Megastory: Khi 'siêu phường' thiếu trường:
Kỳ cuối: Giải pháp nào để các "siêu phường" có thêm trường?
.

Megastory: Khi 'siêu phường' thiếu trường:
Kỳ cuối: Giải pháp nào để các "siêu phường" có thêm trường?

Bích Nhàn - Vi Lâm - Hải Hà
13:12, 05/09/2024
 

Là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước với hơn 1,2 triệu dân, hầu như năm nào thành phố Biên Hòa cũng xây mới, sửa chữa, nâng cấp trường lớp. Trung bình mỗi năm, thành phố Biên Hòa dành khoảng 200-300 tỷ đồng để xây mới, mở rộng trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở (THCS). Nhưng với mức tăng từ 7-9 ngàn học sinh/năm thì việc xây dựng trường lớp vẫn như “muối bỏ bể” do quỹ đất eo hẹp hoặc vướng giải phóng mặt bằng và các nguyên nhân khác.

Dù vậy, Biên Hòa đang quy hoạch đến năm 2045 để làm sao có đủ trường lớp cho các em học sinh, đặc biệt là ở những “siêu phường”.
 

 

Theo ông Nguyễn Tôn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa, khó khăn nhất của thành phố Biên Hòa là quỹ đất sạch để xây trường. Một số dự án trong quá trình triển khai bị kéo dài thời gian thực hiện do khó khăn trong việc làm thủ tục giao đất vì quy hoạch phân khu và quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp quy hoạch đất giáo dục (quy hoạch đường giao thông và quy hoạch đất ở nằm trong ranh dự án) như: xây dựng Trường tiểu học Tân Hiệp, Trường tiểu học Trảng Dài 4.

Xây dựng, mở rộng trường lớp tại Biên Hòa khó đúng tiến độ vì vướng mặt bằng

Để có đất xây trường, thành phố cần phải giải phóng mặt bằng và tìm quỹ đất tái định cư cho người dân. Đây là “bài toán khó”, nhất là khi Biên Hòa cùng lúc có đến 8 dự án trọng điểm, đang cần đến 2 ngàn lô đất thực hiện tái định cư cho người dân. Do vậy, hầu như các trường học đều xây dựng trên đất hiện hữu của các trường. Ở 3 “siêu phường”, Ban Quản lý dự án đang thi công Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài); Trường Tiểu học Tân Phong (phường Tân Phong); xây dựng, cải tạo Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình).

Thành phố Biên Hòa thiếu quỹ đất sạch để xây dựng trường lớp. Trong ảnh: Trường
tiểu học Tân Phong 2 (phường Tân Phong) đã xây xong nhưng vẫn chưa hoàn thành
một số hạng mục. Ảnh: Bích Nhàn
Thành phố Biên Hòa thiếu quỹ đất sạch để xây dựng trường lớp. Trong ảnh: Trường tiểu học Tân Phong 2 (phường Tân Phong) đã xây xong nhưng vẫn chưa hoàn thành một số hạng mục. Ảnh: Bích Nhàn

Riêng công trình xây dựng Trường THCS Trảng Dài, Ban Quản lý dự án đã dỡ bỏ khu nhà cũ để xây dựng 16 phòng học mới nhằm giảm tải cho nhà trường. Dự kiến, công trình khởi công vào dịp 30-4-2024, do đó thành phố đã tiến hành thanh lý tài sản và giải phóng mặt bằng, sẵn sàng cho công tác khởi công xây dựng theo kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm thi công do thay đổi về thiết kế kỹ thuật đảm bảo phòng cháy, chữa cháy với những tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều so với quy định cũ nên phải điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Theo ông Trọng, dự án này đang trong giai đoạn chấm thầu. Sau khi lựa chọn được nhà thầu, Ban Quản lý dự án sẽ đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian xây dựng. Dự kiến, học kỳ 2 năm 2024-2025 sẽ đưa vào hoạt động dãy phòng học mới này.

“Năm nào áp lực về trường lớp của thành phố Biên Hòa luôn cao khi số học sinh từ mầm non đến THCS tăng 5-7 ngàn em. Trong khi xây dựng 1 trường cần 1,3 hécta để xây được 30 phòng với hơn 1 ngàn em học sinh. Như vậy, thành phố cần đầu tư 5-7 trường/năm” - ông Trọng tính toán.

 

Thực tế, thành phố Biên Hòa không còn quỹ đất đáp ứng được nhu cầu xây dựng trường lớp kịp so với số học sinh tăng hàng năm. Do đó, thành phố phải đưa ra giải pháp là tập trung xây dựng trên khu đất mà trường hiện có, xây thêm số tầng và tăng số phòng học để tránh học ca ba và giảm sĩ số học sinh/lớp học. Các dự án xây trường này sẽ tập trung ở các “siêu phường” như: Trảng Dài, Long Bình…

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Biên Hòa về đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường lớp trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tính đến ngày 15-8, Ban Quản lý dự án đang thi công 13 dự án; hoàn thành thi công, đang trong quá trình nghiệm thu 1 dự án; đang triển khai thực hiện 19 dự án.

