Tuyến đường thủy qua Đồng Nai khá đa dạng, có nhiều bến khách ngang sông và các bến tàu du lịch chở khách cũng hoạt động nhộn nhịp. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), các lực lượng chức năng và đơn vị quản lý cần có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt là đối với phương tiện vận chuyển khách.
Tuyến đường thủy qua Đồng Nai khá đa dạng, có nhiều bến khách ngang sông và các bến tàu du lịch chở khách cũng hoạt động nhộn nhịp. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), các lực lượng chức năng và đơn vị quản lý cần có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt là đối với phương tiện vận chuyển khách.
Phát phao cứu sinh, dụng cụ nổi cho khách đi phà tại một bến khách ngang sông trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải |
* Nhiều bến khách ngang sông
Ngày 26-2, tàu du lịch số hiệu QNa-1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông (TP.Hội An, Quảng Nam) chở 39 người, gồm 36 hành khách và 3 thuyền viên trên đường đi từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền, đến địa điểm cách Đồn Biên phòng Cửa Đại (TP.Hội An) khoảng 1 hải lý về hướng Đông thì bị lật chìm làm 17 người tử vong. Vụ tai nạn khiến dư luận cả nước bàng hoàng và đau xót khi số người thương vong quá lớn. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo các tỉnh, thành phát triển du lịch biển, đảo không được phép lơ là, chủ quan, xem nhẹ công tác bảo đảm ATGT đường thủy.
Nhằm đảm bảo ATGT đường thủy, Bộ GT-VT đã yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị quản lý các tuyến đường sông phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: phân luồng, cắm biển báo ở những nơi có nguy cơ mất an toàn; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những nơi dễ gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Hiện nay, pháp luật quy định phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; người đi đò, phà phải mặc áo phao. Tại các bến phà trên địa bàn tỉnh ở TP.Biên Hòa và các huyện: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành…, ngoài áo phao thì vật liệu nổi cầm tay được trang bị đầy đủ cho các phà chở khách. Khi chẳng may xảy ra sự cố, các đồ dùng này trở thành phao dự phòng giúp hành khách có thêm phương tiện cứu sinh.
Ông Mai Ngọc Phước, chủ bến phà Bà Miêu (thuộc ấp 7, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Dương cho biết, bến phà này mỗi ngày có khoảng 600-700 khách qua lại. Khách đi phà chủ yếu là công nhân làm việc tại các công ty trên địa bàn xã Thạnh Phú. Vào buổi sáng và chiều tối, khi công nhân tan ca, bến phà phải hoạt động liên tục mới đáp ứng được hết nhu cầu, không để khách đi phà chờ đợi lâu.
Công tác đảm bảo ATGT được chủ bến phà Bà Miêu rất chú trọng, từ việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi đến chất lượng phương tiện đều đảm bảo an toàn. 3 chiếc phà tải trọng lớn đang hoạt động tại bến thường xuyên được kiểm định kỹ thuật theo đúng quy định. Người lái phà có bằng cấp chuyên môn và thông thạo địa hình khu vực khi điều khiển phương tiện trên sông.
Tương tự, ông Phạm Minh Tân, Phụ trách quản lý Đảo Ó - Đồng Trường (H.Vĩnh Cửu) cho biết, đơn vị hoạt động du lịch nên tổ chức đưa đón khách du lịch từ đất liền ra đảo trên lòng hồ Trị An. Hiện khu du dịch có 6 tàu thuyền chở khách với khoảng 200 ghế. Thời điểm dịch bệnh chưa xảy ra cao điểm có thể đón khoảng 700 khách/tuần, nhưng hiện tại lượng khách đi du lịch không cao. Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATGT như yêu cầu khách mặc áo phao, chấp hành nghiêm quy định phòng dịch Covid-19 luôn được đảm bảo.
* Đảm bảo an toàn trong hoạt động
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau vụ tai nạn giao thông đường thủy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Nam, Cục Cảnh sát giao thông đã có công điện chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến giao thông đường thủy. Trong đó, chú trọng kiểm tra điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; điều kiện kinh doanh vận tải; phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.
Cùng với các biện pháp trên, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho chủ phương tiện và người tham gia giao thông thủy trên địa bàn cũng như cách xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn đường thủy. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, lái tàu, hành khách tuân thủ nghiêm các quy định; tích cực tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) Trần Quang Bình cho biết, Bộ GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, hoạt động của phương tiện thủy như: quản lý, cấp phép phương tiện rời cảng, bến; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện, thuyền viên, bao gồm cả thiết bị AIS (thiết bị nhận dạng phương tiện), áo phao, thiết bị cảnh báo và bảo đảm an toàn; các quy định về an toàn và thông tin cảnh báo điều kiện thời tiết... Kiên quyết từ chối phục vụ nếu hành khách không chấp hành các quy định ATGT, nội quy của bến (không mặc áo phao, không cầm dụng cụ nổi cứu sinh…).
Phạt nặng nếu không dùng phao cứu sinh Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, theo quy định tại Nghị định số 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31-12-2021 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hành khách đi trên phương tiện thủy nếu không sử dụng phao cứu sinh bị phạt 1-2 triệu đồng. Trong khi đó, khung mức phạt trước đây chỉ từ 100 ngàn đến 1 triệu đồng (tùy theo loại phương tiện) và mức phạt tối đa 1 triệu đồng chỉ áp dụng đối với phương tiện có trọng tải, công suất lớn nhất. |
Thanh Hải