Báo Đồng Nai điện tử
En

Một nhà báo chuyên nghề làm… Tổng biên tập

07:03, 03/03/2023

Vậy là lời phán đoán của ông chủ tiệm thuốc Bắc ở Phúc Hải (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) khi nhìn thấy nhà báo Lê Tân (thường được gọi là ông Hai Tân) vào năm 68 tuổi (năm 1990): "Ông có đôi tai đẹp lắm! Ông sẽ sống đến 94 tuổi" đúng, mà không thật chính xác. Cụ Hai Tân vừa từ biệt cuộc đời vào ngày 1-3-2023, thọ đến 101 tuổi.

Vậy là lời phán đoán của ông chủ tiệm thuốc Bắc ở Phúc Hải (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) khi nhìn thấy nhà báo Lê Tân (thường được gọi là ông Hai Tân) vào năm 68 tuổi (năm 1990): “Ông có đôi tai đẹp lắm! Ông sẽ sống đến 94 tuổi” đúng, mà không thật chính xác. Cụ Hai Tân vừa từ biệt cuộc đời vào ngày 1-3-2023, thọ đến 101 tuổi.

Vợ chồng nhà báo Lê Tân
Vợ chồng nhà báo Lê Tân. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tuổi thọ đã thuộc hàng “xưa nay hiếm”, cụ Lê Tân còn là một người làm báo hiếm hoi khi bước chân vào nghề đã làm Tổng biên tập (TBT). Hơn 20 năm làm báo, cụ Lê Tân có 15 năm làm TBT Báo Thanh Hóa (1962-1977) và hơn 5 năm làm TBT Báo Đồng Nai (1977-1983).

Cụ là TBT đầu tiên của Báo Thanh Hóa và gần như là TBT chuyên nghiệp đầu tiên của Báo Đồng Nai, vì Báo Đồng Nai (bộ mới) khi mới thành lập, ngoài Chủ nhiệm là Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Lê Quang Thành, TBT là Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Lê Tư Huyền. Nhưng đây chỉ là chức danh kiêm nhiệm, còn trực tiếp điều hành tờ báo là Phó TBT kiêm Thư ký Tòa soạn Đoàn Ngọc Giao. Thế nên, có thể xem cụ Lê Tân là TBT chuyên nghiệp đầu tiên của Báo Đồng Nai và thực tế cụ cũng là người đưa tờ báo của Đảng bộ địa phương đi vào nền nếp bài bản, chính quy.

Hành trình làm báo

Việc bước vào nghề TBT của cụ Lê Tân cũng khá lý thú. Sinh năm 1923 và là con trai cụ đồ Nam nổi tiếng ở làng Dị, tỉnh Hưng Yên nên mặc dù tham gia cách mạng từ ngày 15-6-1945, Lê Tân vẫn bị xem là thành phần tiểu tư sản trí thức. Vì vậy, mãi đến 4 năm sau, khi đã là trưởng phòng thông tin huyện, ông mới được xét kết nạp Đảng.

Ngay sau đó, tại cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1950) và mừng Chiến thắng Biên giới (năm 1950) có một phần tử cơ hội tự xưng là… đại diện cho một “tổ chức cách mạng chân chính” lợi dụng diễn đàn để vu khống, nói xấu chế độ, đảng viên trẻ Lê Tân đã kịp thời lên tiếng phản bác bằng lý luận và lời lẽ sắc bén làm nhân dân dự cuộc mít tinh hết sức hoan hô. Động thái của cán bộ thông tin Lê Tân đã kịp thời đập tan luận điệu sai trái góp phần đưa đảng viên trẻ này trở thành Phó ban, rồi Phó ban thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Giữa năm 1961, Bộ Chính trị cho phép Tỉnh ủy Thanh Hóa thành lập tờ báo Đảng bộ tỉnh, ông Lê Tân được chọn làm TBT. Qua một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về báo chí ở Hà Nội, TBT Lê Tân đã cùng một bộ sậu chân ướt chân ráo tổng cộng 14 người, ngày 20-3-1962 đã ra được số Báo Thanh Hóa đầu tiên.

