Năm 2022, tổng chi phí đa tuyến đi bảo hiểm y tế (BHYT) ngoại tỉnh từ Đồng Nai đến các bệnh viện khác trong cả nước (chuyển tuyến BHYT) hơn 1.146 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng chi phí đa tuyến đi bảo hiểm y tế (BHYT) ngoại tỉnh từ Đồng Nai đến các bệnh viện khác trong cả nước (chuyển tuyến BHYT) hơn 1.146 tỷ đồng.
Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG |
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, đây là số tiền khá lớn và đề nghị Sở Y tế cũng như các bệnh viện trong tỉnh cần có giải pháp để hạn chế vấn đề này.
Có những trường hợp chuyển vượt tuyến
Hiện nay, có 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật về y tế gồm: tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Mỗi tuyến chuyên môn có trách nhiệm xây dựng phương án chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phù hợp với trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất cũng như nhu cầu của người dân. Mục tiêu ngành Y tế đang hướng tới là khám, chữa bệnh hướng về tuyến cơ sở, đầu tư trang thiết bị máy móc cho tuyến cơ sở.
Ngoài số tiền hơn 1.146 tỷ đồng quỹ BHYT chuyển từ Đồng Nai đến các bệnh viện tuyến trên, năm 2022, tổng mức thanh toán BHYT của toàn tỉnh là hơn 2,7 ngàn tỷ đồng. |
Do đó, theo Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, người dân thực hiện khám, chữa bệnh ở tuyến xã được thanh toán BHYT 100%. Càng lên tuyến trên, chi phí về tiền công khám bệnh, tiền giường càng cao.
“Theo thống kê của BHXH tỉnh, tổng số tiền chuyển tuyến BHYT năm 2022 của Đồng Nai đi các bệnh viện ở các tỉnh, thành khác trong cả nước, chủ yếu là TP.HCM hơn 1.146 tỷ đồng. Đáng lưu ý, ngoài bệnh nhân được chuyển từ 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, còn có những bệnh nhân được chuyển từ 4 bệnh viện tư nhân trong tỉnh (tương đương tuyến huyện) lên thẳng các bệnh viện tuyến trung ương ở TP.HCM” - ông Phạm Minh Thành cho hay.
Lý giải vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, thời gian qua, bệnh viện chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khá nhiều. Ngoài ra, những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần cũng được chuyển lên tuyến trên. Nguyên nhân là do bệnh viện chưa có chuyên khoa điều trị ung bướu, tâm thần, buộc phải chuyển bệnh nhân, không thể giữ lại.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, có những trường hợp bệnh quá nặng, bệnh viện buộc phải chuyển lên tuyến trên để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân hoặc theo nguyện vọng của người nhà bệnh nhân.
“Nhiều trường hợp sau khi được bác sĩ giải thích đã đồng ý ở lại bệnh viện để được điều trị. Nhưng có những trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, gia đình bệnh nhân nhất quyết xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên” - BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ.
Nhằm hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện đã cử nhân sự đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để sắp tới sẽ thành lập các Khoa: Ung bướu, Hồi sức tích cực ngoại nhằm giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị. Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại, bệnh viện đang hợp tác với nhiều chuyên gia đầu ngành ở TP.HCM nhằm chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật cao cho bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Khi đã có đầy đủ các chuyên khoa cần thiết, hoàn thiện bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh sẽ thu hút bệnh nhân ở lại Đồng Nai để điều trị. Điều này không chỉ giúp người bệnh và gia đình đỡ một khoản chi phí lớn về ăn ở, đi lại mà còn giúp nâng cao thương hiệu của bệnh viện.
Chấn chỉnh việc chuyển tuyến bệnh nhân
BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế Đồng Nai thực hiện 5 dự án về chuyển đổi số. Trong đó, sẽ triển khai ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa nhằm xây dựng hệ thống y tế với các nghiệp vụ hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tư vấn chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa sẽ góp phần hạn chế tình trạng chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên hoặc chuyển vượt tuyến.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất |
Mới đây, Sở Y tế cũng đã có văn bản đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện việc chuyển tuyến người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Quán triệt người hành nghề không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám, chữa bệnh không phù hợp hoặc đến các cơ sở y tế tư nhân vì mục đích vụ lợi, vi phạm quy định của Luật Khám, chữa bệnh.
Trường hợp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, đa khoa khu vực có các kỹ thuật đang tạm dừng hoặc không thực hiện được do thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, Sở Y tế đề nghị bệnh viện công khai trên trang thông tin điện tử của bệnh viện để người dân được biết và báo cáo Sở Y tế.
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho rằng, hiện nay 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc khá hiện đại. Các bệnh viện cần chú tâm hơn đến việc giữ chân các bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ở lại bệnh viện, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân, tạo được sự tin tưởng ở người bệnh. Từ đó, giúp bệnh nhân an tâm điều trị các bệnh nặng ở tuyến tỉnh mà không cần phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Qua đó, giữ lại số tiền thanh quyết toán BHYT cho tỉnh.
Hạnh Dung