Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt qua nghịch cảnh, vươn lên làm giàu

08:06, 02/06/2023

Ông Phạm Văn Dương (ngụ ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) không may mắn như bao người khác khi cơ thể bị khuyết tật từ nhỏ và đường đời gặp lắm chông gai, nhưng chính ý chí cùng sự nỗ lực mạnh mẽ của bản thân đã giúp ông vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu, trở thành người sống có ích cho gia đình, xã hội.

Ông Phạm Văn Dương (ngụ ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) không may mắn như bao người khác khi cơ thể bị khuyết tật từ nhỏ và đường đời gặp lắm chông gai, nhưng chính ý chí cùng sự nỗ lực mạnh mẽ của bản thân đã giúp ông vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu, trở thành người sống có ích cho gia đình, xã hội.

Ông Phạm Văn Dương đang thực hiện kỹ thuật ủ chua thức ăn bằng men vi sinh để cho heo ăn. Ảnh: T.NHÂN
Ông Phạm Văn Dương đang thực hiện kỹ thuật ủ chua thức ăn bằng men vi sinh để cho heo ăn. Ảnh: T.NHÂN

* Không đầu hàng số phận

Một ngày cuối tháng 5-2023, chúng tôi đã đến tham quan mô hình nuôi heo hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường của gia đình ông Dương. Trang trại rộng cả ngàn m2 của ông đang nuôi 40 heo nái sinh sản và hàng trăm con heo nhỏ. Ông đã áp dụng kỹ thuật dùng men vi sinh ủ chua thức ăn để cho heo ăn nên đàn gia súc luôn khỏe mạnh, chóng lớn.

Ông PHẠM VĂN DƯƠNG chia sẻ, việc nuôi heo sạch bằng thức ăn ủ chua mang lại nhiều lợi ích như: chi phí đầu tư rẻ, nguồn thức ăn dự trữ dồi dào và giàu chất dinh dưỡng, giúp cho đàn heo ăn uống khỏe mạnh, phát triển tốt, ít bị bệnh, giá trị kinh tế cao.

“Tôi nuôi heo không dùng đến thuốc kháng sinh. Đây được gọi là mô hình nuôi heo hữu cơ và sản phẩm làm ra cung cấp cho thị trường đảm bảo sạch” - ông Dương chia sẻ.

Ông Dương kể, ông là người con thứ 5 trong gia đình có 8 anh, chị, em. Năm lên 4 tuổi, ông trải qua cơn sốt nặng dẫn đến bại liệt cả tay và chân. Nhờ gia đình nỗ lực đưa đi điều trị nên sức khỏe của ông dần bình phục, chỉ còn chân phải rất yếu khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. 

Năm 1986, ông Dương cùng gia đình rời quê Hà Tây (Hà Nội ngày nay) để vào Đồng Nai sinh sống. Cuộc sống gia đình trong thời gian đầu tại nơi ở mới chưa được ổn định nên việc học tập của ông bị gián đoạn trong năm học lớp 6. Đến năm 1990, cuộc sống ngày càng khó khăn nên ông phải nghỉ học sau khi học xong lớp 9.

Ở nhà làm việc phụ giúp gia đình trong 3 năm, ông xin cha mẹ lên TP.HCM học nghề may thời trang vì đây là ngành “hot” lúc bấy giờ, vừa phù hợp với điều kiện, sức khỏe của bản thân. Ông học nghề trong 3 năm rồi ra trường tự tìm kiếm việc làm tại thành phố.

Qua tìm hiểu thấy nhiều công ty may mặc lúc bấy giờ đang có nhu cầu tuyển công nhân với số lượng lớn, ông Dương đã nắm bắt cơ hội làm ăn và dùng số tiền dành dụm để thuê mặt bằng mở cơ sở may mặc. Ông nhận đào tạo công nhân may mặc rồi giới thiệu vào làm việc tại các công ty, đồng thời sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang nước ngoài. Bên cạnh đó, ông còn mở trung tâm xúc tiến việc làm để giới thiệu việc làm với đa dạng ngành, nghề cho đối tác làm ăn. Công việc làm ăn của ông nhờ đó ngày càng phát triển.

Cuối năm 2007, ông Dương cưới vợ và tiếp tục gắn bó công việc tại TP.HCM. Cuộc sống của vợ chồng ông rất sung túc cho đến khi con gái đầu được 14 tháng tuổi thì tai họa ập đến với gia đình. Con gái của ông đang chơi đùa rồi chẳng may té ngã vào nồi canh dẫn đến bị bỏng toàn thân. Vợ chồng ông dành toàn bộ nguồn lực để lo cấp cứu, chữa trị trong suốt 2 tháng thì con gái vượt qua được cơn nguy kịch.