Thêm 12 ngôi trường xây mới ở Biên Hòa sẵn sàng cho năm học mới

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh, nhiều năm nay, địa phương này luôn trong tình cảnh thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên nhưng học sinh thì năm sau tăng hơn năm trước. Nhưng chỉ cần có quỹ đất, Thành ủy, UBND thành phố sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây trường, đặc biệt là ở các phường có nguy cơ “tái ca ba” cao như Long Bình, Trảng Dài… “Chúng tôi đang giao các đơn vị căn cứ theo số dân của mỗi phường để tính toán xây dựng trường lớp làm sao đảm bảo số trường cho học sinh học. Song song với việc tiếp tục xây dựng trường lớp từ nguồn ngân sách nhà nước, thành phố cũng kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa giáo dục, nhất là ở các phường đông dân” - ông Thanh nhấn mạnh.
 

Lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa kiểm tra khu đất xây dựng trường dự án
Trường tiểu học Long Bình 1, phường Long Bình nhằm giảm tải cho Trường tiểu
học Phan Đình Phùng, phường Long Bình. Ảnh: Khánh Lộc).
Ảnh nhỏ: Khu đất xây dựng trường Long Bình 1
Lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa kiểm tra khu đất xây dựng trường dự án Trường tiểu học Long Bình 1, phường Long Bình nhằm giảm tải cho Trường tiểu học Phan Đình Phùng, phường Long Bình. Ảnh: Khánh Lộc). Ảnh nhỏ: Khu đất xây dựng trường Long Bình 1

Riêng tại dự án Trường tiểu học Long Bình 1 (phường Long Bình) nhằm giảm tải cho Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình), để thực hiện dự án này, Nhà nước phải thu hồi hơn 1,3 hécta đất với tổng số hộ bị giải tỏa là 44 hộ, trong đó có 25 hộ giải tỏa trắng. Khó khăn nhất thời gian qua là việc xác nhận nguồn gốc đất để thực hiện thủ tục đền bù, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Mặt khác, khung giá thu hồi đất ban hành từ năm 2018 áp dụng cho thời điểm hiện nay là không còn phù hợp.
 

 

Dù vậy, trong các cuộc kiểm tra một số dự án xây dựng trường học trên địa bàn thành phố vào tháng 7-2024, Bí thư Thành ủy Hồ Văn Nam yêu cầu UBND thành phố tổ chức họp với các ngành và phường Long Bình để tháo gỡ khó khăn và không thể chậm trễ hơn trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án này.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa đề nghị các ngành và địa phương lấy mốc thời gian từ ngày 1-8 để thực hiện các bước từ xác nhận nguồn gốc đất, niêm yết hồ sơ, phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền đền bù, vận động bàn giao mặt bằng, thậm chí là cưỡng chế và đấu thầu dự án. Theo đó, phải khởi công xây dựng dự án Trường tiểu học Long Bình 1 vào tháng 2-2025, đồng thời hoàn thành và đưa vào sử dụng vào học kỳ 2 năm học 2025-2026.

 

Theo quyết định 586/QĐ-TTg ngày 3-7-2024 về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở ngoài công lập; khuyến khích thành lập các cơ sở ngoài công lập có cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt ở khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng quá tải ở các cơ sở giáo dục.

 

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh vào sáng 27-8, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Đồng Nai cho hay, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ phát triển xã hội hóa nói chung và xã hội hóa giáo dục nói riêng. Từ đó, Sở Giáo dục và đào tạo đã chủ động tham mưu, đề xuất trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư phát triển trường, lớp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở cấp học mầm non ngoài công lập.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 190 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động ổn định, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân. Cơ sở vật chất, đội ngũ của các trường ngoài công lập đã được đầu tư bài bản đúng quy định.

Khi trường tư cạnh tranh với trường công

Bà Trương Thị Kim Huệ, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai cho hay: “Ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục ưu tiện chính sách địa phương cho giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tăng cường công tác mời gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục ở những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 190 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài
công lập. Trong ảnh: Học sinh tại Trường TH-THCS -THPT Tân Hòa, thành phố
Biên Hòa. Ảnh: Bích Nhàn)
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 190 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập. Trong ảnh: Học sinh tại Trường TH-THCS -THPT Tân Hòa, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Bích Nhàn)

Ngoài ra, ngành giáo dục tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và có phương án phân luồng tuyển sinh phù hợp; phát triển trường, lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Thêm vào đó, tiếp tục thực hiện rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông.
 

 

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 16, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, 33% học sinh lớp 9 không đậu lớp 10 trường công là tỷ lệ cao, trong khi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ hơn 10%. Hơn nữa, sĩ số học sinh ở các trường công còn quá cao, nếu làm đúng sĩ số chuẩn mà Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Thực tế, khi học sơ cấp, trung cấp nghề, các em rất khó xin việc ở các doanh nghiệp. Do đó, chúng ta không mở các trường đào tạo sơ cấp nghề mà mở những trường trung cấp có liên thông lên cao đẳng để sau khi học hệ trung cấp nghề hệ 9+, các em liên thông lên cao đẳng, mở ra cơ hội việc làm tốt hơn.

Kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 vào ngày 4-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng nêu rõ, cần xây dựng thêm các trường học và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và kéo giảm sĩ số/lớp học.

 
 

 

Từ khóa:

quỹ đất

giải phóng mặt bằng

xây dựng trường lớp

xây mới

dân số

Xem thêm bình luận