Megastory: Khi 'siêu phường' thiếu trường (Kỳ 1)
.

Megastory: Khi 'siêu phường' thiếu trường (Kỳ 1)

Bích Nhàn
19:23, 03/09/2024
 

Tại Hà Nội, phường Hoàng Liệt thuộc quận Hoàng Mai là phường đông dân nhất với trên dưới 100 ngàn người sinh sống. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Hưng Hòa A thuộc quận Bình Tân là phường có số dân lớn nhất với khoảng 123 ngàn người, đông hơn 28 thành phố khác trong cả nước.

Tuy nhiên, cả Hoàng Liệt lẫn Bình Hưng Hòa A còn phải xếp sau 2 “siêu phường” của thành phố Biên Hòa về dân số. Đó là “siêu phường” Trảng Dài với hơn 140 ngàn dân và “siêu phường” Long Bình với 131 ngàn dân. Ngoài ra, Tân Phong cũng được xem là “siêu phường” với gần 60 ngàn dân sinh sống. Nguyên nhân do nhiều năm qua, Đồng Nai đã tiếp nhận một lượng lớn dân nhập cư từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước về sinh sống và lập nghiệp. Mức tăng dân số cơ học, kéo theo đó là nhu cầu lớp 1 và lớp 6 và lớp 10 hàng năm đều tăng rất mạnh.

Và nghịch lý chung của 3 phường này là chưa phường nào có trường cấp 3, cả công lập lẫn tư thục. Bên cạnh đó, số học sinh tăng vùn vụt khiến các trường mầm non, cấp 1 lẫn cấp 2 đều “cháy hàng”.

 

Mỗi dịp bước vào năm học mới, phụ huynh tại nhiều phường, xã trên địa bàn lại lo lắng về tình trạng trường lớp quá tải, nhất là ở những phường đông dân cư như Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình… Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm học, thành phố Biên Hòa tăng từ 5 đến 7 ngàn học sinh. Ở những “siêu phường” này là những “siêu lớp” với số lượng học sinh/lớp cao hơn mức chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định.

 

Số học sinh của thành phố Biên Hòa đang chiếm gần 40% tổng số học sinh của toàn tỉnh Đồng Nai. Nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) luôn trong tình trạng vượt cao về sĩ số so với quy định, khoảng 45-50 em/lớp; trong đó có cả các “siêu trường” với khoảng 4 ngàn học sinh.

Không còn phải học ca ba, nhưng các “siêu phường” trên đều luôn nằm trong tình trạng quá tải học sinh ở bậc tiểu học và THCS nên phải thường xuyên mượn cơ sở khác để “xóa ca ba”. Trong khi đó, các dự án xây trường mới, xây thêm phòng học đều chậm vì vướng thủ tục.

Các em học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng, phường Long Bình tranh thủ ăn sáng trước giờ lên xe đi học nhờ tại Trường tiểu học Bình Đa mỗi sáng. Ảnh: Khánh Lộc

Tại phường Long Bình, dự án Trường tiểu học Long Bình 1 có chủ trương đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng mặt bằng. Để thực hiện dự án, Nhà nước phải thu hồi hơn 1,3 hécta đất của 44 hộ. Tuy vậy, việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó, khung giá đất không còn phù hợp khiến dự án chậm trễ. Điều này khiến gần 1,5 ngàn học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng phải sang Trường tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa) để học nhờ.

Năm học 2024-2025, Trường tiểu học Phan Đình Phùng có gần 3,9 ngàn học sinh và được chia thành 95 lớp. Như vậy, trung bình có 41 em/lớp, vượt 6 em so với quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Nhưng điều đáng nói là, từ năm học 2016-2017, để không phải học ca ba, nhà trường đã phải đi mượn phòng học cho các em học nhờ. Riêng năm học 2024-2025, trường vẫn có đến 1,4 ngàn học sinh khối lớp 4 và lớp 5 phải đi học nhờ tại Trường tiểu học Bình Đa, cách khoảng 2km. Nhà trường phải huy động đến 35 xe đưa rước.

