Những "cánh chim" không mỏi
.

Những "cánh chim" không mỏi

08:33, 27/02/2024
 

BS Ngô Đức Đễ và BS Phạm Quang Huy là những thầy thuốc ưu tú của Đồng Nai.

Thời trẻ, họ là những người năng động, tiên phong trong lĩnh vực ngoại, nội khoa. Về già, họ trở thành những người uy tín trong lòng của người dân, người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ noi theo.

 

Gia đình gốc Huế, có đến gần 10 người công tác trong ngành Y, có lẽ đây cũng là cơ duyên mà BS Ngô Đức Đễ đến với ngành Y.

Cả cuộc đời hành nghề, BS Đễ gắn bó chặt chẽ với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai. Năm 2015, ông chính thức nghỉ hưu nhưng người thầy thuốc ưu tú của ngành Y Đồng Nai vẫn tiếp tục cống hiến và dẫn dắt các thế hệ đàn em trên cương vị Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đồng Nai 2.

Bác sĩ Ngô Đức Đễ tái khám cho 1 bệnh nhân sau ca mổ tại BVĐK Đồng Nai cũ. Ảnh: Bích Nhàn

Năm 1979, BS Đễ chính thức vào làm việc tại BVĐK Đồng Nai. Là một bác sĩ ngoại - sản, hơn 40 năm trong nghề, ông luôn ân cần, tận tâm với bệnh nhân. BS Đễ là người đã tạo ra nhiều tiếng vang cho ngành Y Đồng Nai qua nhiều ca mổ “thập tử nhất sinh”.

Quay ngược thời gian về năm 2007, BS Đễ đã kịp thời phẫu thuật cứu sống bệnh nhân Lê Thúy Liên (quê tỉnh Vĩnh Phúc, vào Bình Dương thăm con) bị vỡ tim do tường sập đè. BS Đễ còn nhớ như in ngày mổ cho bà Liên.

“Khi khám bên ngoài, bà Liên không hề có bất cứ vết thương nào nhưng lúc mổ, vết thương tim lớn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Máu chảy xối xả và tôi phải vội vàng “chộp” quả tim để vừa bóp, vừa khâu. Dù vậy, khâu đến đâu vết thương lại vỡ ra ngay vì bệnh nhân lớn tuổi nên các cơ tim đã nhão. Sau đó, tôi phải dùng loại chỉ đặc biệt để khâu và đã cầm được máu cho bà Liên” - BS Đễ nhớ lại.

Trong cuộc đời hành nghề của mình, ông không thể nào quên ca mổ cấp cứu cho bệnh nhân Trần Tất Doanh (công nhân Công ty Vina Café) bị trượt chân vào máy trộn cà phê vào cuối tháng 8-2013.

“Cảnh tượng đưa bệnh nhân vào bệnh viện rất là hãi hùng. Bệnh nhân nằm trên cáng, chân trái đã mất hẳn, máu thì tràn trên băng ca, ruột thì sổ ra ngoài. Gần như toàn bộ y, bác sĩ bệnh viện phải dồn lực để cấp cứu cho trường hợp này” - BS Đễ chia sẻ.

 

Khi mổ, các bác sĩ còn phát hiện, các bộ phận như hậu môn, dương vật, tinh hoàn, xương chậu bên trái đều không còn. Còn các bộ phận khác gồm xương chậu bên phải và đầu trên của xương đùi, đầu trên của xương đốt sống cũng gãy.

BS Đễ tâm sự: “Dù gặp nhiều ca mổ rất nặng, nhưng khi ấy, tôi thực sự bị choáng ngợp trước tình cảnh của bệnh nhân. Lúc đó, tôi thấy não, tim, phổi của bệnh nhân Doanh vẫn còn đập nên dù cơ hội sống là rất mong manh, nhưng "còn nước còn tát". Tôi bình tĩnh lại và cùng ê-kíp xử lý từng bước, từng phần. Ngay trên bàn mổ, bệnh nhân ngưng tim 2 lần, chúng tôi lại phải hồi sức rồi mổ tiếp”.