 “Khi đưa bé về ở tại cơ sở may quần áo thì bụi vải đã gây viêm da của bé. Vợ chồng tôi quyết định nghỉ làm ở TP.HCM để đưa cháu về sinh sống cùng với cha mẹ ruột tại Đồng Nai từ năm 2010” - ông Dương kể.

Thời gian này, cuộc sống của vợ chồng ông Dương gặp rất nhiều khó khăn do ông chưa tìm được việc làm, còn vợ nỗ lực đi làm thuê, làm mướn nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 100 ngàn đồng, trong khi phải chi trung bình mỗi tuần khoảng 10 triệu đồng để lo chữa trị, thuốc men cho con gái. Tiền dành dụm bấy lâu cứ vơi dần rồi dẫn đến trắng tay.

Trong lúc cuộc sống tưởng chừng như bế tắc thì cơ hội làm ăn đã đến với vợ chồng ông Dương. Được người bạn tốt chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông quyết định vay mượn tiền và sử dụng khu vườn rộng 2ha của cha mẹ (chỗ ở hiện nay) để đầu tư làm hệ thống điện và trang trại nuôi gà tam hoàng với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng.

Ban đầu, ông Dương chỉ nuôi có 7 ngàn con gà; khi thấy làm ăn hiệu quả nên đầu tư mở rộng trang trại để nuôi tăng đàn lên 12 ngàn con. Sau vài năm làm ăn có lời, ông tiếp tục thuê đất làm thêm 1 trang trại để nuôi tổng đàn gà lên đến 50 ngàn con. Ông đã liên kết với các công ty tiêu thụ gà thương phẩm nên đầu ra của sản phẩm ổn định.

“Khi bước vào ngành chăn nuôi, tôi gặp khó khăn đủ thứ, từ nguồn vốn cho đến kỹ thuật chăm sóc, tuy nhiên tôi đã nỗ lực khắc phục dần. Tính tôi ham học hỏi nên thường dành thời gian mày mò nghiên cứu thông tin trên sách, báo, internet. Ngoài ra, tôi còn đi gặp gỡ, trao đổi kiến thức từ những người chăn nuôi lâu năm và các bác sĩ thú ý… Nhờ vậy, tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để chăm sóc đàn gà ngày càng hiệu quả hơn” - ông Dương bộc bạch.

* Phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi sạch

Đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tạm ổn định nhưng đầu ra của sản phẩm ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, trong khi giá cả thức ăn, thuốc điều trị cho gia cầm ngày càng tăng cao. Nhận thấy làm ăn không có lời, ông Dương quyết định giảm số lượng đàn gà để đầu tư làm mô hình nuôi heo hữu cơ bằng cách tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào có sẵn tại địa phương như: gạo, bắp, đậu nành… rồi dùng men vi sinh ủ chua làm thức ăn cho đàn heo.

Ông Phạm Văn Dương nuôi heo bằng thức ăn ủ chua để tạo sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường
Ông Phạm Văn Dương nuôi heo bằng thức ăn ủ chua để tạo sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường

“Ý tưởng về chăn nuôi tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường đã được tôi ấp ủ từ lâu, tuy nhiên cần có thời gian để nghiên cứu đúc kết kinh nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công tôi mới mạnh dạn áp dụng rộng rãi vào mô hình chăn nuôi heo hữu cơ và đến nay đã mang lại hiệu quả khả quan” - ông Dương chia sẻ.

Sau hơn 1 năm áp dụng mô hình nuôi heo hữu cơ, hiện trang trại của ông Dương có 40 con heo nái sinh sản và 400 con heo nhỏ. Gia đình ông vừa bán 200 con heo với giá 120 ngàn đồng/kg, số lượng còn lại sẽ được lựa chọn những con heo đẹp để nuôi làm giống nhằm tăng đàn heo nái lên 100 con

 Ông Dương tâm sự: “Nhu cầu về sản phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng nhiều nên đầu ra của heo sạch rất ổn định. Mô hình nuôi heo hữu cơ có nhiều triển vọng trong tương lai nên tôi quyết định tăng đàn trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn”.

Nhờ chọn hướng đi đúng đắn, gia đình ông Dương ngày càng ăn nên làm ra và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, lo cho các con ăn học đàng hoàng.

“Nguyện vọng của tôi không chỉ làm lợi cho gia đình mà còn muốn chia sẻ kinh nghiệm cho người khác để cùng làm và phấn đấu vươn lên trong cuộc sống” - ông Dương tâm sự.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sông Trầu VŨ VĂN KHUYÊN nhận xét, hộ ông Phạm Văn Dương là một trong những gia đình khuyến học tiêu biểu tại địa phương. Hiện tại, ông Dương vẫn say mê học tập, tự mày mò nghiên cứu kiến thức trên sách, báo, internet rồi áp dụng vào làm kinh tế có hiệu quả. Vợ chồng ông còn rất quan tâm đến việc học tập của các con của mình.

Thành Nhân

Tin xem nhiều