Đều đặn mỗi ngày, hơn 6 giờ sáng, tất cả các em học sinh 2 khối lớp trên phải có mặt ở trường để chuẩn bị lên xe đưa rước. Đến trường quá sớm, nhiều em chưa kịp ăn sáng ở nhà, phải ngồi vỉa hè, trước nhà dân hoặc tranh thủ ăn ngay trên xe. So với các khối lớp dưới, các em đã đến trường sớm hơn khoảng nửa tiếng. Bởi, trường xa nhà hơn đồng nghĩa với việc cả học sinh lẫn phụ huynh phải dậy sớm hơn để kịp giờ lên xe.

 

Tương tự, năm học mới này, Trường THCS Trảng Dài tại phường Trảng Dài vẫn giữ “phong độ” về số học sinh với hơn 3,7 ngàn em, trung bình hơn 51 em/lớp (quy định là 45 em/lớp). Để có đủ phòng học, nhà trường phải mượn 5 phòng học để dạy 10 lớp tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài) và 11 phòng học cho 22 lớp học tại Trường tiểu học Tân Phong 2 (phường Tân Phong).

Cô Phạm Thị Hải Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài cho hay, chỉ tính 5 năm gần đây, số học sinh luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm học 2020-2021 là 48 lớp, năm 2021-2022 có 53 lớp, năm 2022-2023 là 58 lớp, năm 2023-2024 là 63 lớp, năm 2024-2025 có đến... 72 lớp. “Chỉ trong vòng 5 năm, số học sinh đầu cấp vào trường tăng gần gấp đôi, trong khi số phòng học lại không tăng. Do đó, không còn cách nào khác, chúng tôi phải mượn 16 phòng học mới đủ lớp cho học sinh” - cô Hải Anh chia sẻ.

 

Chị Lê Thu Hoài (ngụ phường Long Bình) - phụ huynh học sinh cho hay, mỗi tháng cả hai vợ chồng đều làm công nhân với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Trong khi, vợ chồng nuôi 2 con nhỏ, một bé học lớp 2, một bé học lớp 5 tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng. “Mỗi tháng tôi phải đóng thêm 200 ngàn đồng tiền xe đưa rước vì bé lớn đi xe đưa rước để học nhờ, từ đó chi phí cũng đội lên. Với những gia đình khá giả, khoản tiền này không nhiều nhưng gia đình khó khăn thì “tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”. Hơn nữa, lứa tuổi các con còn nhỏ nhưng hiếu động, đùa nghịch nên chuyện lên xuống xe cũng khiến cha mẹ không an tâm lắm. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa vất vả hơn nhiều và cũng lo lắng hơn” - chị Hoài chia sẻ. 

Hơn 1 ngàn học sinh lớp 4, lớp 5 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, phường Long Bình phải đi học nhờ suốt nhiều năm nay. Ảnh: Khánh Lộc
Hơn 1 ngàn học sinh lớp 4, lớp 5 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, phường Long Bình phải đi học nhờ suốt nhiều năm nay. Ảnh: Khánh Lộc

Theo lãnh đạo nhà trường, sự vất vả khi quản lý số lượng học sinh đông hay áp lực về chuyên môn, các thầy cô nhà trường đều cố gắng vượt qua. Nhưng để học sinh đi học nhờ quá đông suốt nhiều năm liền là nỗi niềm của cả thầy cô và các bậc phụ huynh nơi đây. “Đây là nỗi trăn trở của chúng tôi suốt nhiều năm qua, nhất là khi phụ huynh học sinh đa số đều là công nhân. Ngoài đóng các khoản học phí, họ phải chi trả thêm một khoản để thuê xe đưa đón con đi sang học nhờ ở trường khác” - cô Phạm Thị Dịu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng tâm tư.