 

Sau ca phẫu thuật “lịch sử”, các y, bác sĩ còn phải vật lộn với thần chết để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Phải 4 tháng liền nằm viện với hàng chục lần phẫu thuật lớn, nhỏ; phải truyền đến 20 lít máu, người công nhân trẻ Trần Tất Doanh cuối cùng mới trở về trong niềm vui vô bờ bến của gia đình và người thân.

Cả 2 ca mổ của bà Liên và anh Doanh đều được đánh giá là cực kỳ khó khăn, tỷ lệ thành công rất thấp. Do vậy, từ thành công này, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định khen thưởng đột xuất BS Ngô Đức Đễ. Trong đó, ở lần khen thưởng khi cứu sống bệnh nhân Liên thì BS Đễ là người đầu tiên của ngành Y tế trong thời kỳ đổi mới được Thủ tướng khen thưởng đột xuất.

 

Nói về vinh dự này, BS Đễ chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên và vinh hạnh vì mình là người đầu tiên của ngành Y tế trong thời kỳ đổi mới được Thủ tướng khen thưởng đột xuất. Nhưng khi thấy bệnh nhân của mình khỏe lại, trở về đời sống bình thường thì thật sự hạnh phúc. Và làm sao để trả lại sức khỏe cho bệnh nhân vẫn là điều quan trọng nhất. Nhiều khi đi đường vẫn có bệnh nhân nhận ra và tới chào, hỏi thăm làm mình không khỏi bâng khuâng”.

Đặc biệt, trong một lần BS Đễ đi dự hội nghị tại Hà Nội, bà Liên và gia đình biết được thông tin đã đến tận sân bay Nội Bài chỉ để tặng hoa và chụp hình với vị “ân nhân”.

“Tôi còn nhớ, các thành viên trong đoàn rất bất ngờ và không khỏi thắc mắc vì tôi như một "ngôi sao". Tôi đã giải thích người tặng hoa chính là bệnh nhân của tôi - người làm cho tôi nổi tiếng" - BS Đễ cười hiền nói.

Ngoài 2 lần được nhận bằng khen đột xuất của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba, BS Đễ cũng nhận nhiều bằng khen của Bộ Y tế về những đóng góp của mình với ngành Y.

 

Trước năm 2002, tất cả bệnh nhân suy thận tại Đồng Nai đều phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vì không có bất cứ bệnh viện nào trong tỉnh có máy lọc thận.

Khi ấy, BS Phạm Quang Huy đang làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK Thống Nhất nhận thấy rằng, bệnh nhân nặng vào viện thường trong tình trạng suy đa cơ quan như gan, thận, phổi, tim mạch...

Ở thời điểm đó, các bác sĩ của khoa có thể điều trị các bộ phận như gan, phổi… qua cơn nguy hiểm, phục hồi ngoạn mục. Riêng suy thận thì không thể, từ đây có thể làm bệnh nhân bị bệnh nặng trở lại và phải chuyển tuyến. Đây là nỗi trăn trở của BS Huy, cùng đồng nghiệp và cả giám đốc bệnh viện khi ấy (Thầy thuốc nhân dân Từ Thanh Chương).

BS Huy tái khám cho bệnh nhân sau ca can thiệp mạch vành tại BVĐK Thống Nhất (Ảnh: Huy Anh)

Không chấp nhận “đầu hàng” trước cái khó, BS Huy đã đi học và nhận chuyển giao kỹ thuật lọc thận. Sau khi được đào tạo nhiều nơi và có máy lọc thận, BS Huy tiếp tục tìm “đồng đội” cùng chung chí hướng để triển khai kỹ thuật mới này ngay tại bệnh viện. Thời gian đầu, máy lọc thận còn thô sơ, dễ sử dụng nhưng khiến bệnh nhân dễ tụt huyết áp. Do đó, các bác sĩ Khoa Hồi sức phải túc trực bên cạnh bệnh nhân để xử lý ngay.

