Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày xuân xin đừng quá chén

11:01, 28/01/2014

Lễ, tết cuối năm là dịp mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau, nên có nhiều người uống rượu, bia hơn ngày thường. Do vậy khó tránh khỏi tình trạng nhiều người có nồng độ cồn trong máu điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường, gây mất an toàn giao thông. Để giảm bớt vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe là điều mong muốn của mọi người.

Lễ, tết cuối năm là dịp mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau, nên có nhiều người uống rượu, bia hơn ngày thường. Do vậy khó tránh khỏi tình trạng nhiều người có nồng độ cồn trong máu điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường, gây mất an toàn giao thông. Để giảm bớt vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe là điều mong muốn của mọi người.

Tối 24-1, những quán nhậu nằm san sát nhau trên tuyến “phố nhậu” Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) đông đặc khách, xe máy của khách nhậu dựng bít cả lề đường. Tiếng ồn ào “Dzô-dzô… trăm phần trăm…, một - hai - ba… dzô” của thực khách vang lên khắp các quán.

Quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) tấp nập trong những ngày cuối năm.
Quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) tấp nập trong những ngày cuối năm.

Không khí vui chơi rộn rã cuối năm với sự tác động của men rượu, bia làm người uống thêm hưng phấn, hào hứng. Điều này cho thấy mặt tích cực của rượu, bia đối với đời sống. Thế nhưng, nếu lạm dụng rượu, bia có thể dẫn đến thảm cảnh nếu người uống thiếu kiềm chế. Và thảm cảnh này có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ nơi nào.

* Thảm cảnh từ việc thiếu kềm chế

Quá 21 giờ ngày 24-1, không khí cuối năm tại khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đối nghịch với khu vực “phố nhậu” Võ Thị Sáu. Nhiều người thân của nạn nhân đi qua lại trước cửa phòng cấp cứu với vẻ mặt đầy lo âu, trong khi các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây tất bật với việc cứu chữa các bệnh nhân.

Một nhân viên y tế tại đây cho biết, từ 19-21 giờ khoa đã tiếp nhận gần 20 ca cấp cứu tai nạn giao thông. Trong số này, có một ca cấp cứu tai nạn giao thông đưa vào đây vừa mới tử vong, nguyên nhân bị tai nạn có thể liên quan đến rượu, bia.

Một trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong đêm 24-1.
Một trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong đêm 24-1.

Bác sĩ trực cấp cứu Nguyễn Quang Hòa cho biết, hầu như các nạn nhân tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu đều có mùi rượu, bia. Các trường hợp này đều được cho lấy máu thử nồng độ cồn theo quy định. Trong đó, các trường hợp bị chấn thương sọ não sau khi được xác định, tùy mức độ thương tích sẽ được đưa đến khoa ngoại thần kinh để điều trị. Tại khoa này, hiện vẫn còn nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông đang nằm điều trị, dù ngày tết đã cận kề.

Một nhân viên điều dưỡng trực tại khoa ngoại thần kinh cho biết, có nhiều trường hợp xét nghiệm thấy nạn nhân có nồng độ cồn rất cao. Như nạn nhânN.Y. (ngụ huyện Xuân Lộc) mới được nhập khoa này vào tối 24-1. Ông Y. bị chấn thương sọ não nặng, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn cao hơn 10 lần mức quy định. Người nhà ông Y. cho biết, do buồn chuyện gia đình nên ông thường làm bạn với rượu, bia và thường uống nhiều. Ông đã bị xe đụng khi đi đường trong tình trạng say xỉn. Năm nay, gia đình ông coi như không có tết, vì người thân của ông phải bỏ thời gian, tiền bạc vào bệnh viện chăm sóc ông.

Do mặt bằng bệnh viện chật hẹp, người thân của ông Y. (cũng như một số người thân của các nạn nhân tai nạn giao thông điều trị tại đây) phải nằm vật vạ ngoài hành lang ngủ chập chờn chờ trời sáng để tiếp tục chăm sóc cho ông. Không biết lúc uống rượu, bia vui vẻ (hoặc giải sầu), người uống có lường trước tình cảnh này?

* Kềm chế, vui dài lâu

Trong tháng 12-2013 và 10 ngày đầu tháng 1-2014, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã cấp cứu 200 nạn nhân bị tai nạn giao thông có nồng độ cồn. Đây là con số cụ thể cho thấy tác hại của việc vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Trong 3 tháng cuối năm 2013, lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông của Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý trên 1 ngàn trường hợp người lái xe vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, người lái xe máy vi phạm chiếm tỷ lệ gần 96%; người lái ô tô chiếm 4,5%. Đáng lưu ý, trong số vi phạm có đến 11 tài xế xe khách, 2 tài xế xe container; nếu các tài xế say xỉn này gây tai nạn thì hậu quả thật khôn lường.

Một điều lưu ý khác là số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện chỉ chiếm khoảng 0,6% trong tổng số vi phạm. Thực tế con số người lái xe có nồng độ cồn lưu thông hàng ngày còn rất nhiều, nhưng vì lý do nào đó lực lượng chức năng chưa siết chặt kiểm tra nên vẫn còn nhiều trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

Người nhà nạn nhân bị tai nạn giao thông phải nằm vạ vật ngoài hành lang bệnh viện.
Người nhà nạn nhân bị tai nạn giao thông phải nằm vạ vật ngoài hành lang bệnh viện.

Thiếu tá Bùi Xuân Huyện, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa, cho biết Cảnh sát giao thông phải kiềm chế rất nhiều khi xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, vì người vi phạm có hơi men thường hay chống đối, cự cãi. Có trường hợp người vi phạm là công chức đã cãi lý, hoặc xúc phạm người thi hành công vụ, nhưng lực lượng kiểm tra vẫn kiên quyết lập biên bản, đình chỉ người lái xe để bảo đảm an toàn. Sau đó, người vi phạm tỉnh rượu, thấy mình sai nên đã đến xin lỗi lực lượng công an.

Nếu nhìn từ góc độ các vụ tai nạn do tài xế ô tô say rượu gây ra như kể trên, có lẽ các tài xế vi phạm nồng độ cồn phải cám ơn Cảnh sát giao thông nhiều hơn, vì đã giúp họ ngăn chặn hành vi say rượu lái xe có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, hậu quả sẽ khó lường.

Trong dịp lễ hội mùa xuân này, không chỉ người lái ô tô, mà mọi người cầm lái các phương tiện khác cần kiềm chế khi uống rượu, bia để bảo đảm được hưởng cái tết an toàn cho mình và cho mọi người.    

Thanh Toàn

 

 

 

 

Tin xem nhiều