Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

09:06, 15/06/2023

Mùa mưa là thời điểm thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Do vậy, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng vì thế được dự báo có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Mùa mưa là thời điểm thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Do vậy, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng vì thế được dự báo có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chỉ số côn trùng tại nhà dân trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát chỉ số côn trùng tại nhà dân trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.Dung

Để tránh mắc bệnh và phải nhập viện điều trị bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh bằng những biện pháp đơn giản, dễ làm. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát dịch bệnh này.

* Số ca mắc bệnh tăng

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 51 trường hợp nhập viện do mắc SXH, trong đó có hơn một nửa là trẻ em dưới 15 tuổi. Số ca mắc tăng hơn 13% so với tuần trước đó, tăng nhẹ ở các huyện: Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu và Trảng Bom.

Sau hơn 1 tuần chăm sóc con trai 10 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị Nguyễn Thanh Huyền (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, đây là lần thứ 2 con chị bị SXH. Trước đó 4 năm, con chị Huyền đã bị SXH nhưng tình trạng bệnh nhẹ, chỉ cần điều trị tại nhà mà không cần phải nhập viện. “Lần này cháu sốt cao liên tục 3 ngày, uống thuốc nhưng không hạ. Gia đình vội vàng đưa cháu vào bệnh viện, làm xét nghiệm máu thì được bác sĩ chẩn đoán mắc SXH, tiểu cầu xuống thấp, phải nhập viện để theo dõi và điều trị” - chị Huyền nói.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,6 ngàn ca mắc SXH, giảm 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 3 ca tử vong, giảm 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Huyền nghĩ rằng con chị đã từng mắc SXH nên sẽ không bị lần nữa. Do vậy, khi con bị sốt cao, chị có phần chủ quan, không đưa con đi bệnh viện sớm hơn.

Nói rõ hơn về điều này, BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, virus dengue gây bệnh SXH có 4 tuýp, từ 1 đến 4. Khi một người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể bị nhiễm các chủng virus dengue còn lại. Do vậy, một người có thể mắc SXH đến 4 lần trong đời với các tuýp virus khác nhau.

Những lần mắc bệnh sau sẽ thường nặng hơn những lần trước do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo. Hiện nay, Đồng Nai đã có sự xuất hiện của cả 4 tuýp virus này.

BS Phúc lưu ý, bệnh SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay thuốc đặc trị. Người bệnh khi có các triệu chứng của bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để được khám, theo dõi, nghỉ ngơi. Quá trình điều trị, bệnh nhân cần uống nhiều nước, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

* Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Với dân số đông, địa bàn rộng, có nhiều khu nhà ở công nhân, TP.Biên Hòa luôn là địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh về số ca mắc SXH Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 415 ca bệnh, tập trung ở những phường trọng điểm đông công nhân lao động.

BS Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa cho biết, tháng 5 vừa qua, tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố đã đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH.

Thông điệp của Ngày ASEAN phòng, chống SXH năm 2023 là Chủ động phát hiện và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH.

Nhân viên y tế, cộng tác viên y tế thực hiện truyền thông đến người dân các biện pháp phòng dịch như: dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ, ngủ mùng, diệt muỗi, đổ hết các vật dụng đựng nước không cần thiết để tránh lăng quăng sinh sôi, phát triển… Qua đó, nhằm nâng cao ý thức của người dân, kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, TP.Long Khánh đã triển khai 12 đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường toàn thành phố với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, người dân. Đồng thời, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 tại các phường: Xuân Lập, Suối Tre, Bảo Vinh; tổ chức các xe tuyên truyền lưu động để tuyên truyền đến rộng rãi người dân biết và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

So với năm ngoái, năm nay tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn H.Nhơn Trạch vẫn đang được kiểm soát tốt. Tại điểm nóng TT.Hiệp Phước, theo BS Nguyễn Đức Quá, Trưởng Trạm y tế, số ca mắc bệnh giảm một phần do nhiều công nhân bị mất việc làm đã về quê, điều kiện sinh hoạt tại các khu nhà trọ được cải thiện.

Mặc dù vậy, Trạm y tế TT.Hiệp Phước vẫn không chủ quan, luôn chủ động triển khai thực hiện các biện pháp để phòng bệnh. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu đến người dân. Ngoài ra, trạm y tế sẽ tham mưu UBND thị trấn tiếp tục huy động các đoàn thể, người dân trên địa bàn đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh phòng SXH vào ngày cuối tuần như năm ngoái.      

   Hạnh Dung

Tin xem nhiều