“Tham vọng của chúng tôi lúc đó là cứu những bệnh nhân bị suy đa cơ quan, trong đó có suy thận khi vào cấp cứu. Kết quả, các ca bị suy thận vào cấp cứu được cứu sống ngoạn mục. Thấy vậy, nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn tính đã đến bệnh viện xin được lọc thận. Và không thể “bỏ” người bệnh, chúng tôi đã mở ra nơi lọc thận chu kỳ đầu tiên của tỉnh” - BS Huy kể.

Năm 2002, BVĐK Thống Nhất đã thành lập đơn nguyên thận nhân tạo trong Khoa Hồi Sức - tích cực - chống độc. Số lượng bệnh nhân có nhu cầu ngày càng lớn, đến năm 2009, tách thận nhân tạo thành khoa riêng, Khoa Thận nhân tạo, đơn nguyên thận nhân tạo.

Cho đến nay, BVĐK Thống Nhất đã có hơn 90 máy chạy thận nhân tạo, phục vụ cho gần 500 bệnh nhân với tần suất chạy 4 ca/ngày.

 

Sau khi “lo” xong cho bệnh nhân suy thận mạn, BS Huy lại nghĩ đến chuyện chăm sóc những bệnh nhân mới bị tổn thương thận để trì hoãn quá trình chạy thận. Vì thực tế, dù chạy thận có hiệu quả nhưng bệnh nhân phải đến bệnh viện 3 lần/tuần để chạy thận là khá cực và cũng là “gánh nặng” đối với gia đình.

Do vậy, năm 2011, đơn nguyên nội thận đã được thành lập trong Khoa Thận nhân tạo; đến năm 2016, tách thành 2 khoa riêng là Khoa Thận nhân tạo và Khoa Nội thận. Trong đó, công đầu thuộc về BS Huy.

Thực tế khám, chữa bệnh, ông nhận thấy rằng, bệnh nhân bị các bệnh lý tim mạch nặng, nhất là những ca nhồi máu cơ tim liên quan đến mạch vành phải chuyển viện rất lớn. Trong đó nhiều ca đã tử vong hoặc chịu di chứng nặng nề vì không tận dụng được “thời gian vàng” do phải đưa đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM chữa trị... Và chỉ còn cách duy nhất là mang kỹ thuật can thiệp tim mạch về điều trị cho bệnh nhân mới có thể tận dụng được “thời gian vàng” cứu người bệnh.

BS Huy thực hiện 1 ca can thiệp mạch vành thời điểm Trung tâm can thiệp của BVĐK Thống Nhất mới đi vào hoạt động. Ảnh: Bích Nhàn

Và đến tháng 3-2015, Trung tâm Tim mạch can thiệp đã chính thức đi vào hoạt động với sự nỗ lực của BS Huy và đồng nghiệp. Chỉ sau 2 tháng trung tâm thành lập, BS Huy đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Ban giám đốc bệnh viện xác định Trung tâm Tim mạch can thiệp không thể thiếu BS Huy, vì thế, ông vẫn được mời lại làm việc cho đến nay với tư cách là chuyên gia.
 

 

Vừa tỉnh lại sau ca can thiệp tim mạch, gia đình và cụ ông Trần Hồng Thái (81 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) vui mừng vì ông vừa thoát khỏi “cửa tử”.

Khoảng 4 ngày trước khi nhập viện, ông Thái đã tức ngực và mệt dần. Người nhà đưa bệnh nhân vào BVĐK Thống Nhất khám và được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau khi vào phòng can thiệp, các bác sĩ chụp DSA và thấy rằng bệnh nhân bị hẹp 3 nhánh mạch vành.

Bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền là tăng huyết áp, rối loạn lipid máu nên các bác sĩ đã đặt stent can thiệp 1 nhánh chính gây nhồi máu cơ tim trước. Sau khi ổn định, các bác sĩ sẽ tiếp tục can thiệp 2 nhánh còn lại.

