Megastory: Khi 'siêu phường' thiếu trường (Kỳ 2):
Kỳ 2: 3 "siêu phường" không trường cấp 3
.

Megastory: Khi 'siêu phường' thiếu trường (Kỳ 2):
Kỳ 2: 3 "siêu phường" không trường cấp 3

Bích Nhàn - Vi Lâm - Hải Hà
18:22, 04/09/2024
 

Hàng năm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (THPT) vào trường công lập rất căng thẳng vì số lượng học sinh tăng, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh không tăng. Do đó, nhiều thầy cô lẫn phụ huynh, học sinh cho rằng, thi lớp 10 còn áp lực hơn thi đại học.

Cuộc đua này càng trở nên khốc liệt khi 3 “siêu phường” Trảng Dài, Long Bình và Tân Phong không có bất cứ ngôi trường THPT nào, kể cả trường công lập lẫn tư thục.

 

Khi nhận kết quả trúng tuyển lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong (thành phố Biên Hòa), em Nguyễn Gia Bảo (ngụ phường Trảng Dài) nhảy cẫng lên như… “trúng số giải đặc biệt”. Suốt 4 năm học THCS, Gia Bảo đều là học sinh khá giỏi. Nhưng trước kỳ thi lớp 10, em gần như không có thời gian ngủ hay giải trí. Ngoài lịch học trên lớp và học thêm, Bảo gần như chỉ học và học. Chỉ những lúc quá stress, em mới tập thể dục để tinh thần tốt hơn rồi lại ngồi vào bàn học. “Khi ấy, đậu vào lớp 10 trường công là mục tiêu lớn nhất của cả em và bố mẹ. Do vậy, em học suốt từ 7h sáng đến 21h đêm. Em chỉ dám ngủ vài tiếng rồi lại học vì kiến thức cần học là quá nhiều” - Gia Bảo nhớ lại.

Suốt 4 năm học liền, em L.G.B. (15 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đều là học sinh tiên tiến. Do phường không có trường THPT nên năm vừa rồi B. đăng ký nguyện vọng thi vào Trường THPT Tam Hiệp (phường Tam Hiệp), ngôi trường gần nhà nhất. Nhưng “học tài thi phận”, em đã rớt lớp 10 trường công. “Ngay từ những ngày đầu lớp 9, em đã học rất nhiều, khá vất vả và áp lực. Em thực sự đã rất cố gắng và nỗ lực suốt nhiều tháng liền. Do vậy, khi thi rớt, em rất sốc và thấy tiếc nuối vì sự nỗ lực không đạt kết quả như mong muốn” - B. buồn bã nói.

Tìm mãi, cuối cùng gia đình đã xin cho B. vào học tại một trường tư trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Như vậy, cả học phí, tiền ăn trưa bán trú tại trường, chi phí dành cho B. sẽ rơi vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Hai vợ chồng làm tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, nuôi 2 con ăn học là rất khó khăn. Không phải gia đình công nhân nào cũng có điều kiện cho con học trường tư với chi phí cao như vậy. Cứ tình trạng này, nhiều cháu thất học mất” - anh L.V.N., ba của em B. chia sẻ.

Kỳ thi lớp 10 hàng năm tại thành phố triệu dân Biên Hòa luôn căng thẳng. Ảnh: Bích Nhàn)
Kỳ thi lớp 10 hàng năm tại thành phố triệu dân Biên Hòa luôn căng thẳng. (Ảnh: Bích Nhàn)

Nhận kết quả thi rớt vào lớp 10 trường công, gia đình anh Trần Hoài Long (ngụ phường Tân Phong) đã tính đến phương án cho con học trường tư. Nhưng với lực học trung bình và nộp hồ sơ muộn hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa, con gái anh Long rớt luôn cả trường tư. Và nhất định phải tìm được chỗ cho con đi học, anh Long tìm đến các trường nghề để vừa học văn hóa, vừa học nghề trong 3 năm học.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 16, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh cho hay những năm gần đây, trường trung cấp nghề “kín chỗ” do sự phân luồng của ngành giáo dục. Khi các em không đậu lớp 10 sẽ phải chọn học nghề (vừa học nghề, vừa học văn hóa). Do đó, nếu mở thêm 1 trường THPT sẽ giảm trường trung cấp nghề.

 

Để con có cơ hội “ghi danh” vào trường THPT công lập, nhiều bậc phụ huynh đã lo tìm chỗ học thêm cho con từ khi mới lớp 7. Chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Năm nay con tôi mới vào lớp 7 nhưng tôi đã hỏi các phụ huynh có con từng thi vào lớp 10 danh sách các thầy cô dạy tốt để cho con theo ôn luyện. Trước mắt, tôi đầu tư cho con học các môn chính như: Toán, Văn và tiếng Anh”.

Ngay cả các thầy cô dạy THCS cũng bị áp lực bởi cuộc thi vào lớp 10 trường công. Cô Phạm Thị Hải Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài cho hay, do “đầu vào” thấp hơn các trường nên thầy cô phải “oằn mình” dạy và quản lý học sinh. Riêng học sinh lớp 9, cứ đến tháng 10 hàng năm, nhà trường đã bắt đầu truy bài (trả lời, làm bài tại sân trường hoặc ôn tập cho học sinh các môn: Toán, Văn, Tiếng Anh…. Đến đầu tháng 1 hàng năm, trường tăng tốc ôn tập cho các em để chuẩn bị thi.

 

Theo Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài Dương Kim Trúc, “siêu phường” Trảng Dài có đến 140 ngàn dân nhưng không có bất cứ ngôi trường THPT nào đóng chân trên địa bàn phường, kể cả trường tư thục.

