giúp mọi người có thêm thu nhập để trang trải một phần cuộc sống nên ai cũng cảm thấy vui và có hứng khởi, làm việc hiệu quả hơn.

Cùng niềm vui được tăng lương, anh Nguyễn Thế Hùng, cán bộ Sở KH-CN bộc bạch, 3 năm qua, mức lương cơ sở không được điều chỉnh tăng khiến cho đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Điều này phát sinh tình trạng CBCCVC nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư gia tăng. Do đó, việc điều chỉnh lương cơ sở lần này thật sự có ý nghĩa lớn, đây chính là nguồn động viên đối với đội ngũ CBCCVC, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tăng chi ngân sách để cải cách chế độ tiền lương cho CBCCVC.

“Với chức trách nhiệm vụ được giao, CBCCVC phải đảm bảo, cố gắng để hoàn thành tốt phần việc của mình dù được tăng lương hay không, nhưng tăng lương chắc chắn mọi người sẽ vui hơn vì có thêm chi phí để trang trải cuộc sống, nhất là đối với những người còn đang phải thuê nhà” - anh Hùng bộc bạch.

Quan tâm hơn đến bình ổn giá, cải cách tiền lương

Thời gian gần đây, dù lương chưa tăng nhưng giá điện đã được điều chỉnh tăng khiến người dân lo ngại giá một số mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo lương và giá điện. Điều này ít nhiều sẽ tác động đến đời sống người lao động.

“Từ tháng 5-2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành trước đó. Giá điện tăng kéo theo một số mặt hàng tăng giá nên tôi cũng lo các mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng khi lương cơ sở tăng” - bà Nguyễn Thị Thủy (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Theo bà Thủy, mức lương tăng sẽ giúp bù trượt giá, giúp người CBCCVC có thêm một khoản lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, để niềm vui tăng lương được trọn vẹn hơn, bà Thủy kiến nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp để bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Khi giá cả thị trường được bình ổn, không có biến động về giá thì việc tăng lương mới vui trọn vẹn.

Cùng góc nhìn, bà Trịnh Thị Tươi, giáo viên Trường TH-THCS Hùng Vương (H.Thống Nhất) cho rằng, hiện lương của người lao động làm việc trong khu vực công còn quá thấp, chưa đủ chi tiêu trong gia đình, nhất là lương của nhân viên y tế, giáo viên... Dù yêu nghề nhưng nhiều người đành quyết định bỏ nghề hoặc chuyển chỗ làm.

Vậy nên, ngoài kiến nghị việc điều chỉnh tăng lương, theo bà Tươi, giải pháp căn cơ dài hạn hơn chính là cải cách tiền lương làm sao để tiền lương của khu vực công có thể đuổi kịp tiền lương của khu vực tư, có như vậy đời sống của người lao động làm công ăn lương nhà nước bớt khó khăn hơn. Khi lương đủ sống thì CBCCVC mới an tâm làm việc, gắn bó lâu dài.

Kim Liễu

Tin xem nhiều