Với áp lực sĩ số học sinh trên một lớp cao, các thầy cô gặp nhiều khó khăn trong việc dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để tất cả các em học sinh có thể nắm được bài, nhiều giáo viên phải dạy thêm ngoài giờ trên lớp, bổ trợ cho học sinh bằng hình thức online hoặc cô trò tìm phòng trống để tự học do lực học các em không đồng đều.

 

Tương tự, phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa), dân số của phường gần 60 ngàn người. Trung bình hàng năm có từ 1,2-1,4 ngàn học sinh vào lớp 1 và từ 1,3-1,5 ngàn em vào lớp 6. Ông Trần Việt Quân, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong cho biết, hệ tiểu học phường có 3 trường, khá đầy đủ, nhưng hệ THCS toàn phường chỉ có 1 Trường THCS Tân Phong với chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm gần 800 em. “Như vậy, có khoảng 400-500 em phải đi “học ké” ở các phường khác. Đây là áp lực đối với phụ huynh học sinh” - ông Quân chia sẻ.

Chính vì vậy, ở những “siêu phường”, luôn có những “siêu lớp” nên khó có trường đạt chuẩn quốc gia. Trong 3 phường: Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình, chỉ có duy nhất Trường THCS Long Bình (phường Long Bình) là đạt chuẩn quốc gia. Theo quy định, khi trường chuẩn quốc gia, trung bình chỉ 35 em/ lớp (hệ tiểu học) và 45 em/ lớp (hệ THCS) nhưng ở những “siêu phường” thì số học sinh đầu cấp rất đông. Điều này cũng tạo áp lực cho cả học sinh, phụ huynh lẫn thầy cô trong việc tuyển sinh đầu cấp.

 

Do là trường chuẩn nên số học sinh mỗi lớp phải đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Từ đó, nhà trường chỉ tuyển số lượng hạn chế so với số học sinh chuyển cấp của phường. Năm học 2024-2025, Trường THCS Long Bình chỉ được giao tuyển khoảng 430 em nhưng có đến 621 hồ sơ nộp vào khối lớp 6 của trường. Do đó, các em đã có sự cạnh tranh về điểm số ngay từ những năm học tiểu học. Thậm chí, để tuyển đúng con số được giao thì các thầy cô phải họp đến 2 lần và đưa ra nhiều phương án để lọc bớt hồ sơ. “Chúng tôi phải xét đến 5 tiêu chí và cả điểm năm lớp 3 mới loại bớt thí sinh để tuyển đúng số lượng học sinh theo chuẩn. Mỗi năm đến thời điểm tuyển sinh, chúng tôi cũng rất áp lực” - cô Trần Thị Bích Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THCS Long Bình bày tỏ.

Hầu như năm nào, cuộc tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS Long Bình, phường Long Bình cũng áp lực vì học sinh đông. Ảnh: Bích Nhàn

Đặc biệt, với những gia đình làm công nhân lao động thu nhập thấp thì con học trường công vẫn là mục tiêu hàng đầu vì học phí rẻ hơn nhiều so với trường tư. Tuy nhiên, ở phường có đông dân như Long Bình thì để có được “suất” vào trường điểm thì cả phụ huynh lẫn học sinh đều phải cố gắng nhiều năm liền. Trong đó, ngay từ bậc tiểu học, các em phải đạt được lực học gần như là giỏi suốt 5 năm liền. “Trường cấp 1, cấp 2 đều gần nhà nhưng khi con lên lớp 6 là cả gia đình đều mệt mỏi, áp lực. Bởi học sinh nộp vào trường đông nên tỷ lệ chọi cao hơn và khó khăn hơn. Các cháu phải có lực học tốt, suốt 5 năm ở bậc tiểu học phải là học sinh giỏi đạt tổng điểm là 170 mới chắc chắn cầm được “tấm vé” vào trường công đạt chuẩn quốc gia ngay gần nhà” - chị Trần Thị Thu Hằng (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.

 
 

 

Từ khóa:

Bình Hưng

Trảng Dài

Tân Phong

Long Bình

trường lớp quá tải

Bộ Giáo dục và đào tạo

siêu phường

siêu lớp

Xem thêm bình luận