Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, phương án giải tỏa..., nhưng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn xảy ra ùn tắc giao thông.
Thời gian qua, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xảy ra ùn tắc giao thông. Ngoài nguyên nhân lưu lượng phương tiện tăng nhanh còn do cách tổ chức giao thông chưa hợp lý và còn nhiều bất cập. Dù các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, phương án giải tỏa nhưng ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên.
Kẹt xe kéo dài trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại trạm thu phí nhánh ra quốc lộ 51 (hướng từ TP.HCM - Vũng Tàu). Ảnh: T.Hải |
* Ùn tắc ngày càng nghiêm trọng
Đầu năm 2015, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động với mục đích giúp giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, quốc lộ 51 qua địa bàn tỉnh, hạn chế tai nạn giao thông trên các quốc lộ này; đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh việc hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM; giúp kết nối và rút ngắn thời gian đến các khu công nghiệp, du lịch, giải trí, cụm cảng, sân bay tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sau hơn 3 năm đi vào vận hành, từ năm 2018 đến nay, tuyến đường này thường xảy ra cảnh xe cộ nối đuôi, ùn ứ kéo dài, nhất là vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết. Trong một số khung giờ cao điểm, mật độ phương tiện lựa chọn tuyến đường này để lưu thông tăng cao đã vượt so với thiết kế ban đầu là 59 ngàn lượt/ngày. Hiện nay, vào ngày cao điểm, số lượt xe lưu thông qua đường cao tốc này đạt khoảng 70-80 ngàn lượt/ngày.
Để giảm tình trạng quá tải, Bộ GT-VT đưa ra phương án mở rộng đường cao tốc này lên từ 10-12 làn xe nhằm tăng khả năng lưu thông, kết nối. Hiện việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GT-VT) tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. |
Tình trạng quá tải đến mức báo động nên vào đầu tháng 4-2019, đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây buộc phải ban hành văn bản khuyến cáo các tài xế hạn chế lưu thông trên đường cao tốc, nhất là trong các khung giờ cao điểm của 3 ngày cuối tuần để tránh ùn tắc thêm nghiêm trọng.
Ngoài vấn đề phương tiện tăng nhanh, hạ tầng và cách tổ chức giao thông trên tuyến còn nhiều bất cập đã khiến ùn tắc trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây càng nghiêm trọng. Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Nguyễn Văn Thành phân tích, trong nhiều vị trí ùn tắc thì khu vực cầu Long Thành, trước các trạm thu phí thường kẹt xe nghiêm trọng nhất.
Hiện tại, cầu Long Thành (nối Đồng Nai với TP.Thủ Đức, TP.HCM) hẹp và độ dốc lớn. Mặt cầu chỉ có 2 làn xe (không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa cho phép chỉ 100km/giờ), khi xảy ra va chạm hoặc sự cố giao thông thì dòng xe sẽ bị ùn ứ kéo dài. Điều này khiến công tác phân luồng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của các phương tiện.
Bên cạnh đó, khu vực tiểu đảo tại vòng xoay dưới cầu vượt đường cao tốc quá lớn nên cũng ảnh hưởng đến vấn đề lưu thông của các phương tiện. Dù sau đó, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE - đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) đã tiến hành tổ chức thi công, xử lý vấn đề này, nhưng đến nay xung đột với các phương tiện hướng Vũng Tàu đi Biên Hòa và Biên Hòa vào đường cao tốc tại khu vực nhánh A vẫn chưa hết căng thẳng.
* Tổ chức lại giao thông
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, vị trí đặt Trạm thu phí quốc lộ 51 (2 đầu nhánh lên đường cao tốc) được các cơ quan chức năng đánh giá chưa hợp lý. Vị trí đặt trạm quá gần với nút giao quốc lộ 51 đã gây nên tình trạng ùn ứ cho cả 2 nhánh ra vào đường cao tốc hướng từ TP.HCM ra quốc lộ 51 và ngược lại. Phương tiện liên tục bị xung đột tại nút giao, gây ùn ứ cục bộ. Hơn nữa, hệ thống thu phí khép kín buộc các lái xe phải dừng 2 lần để nhận và trả thẻ, khiến cho tình trạng ùn tắc diễn biến phức tạp hơn.
Đại diện Công an H.Long Thành cho biết, vào những giờ cao điểm, phương tiện đồ dồn về đông thì khu vực quốc lộ 51 với đường nhánh dẫn vào đường cao tốc ùn ứ kéo dài, xe cộ chật như nêm. Có những thời điểm, ô tô xếp hàng dài trên đường đến gần cây số, từ ngã ba Nhơn Trạch kéo dài đến khu vực nút giao.
“Trong nhiều lần làm việc với đơn vị quản lý tuyến đường, H.Long Thành đã kiến nghị dời vị trí đặt trạm cách xa quốc lộ 51 bởi khoảng cách hiện tại quá gần. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa được giải quyết, gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm công tác điều tiết, phân luồng tại đây” - một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an H.Long Thành nói.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GT-VT vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo đó, Bộ GT-VT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1492/QĐ-BGTVT ngày 24-5-2017 về việc đưa ra phương án tổ chức giao thông đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cụ thể như sau:
Bổ sung 3 cổng thu phí tại nhánh D, khu vực nút giao với quốc lộ 51 và điều chỉnh số lượng cửa ra, vào, số cửa cho xe quá tải để phù hợp với thực tế khai thác và lưu lượng xe trên tuyến. Cập nhật các văn bản pháp quy có liên quan về quản lý khai thác đường cao tốc; cập nhật thay đổi về địa danh hành chính theo Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Thủ Đức; chuẩn xác lại lý trình một số điểm quay đầu khẩn cấp; cập nhật số điện thoại đường dây nóng.
Bộ GT-VT lưu ý trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc có vấn đề chưa phù hợp, yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam kịp thời báo cáo về bộ để được xem xét, điều chỉnh kịp thời. Căn cứ vào phương án tổ chức giao thông được phê duyệt, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.
Bộ GT-VT cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, giám sát việc thực hiện của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đảm bảo tuân thủ quy định trong phương án tổ chức giao thông được phê duyệt.
Thanh Hải