“Đây có lẽ là vấn đề “nóng” mà các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh. Khi phường còn thiếu trường tiểu học, THCS và không có trường THPT, các em phải đi học ở phường khác. Tất nhiên là xa nhà hơn, các em còn nhỏ phải tự đi xe sẽ nguy hiểm hơn hoặc phụ huynh phải tự đưa đón, phải thêm tiền thuê xe đưa đón, tăng chi phí sinh hoạt…” - bà Trúc chia sẻ.

 Siêu phường Trảng Dài với 140 ngàn dân nhưng không có trường THPT. Ảnh: Bích Nhàn)
Siêu phường Trảng Dài với 140 ngàn dân nhưng không có trường THPT. (Ảnh: Bích Nhàn)

Còn tại “siêu phường” Long Bình, phường có trên 130 ngàn ngàn dân nhưng chỉ có 2 trường THCS Hoàng Văn Thụ và THCS Long Bình và 3 trường tiểu học Phan Đình Phùng, Nguyễn Chí Thanh và Phan Bội Châu. Phường không có bất cứ trường THPT nào đóng chân trên địa bàn.

Số học sinh năm nào cũng tăng, kể cả sau đại dịch Covid-19 vẫn không giảm. Tổng số học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn Long Bình là hơn 16 ngàn học sinh. Riêng năm học 2024-2025, số học sinh vào lớp 1 là 2,4 ngàn em và lớp 9 là 1,6 ngàn em.

Như vậy, sắp tới sẽ có 1,6 ngàn em tham gia vào cuộc canh tranh khốc liệt thi vào lớp 10 trường công. “Năm nào tiếp xúc cử tri, người dân cũng rất quan tâm, mong muốn xây dựng thêm trường tiểu học, THCS và 1 trường THPT. Dù vậy, việc xây dựng thêm trường THPT là “ngoài tầm tay” của thành phố. Nếu tính theo chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo, phường Long Bình phải xây thêm 3 trường tiểu học, ít nhất 1 trường THCS mới đáp ứng được” - Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Trần Văn Thắng nêu ý kiến.

Tương tự, “siêu phường” Long Bình với 130 ngàn dân cũng đang thiếu trường THPT. Ảnh: Bích Nhàn
Tương tự, “siêu phường” Long Bình với 130 ngàn dân cũng đang thiếu trường THPT. (Ảnh: Bích Nhàn)

Phường Tân Phong có khoảng 58 ngàn dân. Hàng năm, phường có 1,2-1,4 ngàn học sinh lớp 1 và có từ 1,3-1,5 ngàn em học sinh vào lớp 6. Hiện tại số trường tiểu học cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nhưng chỉ có 1 trường THCS nên 400-500 em phải đi học ở các phường khác. “Khi siêu phường không có trường THPT công thì thiệt thòi nhất vẫn là các em học sinh, còn phụ huynh cũng áp lực trong việc tìm trường cho con học. Hiện tại, phường không có trường THPT công lập nào nhưng cũng không thấy quy hoạch xây trường cấp 3 dù còn quỹ đất. Như vậy, các em không thi đậu lớp 10 trường công phải học trường tư, còn nhiều gia đình không có điều kiện học tư phải học nghề” - ông Trần Việt Quân, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong phân tích.

 

Cô Trần Thị Bích Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THCS Long Bình cho rằng, thực trạng hiện nay, trường công ít, học sinh lại đông khiến cho cả giáo viên cũng trăn trở. Cô Ngọc mong muốn: “Chúng tôi chỉ mong rằng trên địa bàn phường có thêm 1 trường THCS và THPT trong tương lai gần. Nhất là nếu có thêm trường cấp 3 thì con em công nhân phường sẽ mừng hơn và phụ huynh bớt áp lực hơn nhiều”.

 Thiếu trường, các em học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, phường Long Bình không đủ chỗ đứng sinh hoạt chào cờ, khai giảng hay xem văn nghệ. Ảnh: Bích Nhàn)
Thiếu trường, các em học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, phường Long Bình không đủ chỗ đứng sinh hoạt chào cờ, khai giảng hay xem văn nghệ. (Ảnh: Bích Nhàn)

Là “siêu phường” với dân số lớn nhất cả nước, lãnh đạo phường Trảng Dài xác nhận vẫn chưa thấy quy hoạch xây dựng trường cấp 3 công lập trên bất cứ diện tích đất nào của phường. Phường Trảng Dài chỉ mới nhận được đề án thành lập Trường THPT Trần Hưng Đạo của Công ty CP Y tế - giáo dục An Tiên đề xuất theo hình thức là trường tư thục. Theo đó, trường có quy mô 1-1,2 ngàn học sinh và bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2025-2026. Trường sẽ sử dụng phần đất và các tài sản gắn liền trên đất thuê của Trường đại học Công nghệ Đồng Nai.

Phường Trảng Dài có 2 trường THCS là Trảng Dài và Trường Sa. Trong năm học 2023-2024, phường có hơn 1,8 ngàn học sinh lớp 9, năm học 2024-2025 có gần 1,5 ngàn học sinh lớp 9. Lý giải nguyên nhân mong muốn xây dựng trường THPT tư thục tại đây, nhà đầu tư dự án cho rằng, số học sinh có nhu cầu học THPT của phường là rất lớn nhưng phường chưa có trường THPT nào nên các em phải đi học ở các trường lân cận như: THPT Lê Hồng Phong, TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân… khá xa và bất tiện, gây nhiều xáo trộn, vất vả cho cả học sinh lẫn phụ huynh.

 
 

 

Từ khóa:

siêu phường

không trường cấp 3

Xem thêm bình luận