 

“Bố đã bỏ ăn và mệt từ nhiều ngày rồi. Lúc nghe anh trai thông báo bố phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tôi lo lắng vô cùng. Bác sĩ nói chỉ cần đến trễ 20 phút nữa là bố tôi có thể tử vong nhưng giờ thấy ông khỏe mạnh, cười nói vui vẻ, tôi thấy thật kỳ diệu” - chị Trần Thị Na, con gái ông Thái chia sẻ.

Đây chỉ là một trong hàng chục ngàn bệnh nhân tim mạch, nhồi máu cơ tim được cứu sống từ khi Trung tâm Tim mạch can thiệp BVĐK Thống Nhất đi vào hoạt động. Chỉ khác với trước, BS Huy là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này, giờ, BS Huy đã không còn là người trực tiếp thực hiện can thiệp mà là người âm thầm “đứng sau” những bác sĩ trẻ.

 

“Năm nay, tôi hơn 70 tuổi. Tay chân có thể không còn nhanh nhẹn như bác sĩ trẻ nên chỉ đứng ngoài để chỉ dẫn, góp ý cho các bác sĩ trẻ trong các ca can thiệp khó. Hơn nữa, y khoa luôn có rủi ro nhất định và mỗi lần như vậy, tôi đứng ra giải thích cho người nhà và chịu trách nhiệm sẽ giúp các em an tâm hơn. Tâm nguyện của tôi là trở thành “bệ phóng” cho các bác sĩ trẻ nhưng chỉ ở một giai đoạn nhất định để các em trưởng thành và phát triển” - BS Huy tâm sự.
 

 

Theo BS Đễ, lý thuyết về mỗi căn bệnh hay giải phẫu mà thầy cô dạy ở nhà trường là “mẫu số chung” nhưng cùng một loại bệnh ở trên mỗi người bệnh lại ra những kết quả khác nhau. Và bác sĩ muốn thành công thì luôn phải có “ước mơ” theo đuổi ngành Y và tâm hồn trong sáng, thêm nghị lực mạnh để tiến về phía trước.

Y học hiện nay đang phát triển rất nhanh và mạnh, theo đúng xu hướng của thời đại công nghệ, từ đó yêu cầu các bác sĩ trẻ cũng phải học hỏi liên tục. Hơn nữa, thực tế hiện nay, thu nhập giữa y tế công - tư vẫn đang khập khiễng, nhiều bác sĩ trẻ đã phải chọn rời bệnh viện công.

“Mỗi lúc như vậy, tôi cũng thấy chạnh lòng, băn khoăn. Có lẽ, cuộc sống “cơm áo gạo tiền” khiến họ phải chọn nơi có thu nhập tốt hơn. Nhưng bệnh viện công vẫn là “cái nôi” đào tạo tay nghề cho bác sĩ trẻ rất tốt. Ở đó, đủ các loại bệnh sẽ giúp bác sĩ trưởng thành hơn từng ngày bởi bệnh nhân chính là “người thầy” tốt nhất của bác sĩ” - BS Đễ bày tỏ.

 

Được biết đến như một "bàn tay vàng" trong phẫu thuật, nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý nhưng BS Đễ vẫn cho rằng: “Mình cũng chưa tài giỏi gì và người mặc áo blouse là để cứu người...!”.

Với ông, y đức của người bác sĩ đôi khi nó chỉ là cái nắm tay, là ánh mắt, lời thăm hỏi tận tình của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.

Còn BS Huy cho rằng, đã chọn nghề y, các y, bác sĩ nhất định phải có cái tâm mong muốn điều tốt nhất cho người bệnh. Nhưng chỉ tấm lòng vẫn chưa đủ, phải có kiến thức, kỹ năng và kỹ xảo để giúp bệnh nhân, làm sao bệnh nhân không phải quá vất vả khi đi khám chữa bệnh.

 
 

 

Xem thêm bình luận