>>> Kỳ 1: Xây dựng "đường băng" chính sách cho kinh tế tư nhân
![]() |
Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, với gần 1 triệu doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. KTTN trở thành trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, KTTN sẽ bứt phá trong kỷ nguyên mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
![]() |
Từ khi đổi mới đến nay, quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển KTTN luôn nhất quán và ngày càng hoàn thiện. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho KTTN phát triển.
Đến năm 2024, khu vực KTTN đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước, hơn 30% thu ngân sách nhà nước, 60% vốn đầu tư toàn xã hội, giải quyết việc làm cho 85% lực lượng lao động. Tại Đồng Nai, KTTN đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tỉnh có hơn 56 ngàn DN với vốn đăng ký gần 550 ngàn tỷ đồng.
![]() |
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng vào tháng 12-1986 là khởi đầu cho công cuộc đổi mới, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
![]() |
Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại quốc tế Eco (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế |
Giai đoạn 1986-1990, các khung pháp lý cho hình thức DN mới được ra đời nhằm tạo ra cơ chế quản lý kinh tế để phát triển, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước. Cũng bắt đầu từ đây, KTTN được nhìn nhận lại vai trò và các cơ chế, chính sách được ban hành tạo thuận lợi cho những cá thể, hộ gia đình, tổ hợp tác phát triển kinh doanh.
Năm 1990, Luật DN tư nhân, Luật Công ty ra đời là những văn bản đầu tiên quy định về các hoạt động của DN Việt Nam. Trong đó, Luật Công ty năm 1990 công nhận công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần đã tạo điều kiện cho khu vực KTTN phát triển.
Từ năm 1992-2000 là thời điểm Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách để củng cố và mở rộng khối KTTN. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 đã chính thức thừa nhận KTTN là một thành phần kinh tế lâu dài. Sau đó, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994 được ban hành đã đơn giản hóa thủ tục đăng ký DN. Do đó, nhiều hộ kinh doanh cá thể đã thành lập DN để mở rộng hoạt động, dễ dàng ký kết với đối tác trong nước và nước ngoài. Điều này giúp cho số lượng DN tư nhân tăng nhanh, đóng góp nhiều hơn vào GDP và giải quyết việc làm.
![]() |
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Nhất Tín An (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế |
Từ năm 2001-2010 là giai đoạn KTTN cất cánh cùng hội nhập khi các cơ chế, chính sách được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DN. Luật DN 2005 được ban hành tháo gỡ nhiều vướng mắc để KTTN từng bước lớn mạnh. Đến năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO mở ra môi trường cạnh tranh, thúc đẩy cải cách thể chế. Nhiều DN tư nhân lớn ra đời như: Vingroup, THACO, Hòa Phát...
Từ năm 2011 đến nay, KTTN khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ XII và XIII của Đảng đều khẳng định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ và các tỉnh, thành đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, KTTN của Việt Nam phát triển bền vững với khát vọng vươn ra toàn cầu. Nhiều tập đoàn tư nhân đã xây dựng được thương hiệu trên thế giới như: Vingroup, FPT, THACO, Vietjet, TH True Milk, Masan…
![]() |
Tại cuộc gặp mặt tri ân, vinh danh các DN, doanh nhân Việt Nam vào ngày 14-10-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, có đóng góp của các doanh nhân, DN. Đảng, Nhà nước sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho DN, doanh nhân phát triển. Đồng thời, khuyến khích DN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh.
Ngày 4-5-2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển KTTN với mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế. Có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
![]() |
![]() |
Đảng, Nhà nước xác định khu vực KTTN là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều DN tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Sự vươn lên và bứt phá của nhiều tập đoàn tư nhân mới cũng đang mở ra những kỳ vọng về một khu vực KTTN phát triển thịnh vượng với đầu kéo là các tập đoàn, cùng các vệ tinh là các DN tư nhân nhỏ và vừa. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của mình, nhiều DN tư nhân mong muốn được cùng tham gia với Nhà nước trong các chiến lược, dự án kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao; tham gia đầu tư hạ tầng trọng điểm của địa phương cũng như cả nước.
![]() |
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, KTTN vẫn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, khó tiếp cận tín dụng, đất đai, nhân lực chất lượng cao nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, đa số DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị yếu; phần lớn có công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, dù cả nước có gần 1 triệu DN nhưng số DN xây dựng thương hiệu vươn ra toàn cầu còn ít.
Chủ tịch Liên đoàn DN Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho hay, qua khảo sát, hiện nay, cộng đồng DN mong muốn được tạo thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, dòng vốn tín dụng xanh và hỗ trợ kết nối vào chuỗi cung ứng sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn và tiếp đà phục hồi, các DN mong muốn được tiếp tục miễn, giảm thuế thu nhập từ 3-5 năm; đồng thời có chính sách triển khai nguồn vốn vay ưu đãi trong sản xuất, xuất khẩu...
![]() |
Công ty CP kết cấu thép ATAD, một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực kết cấu thép đã đầu tư nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Khu công nghiệp Long Khánh từ năm 2017. Ảnh: tư liệu |
Đầu năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về "Phát triển KTTN - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng". Trong đó, Tổng Bí thư đánh giá, KTTN không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều DN tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, DN Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, dù đóng góp ngày càng lớn nhưng KTTN hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành DN, thậm chí "không muốn lớn". Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro.
![]() |
Tại Đồng Nai, đến nay đã có hơn 56 ngàn DN đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN với số vốn gần 550 ngàn tỷ đồng. Khu vực KTTN tại Đồng Nai hiện đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 30 ngàn tỷ đồng/năm, chiếm hơn 50% thu ngân sách của tỉnh; đóng góp cho GRDP của tỉnh trên 60%. Đồng thời, KTTN ở Đồng Nai cũng tạo ra nhiều việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, Đồng Nai có khoảng 95% DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ. Đây là loại hình DN rất cần được ngành chức năng tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm qua, Đông Nai luôn khuyến khích phát triển KTTN, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ DN tư nhân.
![]() |
Bên cạnh các chính sách của của trung ương, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN. Đơn cử, ngày 8-6-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND về Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Đồng Nai nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn. Từ đó phát huy nội lực của DN, thúc đẩy phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho tỉnh.
Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa về bảo lãnh tín dụng; mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý…
![]() |
Kinh tế hợp tác xã (HTX) cũng được coi là một phần của kinh tế tư nhân: Trong ảnh: Đại diện Liên minh HTX Đồng Nai tham quan sản phẩm của HTX Tân Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế |
Tháng 12-2023, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ DN lĩnh vực công nghệ đến năm 2030. Cụ thể là hỗ trợ xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ; hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến, sản xuất thử nghiệm; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực…
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa DN và cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoạt động khoa học công nghệ để tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, làm chủ, giải mã các công nghệ mới, tiên tiến, để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ… Hỗ trợ việc triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh xanh, tuần hoàn…
![]() |
![]() |