Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, việc điều trị dự phòng là một trong những giải pháp quan trọng.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, việc điều trị dự phòng là một trong những giải pháp quan trọng. Việc sử dụng thuốc kháng virus ARV để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ mắc cao (PrEP) có hiệu quả phòng ngừa lên đến trên 90%. Mô hình này đã được triển khai tại Đồng Nai từ năm 2019.
Đồng Nai đang triển khai nhiều mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn trong tiếp cận dịch vụ. Trong ảnh: Nhân viên một phòng khám đang tư vấn dịch vụ PrEP cho khách hàng. Ảnh: H.Yến |
Từ tháng 6-2022, Đồng Nai còn thí điểm mô hình Tele PrEP (cung cấp thuốc từ xa). Hình thức này có nhiều ưu điểm, nhất là tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng. Tuy vậy, việc triển khai thí điểm bước đầu vẫn gặp nhiều khó khăn.
* Phát triển nhiều phòng khám điều trị PrEP
Theo BS CKI Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), chương trình PrEP được triển khai tại Đồng Nai từ năm 2019 với 4 phòng khám (PK), gồm: PK của CDC Đồng Nai, PK Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, PK Trung tâm Y tế TP.Long Khánh. Năm 2020, Đồng Nai mở rộng thêm 4 PK tại các trạm y tế phường, xã: Hóa An, Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), TT.Long Thành, Lộc An (H.Long Thành).
Tiếp đó, được sự hỗ trợ của dự án thuộc quỹ USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ), Đồng Nai mở rộng thêm 2 PK tư nhân là PK Glink và PK Alocare (TP.Biên Hòa). Hiện nay, có thêm 2 PK đa khoa tư nhân đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, chuẩn bị đi vào hoạt động là PK Việt Hương (H.Định Quán) và PK An Khánh Sài Gòn (H.Thống Nhất).
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng PrEP làm giảm đến 97% nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, giảm 74% nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy. |
Như vậy, đến nay Đồng Nai có 12 cơ sở y tế điều trị PrEP. Việc phát triển nhiều PK, trong đó có PK tư nhân đã giúp khách hàng có điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận, tư vấn và điều trị dự phòng. Trong đó, tất cả các PK tư nhân đều cung cấp dịch vụ ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ.
“Mô hình điều trị dự phòng khi được triển khai đã giúp kéo giảm tình trạng lây nhiễm HIV. Mặc dù tình trạng nhiễm mới vẫn có xu hướng gia tăng, chủ yếu trong giới trẻ nhưng cơ bản là khách hàng đã nhận thức được biện pháp dự phòng lây nhiễm” - BS Quang cho hay.
Không chỉ phát triển nhiều PK điều trị PrEP, Đồng Nai còn có nhiều mô hình để khách hàng có thêm sự lựa chọn, thuận tiện tiếp cận PrEP. Cụ thể, ngoài hình thức tiếp cận trực tiếp tại PK, Đồng Nai còn có mô hình PrEP Mobile (triển khai tại xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất). Chương trình được thực hiện tại các dãy nhà trọ với mục tiêu cung cấp thông tin cần thiết về HIV/AIDS và cách tiếp cận phòng chống với thuốc PrEP cho cộng đồng.
PK Glink thực hiện hình thức PrEP Bus - chuyến xe lưu động mạng PrEP đến vùng xa. PrEP Bus cung cấp dịch vụ tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hoàn toàn miễn phí cho khách hàng nguy cơ cao tại các địa phương khó tiếp cận đến dịch vụ PrEP.
Từ tháng 7-2022, Đồng Nai triển khai thêm mô hình Tele PrEP (cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa). Mô hình này được thí điểm thực hiện tại 3 PK, gồm: PK của CDC Đồng Nai, PK Glink và PK Alocare. Theo đó, sau lần khám đầu tiên cần phải trực tiếp đến PK; kể từ lần tái khám tiếp theo, khách hàng có thể liên hệ từ xa với PK để nhận thuốc và được hướng dẫn các dịch vụ. Đây là hình thức mới, hướng đến sự đơn giản, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
* Nhiều khó khăn, trở ngại khi triển khai
BSCKI Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho biết, mô hình Tele PrEP có nhiều thuận lợi đối với khách hàng như: Khách hàng không phải tới trực tiếp phòng khám, giảm thời gian đi lại và chờ đợi; được sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện, đơn giản và không thêm chi phí điều trị; khách hàng không phải đi xa để lãnh thuốc mà có thể nhận thuốc ngoài giờ hành chính thông qua một đơn vị vận chuyển. Sử dụng Tele PrEP còn giúp khách hàng tránh được sự kỳ thị vì tăng tính bảo mật, riêng tư.
Đối với cơ sở điều trị PrEP, Tele PrEP giúp tăng độ bao phủ, tăng số khách hàng sử dụng PrEP, tăng sự hài lòng và tham gia của khách hàng; giúp giảm công việc hành chính, kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc…
Nhiều ưu điểm là vậy nhưng trên thực tế, khi triển khai Tele PrEP, các PK lại gặp không ít khó khăn. Từ khi thí điểm đến hết tháng 3 năm nay, chỉ có khoảng 200 khách hàng sử dụng hình thức Tele PrEP. Các nguyên nhân được đưa ra là: Bệnh nhân đã quen với việc lãnh thuốc tại PK nên không muốn thay đổi; khi sử dụng dịch vụ Tele PrEP, bệnh nhân phải làm xét nghiệm tại một PK khác nên cảm giác không yên tâm, lo lắng lộ thông tin; khách hàng Tele PrEP phải cài ứng dụng và điền thông tin trên ứng dụng nên lo lắng bị lộ thông tin…
Đối với phía PK, khi triển khai mô hình Tele PrEP, nhân viên y tế phải đóng gói thuốc, liên hệ với bộ phận giao hàng, theo dõi đơn hàng, gọi cho bệnh nhân nhận thuốc, hoàn thiện hồ sơ, nhập liệu…
Đây là những khó khăn chung không chỉ của Đồng Nai mà tại tất cả những nơi triển khai mô hình Tele PrEP. Vì vậy, đầu tháng 4, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã đi khảo sát thực tế để tìm hiểu cụ thể những khó khăn, tìm giải pháp để đề xuất hướng đi tiếp theo cho mô hình này.
BS Nguyễn Văn Chiểu, chuyên viên Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Tele PrEP là hình thức của Telemedicine (y học từ xa), sử dụng cách tiếp cận mới nên cần sự nỗ lực của cán bộ y tế và cả từ phía khách hàng.
“Trở ngại chính của việc triển khai Tele PrEP là thói quen của khách hàng. Khách hàng chưa quen với việc sử dụng công nghệ thông tin, internet để tiếp cận dịch vụ nên trước mắt sẽ có khó khăn. Tuy nhiên, tại Đồng Nai có nhiều thuận lợi khi triển khai các mô hình điều trị PrEP. Đồng Nai gần TP.HCM, người di biến động nhiều nên việc mở rộng nhiều mô hình tiếp cận PrEP là phù hợp. Đồng Nai cũng được sự hỗ trợ của các dự án nên hoàn toàn có thể triển khai tốt các mô hình” - BS Chiểu cho hay.
Hải Yến