Do duy trì thói quen sinh hoạt, lao động không đúng cách trong một thời gian dài, nhiều người đã bị mắc các bệnh về xương khớp.
Do duy trì thói quen sinh hoạt, lao động không đúng cách trong một thời gian dài, nhiều người đã bị mắc các bệnh về xương khớp.
Bệnh nhân được thăm khám tại Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.Yến |
Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc điều chỉnh tư thế phù hợp trong lao động, người bệnh cần duy trì tập luyện thể dục nhẹ nhàng hoặc tùy theo tình trạng bệnh mà tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.
* Không chỉ là bệnh của người già
Thoái hóa cột sống, thoái hóa đốt sống cổ, bệnh lý khớp vai, viêm khớp tay, chân… là những bệnh lý thường gặp ở những người độ tuổi trung niên trở đi. Theo BS CKII Nguyễn Tấn Toàn, Phó trưởng khoa Chi trên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, do quá trình lão hóa của cơ thể hoặc do các tư thế lao động lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng sai tư thế dẫn đến tình trạng bệnh xương, khớp.
Tuy nhiên, các bệnh về xương khớp đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là trong nhân viên văn phòng. BS CKII Nguyễn Tấn Toàn giải thích: “Nhân viên văn phòng thường làm việc cả ngày trong môi trường máy lạnh, ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời gây nên tình trạng loãng xương do không tổng hợp được vitamin D”.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân mới ở độ tuổi 20-30 đã bị thoái hóa khớp. Trong đó, các vị trí thoái hóa thường gặp nhất là: cổ, thắt lưng, vai, gáy… Thoái hóa khớp không chỉ gây nên những cơn đau mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, lao động của người bệnh.
Khi đau, bệnh nhân thường xoa bóp dầu nóng, rượu thuốc với mong muốn giảm đau. Tuy nhiên, trên thực tế cách làm này lại gây nên tình trạng viêm, khiến cho bệnh nhân đau đớn nhiều hơn.
* Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
BS CKII Nguyễn Tấn Toàn cho biết, đối với những người mắc bệnh về xương khớp thì việc tập luyện thể dục, thể thao, điều chỉnh tư thế lao động, sinh hoạt đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh một cách đáng kể. “Việc sử dụng thuốc chỉ mang tính chất hỗ trợ chứ không quyết định yếu tố điều trị. Khi mắc các bệnh về xương khớp, việc tập luyện đúng cách sẽ cải thiện được tình trạng bệnh” - BS CKII Nguyễn Tấn Toàn khẳng định.
Đối với những trường hợp nhân viên văn phòng bị đau lưng do ngồi nhiều, sai tư thế, cần điều chỉnh tư thế ngồi thẳng lưng, tập luyện thể dục như: chạy bộ, hít đất, hít xà đơn. Yoga cũng là bộ môn được khuyến khích tập luyện nhằm tăng cường sức khỏe, có tác dụng tốt đối với người bị bệnh xương khớp. Tuy nhiên, cường độ tập luyện, các tư thế tập cần được cân nhắc, tránh tập luyện quá sức gây nên tác dụng ngược.
Các bộ môn thể dục khác như: bơi lội, aerobic cũng rất phù hợp để vận động, phòng ngừa bệnh xương khớp. Đối với những người bị thừa cân, béo phì, việc giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý là điều cần thiết để hạn chế mắc bệnh xương khớp. Trên thực tế, trọng lượng cơ thể lớn có thể gia tăng áp lực lên hệ thống dây chằng và xương khớp dẫn đến căn bệnh này.
Khi thấy có các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp, người bệnh không nên chủ quan mà cần chủ động đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và điều trị phù hợp. |
Hải Yến