Trong thời điểm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ hết sức ác liệt, thiên tai uy hiếp thường xuyên, TBT Lê Tân đã vận dụng linh hoạt 3 chức năng của báo chí cách mạng (tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể) chỉ đạo cán bộ biên tập, phóng viên Báo Thanh Hóa bám sát cơ sở phát hiện, cổ vũ thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua đó, từ HTX Hạnh Phúc với phong trào làm bờ vùng, bờ thửa phát triển thêm HTX Đông Phương Hồng thâm canh toàn diện được mở rộng thành phong trào thi đua theo gương điển hình toàn tỉnh.

Cách làm của Báo Thanh Hóa gây được tiếng vang. Báo Nhân Dân nhập cuộc, đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, viết bài chỉ đạo đăng Báo Thanh Hóa…

Tiếp đó, chiến thắng Hàm Rồng, chiến công bắn rơi máy bay Mỹ lần đầu tiên bằng súng bộ binh của dân quân xã Minh Khôi… được kịp thời cổ vũ, phát huy khí thế lập công. Nổi bật là phối hợp phát động phong trào “Thi đua 3 giỏi với Hải Lĩnh”, “Thi đua thâm canh lúa với HTX Đông Phương Hồng phấn đấu đưa Thọ Xuân thành huyện 5 tấn”, “Thực hiện cánh đồng 7 tấn thắng Mỹ”… Qua đó, Báo Thanh Hóa trở thành điểm hội tụ, nơi gặp gỡ không những của các nhà báo tên tuổi trong nước như: Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Quang Đàm, Hữu Thọ, Hồng Hà, Lưu Quý Kỳ, Phan Quang, Lê Điền, Xích Điểu, Hoàng Tùng, Nguyễn Khắc Viện…, mà còn thu hút nhiều nhà báo quốc tế đến. Trong đó có Ma-đơ-fen Ríp-phô. TBT Lê Tân được sánh ngang hàng với TBT và những cây bút đại thụ của báo trung ương.

Về Đồng Nai

Đầu năm 1977, với quá tuổi “tri thiên mệnh”, TBT Lê Tân thuận theo lời mời của Tỉnh ủy Đồng Nai đến vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Trong bài báo: Nghiệp báo tròn ý Đảng, lòng dân…, cụ Lê Tân nhìn thấy: “Đồng Nai là một tỉnh giàu tiềm năng kinh tế với vùng đất bazan màu mỡ, có Khu công nghiệp Biên Hòa và ngành thủ công nghiệp phát triển, nhân dân có tinh thần lao động sáng tạo, có truyền thống hào khí Đồng Nai nổi tiếng”.

Được cử làm TBT Báo Đồng Nai, một tờ báo của Đảng bộ tỉnh với cơ ngơi khá bề thế, có thư viện hoành tráng, nhà in được trang bị đồng bộ và một đội ngũ cán bộ, phóng viên năng nổ, nhiệt tình, nhưng cụ Lê Tân phải đối mặt với một thách thức không nhỏ.

Thực hiện chủ trương của Trung ương trong việc thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Phó TBT Đoàn Ngọc Giao cùng một số cán bộ, phóng viên cốt cán được điều ra vùng biển đảo để thành lập báo; cùng lúc Phó TBT Lê Thiện - một nhà báo kỳ cựu từng làm Báo Trung Lập rồi Đài Phát thanh Giải phóng được điều sang Đài Phát thanh Đồng Nai tham gia vào Ban giám đốc. Thế là Ban Biên tập Báo Đồng Nai chỉ có 2 người là TBT mới Lê Tân và Phó TBT Nguyễn Thiện Nhựt cũng… mới, là Thư ký Tòa soạn vừa đề bạt lên. Số cán bộ, phóng viên còn lại hơn chục người, phần lớn là sinh viên, học sinh thuộc chế độ cũ, chưa qua đào tạo nghiệp vụ báo chí và vài cây viết tay ngang là những cán bộ thuộc ngành nghề khác từ chiến khu ra hoặc ngoài Bắc vào.

