Loạt Megastory: Để kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới
Kỳ 4: 'Cởi trói' để kinh tế tư nhân trở thành đòn bẩy cho tăng trưởng 2 con số
.

Loạt Megastory: Để kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới
Kỳ 4: 'Cởi trói' để kinh tế tư nhân trở thành đòn bẩy cho tăng trưởng 2 con số

Hương Giang-Vương Thế-Hoàng Hải
23:04, 18/05/2025

 

 
 

Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt kết quả trên, từ đầu tháng 5-2025 đến nay, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã liên tục ban hành các nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang kìm hãm kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển. Mục tiêu để KTTN bứt phá, đưa nền kinh tế nước ta vươn mình sánh ngang các nước phát triển trên thế giới.

Ngày 4-5-2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) đã tạo ra bước ngoặt lớn trong thể chế hóa vai trò của KTTN. Đồng thời, đặt KTTN vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) kỳ vọng tạo ra một môi trường thuận lợi để KTTN lớn mạnh.

Tiếp đó, ngày 17-5-2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 (Nghị quyết 198) về một số cơ chế đặc biệt cho KTTN và ngay trong ngày 17-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội.

 

Sau gần 4 thập niên đổi mới, KTTN Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, nhưng trong quá trình hoạt động cũng bộc lộ những vướng mắc về cơ chế, chính sách khiến nhiều DN, cơ sở kinh doanh “chậm lớn”. Do đó, trên 95% DN Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ và vừa. Vì thế, các DN, hộ kinh doanh đều mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho KTTN phát triển. KTTN phát triển lớn mạnh sẽ đóng góp lớn cho GDP, thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cho nhiều người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68- NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân do Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức ngày 18- 5-2025. Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW" tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân do Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức ngày 18-5-2025. Ảnh: chinhphu.vn

Nghị quyết 68 mới được ban hành được các DN, hộ kinh doanh kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, giúp họ dễ dàng tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ…

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết 68 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong việc thể chế hóa vai trò của KTTN, đặt KTTN vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Thế nhưng, để hiện thực hóa các mục tiêu từ nghị quyết trên thì phải có một hệ thống các nghị định và chính sách cụ thể, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ cũng nhấn mạnh, hiện nay, với DN tư nhân phải vừa mở rộng quy mô, vừa phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo để hình thành được hàng trăm, hàng triệu DN có khả năng cạnh tranh ở thị trường nội địa và quốc tế.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức (thành phố
Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế
Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Phan Đình Tuệ, Nghị quyết 68 là bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển KTTN. Trong nghị quyết có mục tiêu rõ ràng, với nhiều giải pháp cụ thể sẽ mở ra cơ hội chưa từng có cho KTTN phát triển, đặc biệt là “không hình sự hóa quan hệ kinh tế”. Điều này tạo sự an tâm, mạnh dạn cho cộng đồng DN tư nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, để Nghị quyết 68 đạt kết quả như kỳ vọng thì cần phải thể chế hóa nhanh chóng, đồng bộ, đồng thời các DN phải chủ động, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển.

 

Tại Đồng Nai, mỗi năm có hơn 4 ngàn DN thành lập mới trên các lĩnh vực, bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội gần 100 ngàn tỷ đồng. Nếu những vướng mắc về cơ chế, chính sách được tháo gỡ, số DN thành lập mới hàng năm sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều DN tư nhân đăng ký bổ sung vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Các DN Đồng Nai cũng kỳ vọng, Nghị quyết 68 sẽ mở ra cơ hội cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao để tăng trưởng 10-12%/năm, đóng góp 58-60% cho GRDP của tỉnh.

 

Ngày 17-5-2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt trong phát triển KTTN. Nghị quyết trên gồm 8 chương, 17 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày Quốc hội thông qua.

Tại chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 17-5, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua
Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt
phát triển kinh tế tư nhân. Kết quả biểu quyết cho thấy, với 429/434 đại biểu tham
gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,75% tổng số đại biểu Quốc hội). Ảnh: quochoi.vn
Tại chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 17-5, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Kết quả biểu quyết có 429/434 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,75% tổng số đại biểu Quốc hội). Ảnh: quochoi.vn

Theo Nghị quyết 198, DN nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập DN trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu; hộ kinh doanh chuyển đổi số, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh.

Miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo cho DN khởi nghiệp, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp và tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp. Hỗ trợ lãi suất 2% cho dự án xanh, tuần hoàn; không hình sự hóa quan hệ kinh tế; thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm...

Các chuyên gia kinh tế, Hiệp hội DN, tập đoàn cho rằng, chính sách trên được kỳ vọng sẽ tạo động lực, đòn bẩy cho KTTN cất cánh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, mạnh trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong nhiều năm qua, DN tư nhân có 3 “nỗi sợ”. Trong đó, DN “sợ” ma trận thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài, nhất là DN bất động sản phải mất từ 3-5 năm hoặc lâu hơn để thực hiện các thủ tục hành chính, mất cơ hội đầu tư và làm cho thị trường thiếu nguồn cung nhà ở, lệch pha sản phẩm về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nghiêm trọng nhà ở bình dân và đẩy giá nhà lên quá cao. DN “sợ” bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần. DN tư nhân “sợ” bị vướng pháp luật hình sự trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết 198 vừa được Quốc hội thông qua được nhiều doanh nghiệp tư nhân
tại Đồng Nai, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng sẽ trở thành động
lực quan trọng cho kinh tế tư nhân phát triển, hội nhập kinh tế thế giới, cũng như
trở thành đòn bẩy cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của cả nước nói chung
và Đồng Nai nói riêng. Trong ảnh: Hoạt động dịch vụ cảng biển tại cảng Phước
An (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Hoàng Hải
Nghị quyết 198 vừa được Quốc hội thông qua được nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Đồng Nai, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho kinh tế tư nhân phát triển, hội nhập kinh tế thế giới, cũng như trở thành đòn bẩy cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Trong ảnh: Hoạt động dịch vụ cảng biển tại cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Hoàng Hải

Thế nhưng hiện nay, khi có Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198 của Quốc hội, Nghị quyết 139 của Chính phủ đã “hóa giải” được 3 “nỗi sợ” cho DN tư nhân. Đồng thời, các nghị quyết đã tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng.

 

Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển hẳn từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ” sẽ mở ra kỷ nguyên mới, không gian rộng mở để KTTN phát triển trở thành một động lực chính của nền kinh tế quốc gia.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của DN trong khu vực, cần sự tăng cường kết nối giữa các ngân hàng và DN, trong đó có việc triển khai các hội nghị kết nối giữa các bên liên quan. Từ đó, giúp các ngân hàng nắm bắt nhu cầu thực tế của DN, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời hỗ trợ, thúc đẩy tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên…

Hệ thống ngân hàng trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đang triển
khai nhiều giải pháp, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên,
trong đó có cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Hoàng Hải
Hệ thống ngân hàng trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đang triển khai nhiều giải pháp, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Hoàng Hải

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khu vực 12 nói riêng và NHNN Việt Nam nói chung, cần có những chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN nhỏ và vừa, nhất là khoản vay trung và dài hạn, thúc đẩy dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, nhiều DN cũng đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn linh hoạt hơn trong điều kiện vay vốn, đặc biệt là đối với DN đã có lịch sử tín dụng tốt.

Vốn tín dụng ngân hàng là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh của xã hội, trong đó có các DN tư nhân, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, ngành ngân hàng trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng nguồn vốn dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu…

 

Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, NHNN Việt Nam liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm 2025. Đồng thời, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam để ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên...

Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai Phạm Thành Vinh cho biết, chi nhánh xác định việc phát triển tín dụng, phát triển khách hàng tín dụng mới, khơi thông nguồn vốn tín dụng hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là các gói vay vốn ưu đãi đối với DN sản xuất xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN công nghệ cao… (với mức giảm lãi suất từ 1-2%/năm) để kích thích nhu cầu vay vốn, giúp khách hàng DN tiết giảm chi phí tài chính trong hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tham quan các gian hàng của doanh nghiệp sản
xuất gỗ của Đồng Nai tại khu chợ đầu mối đồ gỗ Hố Nai (thành phố Biên Hòa). Ảnh:
Vương Thế
Lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tham quan các gian hàng của doanh nghiệp sản xuất gỗ của Đồng Nai tại khu chợ đầu mối đồ gỗ Hố Nai (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26/2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 26) quy định về điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện một số hoạt động cho vay tại Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ cuối tháng 3-2025.