Với tài năng lão luyện và thâm niên kinh nghiệm nghề nghiệp, TBT Lê Tân xác định: “Điều quan trọng nhất là tập hợp mọi người thành một khối đoàn kết nhất trí, tôn trọng lẫn nhau, không có thái độ phân biệt đối xử. Tất cả vì sự nghiệp, tờ báo, công cụ chính trị của Đảng bộ”. Và ông còn nhận thấy: “Trước mặt tôi, trong hội trường, bên cạnh một số ít đồng chí ở chiến khu ra và ở Bắc vào, là số đông những người còn rất trẻ, sinh ra và lớn lên dưới chế độ cũ. Qua tiếp xúc hàng ngày với họ, qua những bài viết của họ trên trang báo, qua ánh mắt và lời nói của họ, tôi cảm nhận một điều: các bạn bước vào nghề báo với nhiều nỗi niềm khác nhau nhưng đều có chung một nguyện vọng là làm việc và cống hiến cho chế độ mới”.

Gần gũi tiếp xúc, cầm tay chỉ việc và chỉ dẫn phương thức phát hiện, nhân điển hình, xây dựng chuyên trang, chuyên mục… từng bước Báo Đồng Nai trở nên khởi sắc, được cấp ủy, chính quyền và đông đảo bạn đọc xa gần ưa thích. Nổi bật là việc phát hiện ra hình thức khoán sản phẩm, đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập thực sự tại một HTX nông nghiệp ở Hưng Lộc (H.Thống Nhất) đã mạnh dạn đưa lên báo và xây dựng thành điển hình, tạo ra sức lan tỏa lớn, mở đường cho việc ra đời Nghị quyết 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó là việc đấu tranh chống tiêu cực trên mặt báo cũng được triển khai thực hiện có bài bản, đạt hiệu quả thiết thực. Nổi bật là cùng công nhân Xí nghiệp May Đồng Nai đấu tranh thắng lợi, tạo thành tiếng vang trong dư luận, được lãnh đạo cơ quan chủ quản là Bộ Công nghiệp nhẹ ngỏ lời cảm ơn.

Nhiệt tình tham gia vào việc cải tiến tờ báo theo phương thức, nghiệp vụ bài bản, lớp phóng viên trẻ ở Báo Đồng Nai trưởng thành nhanh chóng và định hình được nhiều cây bút có uy tín, bản lĩnh. Ngoài một Trương Bá Tuấn vốn là kỹ sư nông nghiệp chuyển nghề, Đỗ Trung Tiến từ bộ đội bước qua; nổi lên Kim Loan, Ngọc Tuấn, Đinh Minh Châu, Xuân Phú, Xuân Lập, Vũ Hoàng, Phi Châu, Đức Việt, Phan Dẫu, Thu Trân…

Nói về nhà báo Lê Tân “người thầy tuyệt vời”, “người truyền lửa đam mê cho những người làm báo trẻ”, nữ nhà báo Kim Loan kể: “Lại nhớ có lần tôi viết mục Sổ tay đụng đến một đơn vị của ngành Thủy sản Đồng Nai…, lãnh đạo Sở đã tức tốc có công văn gửi về báo phản bác lại nội dung thông tin mà tôi đưa ra. Tôi rất lo lắng và sợ Ban Biên tập kỷ luật. Nhưng trái với băn khoăn của tôi, TBT Lê Tân đã gọi hỏi rõ tình hình. Sau khi nghe tôi trình bày, ông đã viết công văn trả lời Ban giám đốc Sở Thủy sản và cử Trưởng phòng Tuyên truyền kinh tế - đời sống lúc bấy giờ là anh Trương Bá Tuấn cùng đi với tôi về Xí nghiệp Đánh bắt hải sản ở Bà Rịa để làm rõ vụ việc. Kết quả là với những chứng cứ mà bài viết nêu ra, vị đại diện Ban giám đốc Sở phụ trách Xí nghiệp Đánh bắt hải sản đã “giảng hòa”.

Không ít người còn biết cụ Lê Tân có mối thâm tình giao hữu và là “cố vấn” cho cả 3 đời Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai như: Lê Quang Chữ, Phạm Văn Hy và Nguyễn Thị Ngọc Liên, chưa kể nhiều vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, đã ở vào hàng cửu thập, Tết nào Báo Xuân Đồng Nai, Thanh Hóa cũng có thơ hoặc câu đối của cựu TBT Lê Tân. Nhưng kể từ Xuân này, ngòi bút của nhà báo Lê Tân sẽ vắng hẳn trên báo.       

Bùi Thuận

Tin xem nhiều