Trong đó, Quyết định này quy định các gói vay vốn ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh để tham gia thực hiện Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), phát triển du lịch nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Anh Nguyễn Minh Phúc (ngụ phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh) chia sẻ: “Tôi đang triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tôi mong muốn địa phương tạo điều kiện để mô hình của tôi tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển, mở rộng mô hình sản xuất dưa lưới sạch, ứng dụng công nghệ cao”.

Tương tự, chủ Cơ sở sản xuất nấm mèo Trường Giang (xã Suối Nho, huyện Định Quán) Nguyễn Thanh Giang chia sẻ: “Tôi mong nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ để cơ sở tiếp cận được nguồn vốn vay để mở được nhà xưởng, nhà kho, thuê nhân công và nhập máy móc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với dòng sản phẩm nấm đạt chuẩn OCOP”.

Mô hình liên kết sản xuất sản phẩm ca cao của Công ty TNHH Ca caoTrọng Đức
(xã Phú Hòa, huyện Định Quán). Ảnh: Hoàng Hải
Mô hình liên kết sản xuất sản phẩm ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán). Ảnh: Hoàng Hải

Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Nông Nghiệp và môi trường để lập danh sách các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia chương trình OCOP, phát triển làng nghề truyền thống, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nhu cầu vay vốn, sau đó sẽ tổng hợp nhu cầu vốn, báo cáo UBND tỉnh để cân đối vốn giải ngân cho vay, từ đó có thể giải ngân nguồn vốn vay kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định.

Bên cạnh về các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ về nguồn vốn, tín dụng ưu đãi, nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh còn mong đợi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực có thể làm chủ các công nghệ hiện đại. Đồng thời, tăng cường triển khai các chương trình, hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu tư, kinh doanh…

 

Giám đốc Công ty CP Gốm Việt Thành Nguyễn Huỳnh Thiên Phúc chia sẻ: “Với đặc thù DN chủ lực về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến xúc tiến thương mại, đẩy mạnh giao thương, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường. Do đó, DN cũng mong muốn địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm gốm của địa phương”.

Trong bối cảnh khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, thị hiếu tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử ngày càng nở rộ sẽ tác động tới định hướng phát triển của các DN. Hơn thế nữa, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến.

Anh Trần Thành Tâm, chủ Cơ sở Mật ong Lá Ủ (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) cho biết các sản phẩm chính của cơ sở hiện nay gồm: mật ong hoa cà phê, mật ong hoa nhãn, nước màu mật ong… Trong đó, sản phẩm mật ong hoa cà phê đã đạt chuẩn OCOP. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư, quản lý hệ thống trại ong, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cơ sở còn mong đợi các chương trình, chính sách hỗ trợ địa phương phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, trong đó có các kênh quảng bá sản phẩm trên nền tảng trực tuyến.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian trưng bày sản phẩm công nghệ số bên lề hội thảo
hội thảo khoa học triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ
Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi
số quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - Góc nhìn chuyên gia vào tháng 3-2025.
Ảnh: Hoàng Hải
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian trưng bày sản phẩm công nghệ số bên lề hội thảo khoa học triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - Góc nhìn chuyên gia vào tháng 3-2025. Ảnh: Hoàng Hải

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) Nguyễn Văn Lĩnh cho hay, năm nay, tỉnh đã ban hành chương trình xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm. Điều này sẽ tạo điều kiện để trung tâm xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối DN, hợp tác xã, chủ thể OCOP tham gia các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, thị hiếu tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử ngày càng nở rộ sẽ tác động tới định hướng phát triển của các DN. Đồng thời, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến.

 

Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho rằng, trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, các DN trong nước, nhất là các DN đã có thương hiệu lâu đời cần nhanh chóng nắm bắt sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng để thích ứng kịp thời. DN đã có thị trường thì không thể để mất thị trường vì chậm chân về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo…

 
 

 

Từ khóa:

Chính phủ

đến nay

kinh tế tư nhân

KTTN

trên thế giới

vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem thêm bình luận