Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ rối cho quy hoạch trường - trạm Khuyến khích xã hội hóa y tế, giáo dục

07:03, 22/03/2023

Bên cạnh đầu tư của Nhà nước cho y tế, giáo dục, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút xã hội hóa (XHH) trong 2 lĩnh vực này. Làm tốt công tác XHH không chỉ chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn nhằm thúc đẩy chất lượng trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

[links()]Bên cạnh đầu tư của Nhà nước cho y tế, giáo dục, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút xã hội hóa (XHH) trong 2 lĩnh vực này. Làm tốt công tác XHH không chỉ chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn nhằm thúc đẩy chất lượng trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong ảnh: Bác sĩ của Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai trong phòng phẫu thuật
Việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong ảnh: Bác sĩ của Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai trong phòng phẫu thuật. Ảnh: H.YẾN

Để tạo thuận lợi cho công tác XHH, những rào cản về chính sách, đặc biệt là vấn đề quy hoạch đất đai cần phải được tháo gỡ. Bên cạnh đó, các địa phương cần quyết liệt thu hồi đất để mời gọi nhà đầu tư mới đối với những dự án đã quá 3 năm mà chưa triển khai.

Sớm xây dựng đề án XHH giáo dục

Những năm qua, công tác XHH giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến năm 2022, Đồng Nai có gần 200 trường ngoài công lập (chiếm khoảng 20% tổng số trường học trong tỉnh), trong đó đa phần là trường mầm non (gần 160 trường), còn lại là các bậc học khác. Ngoài hệ thống trường phổ thông, bậc giáo dục nghề nghiệp, đại học cũng thực hiện rất tốt công tác XHH; đặc biệt, Đồng Nai có 3/5 trường đại học ngoài công lập.

TP.Biên Hòa là địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập nhiều nhất với 117 trường; trong đó, bậc mầm non có khoảng 80% trường ngoài công lập, bậc THPT có 60% trường ngoài công lập.

Trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2040, H.Long Thành sẽ kêu gọi đầu tư Trường đại học Y dược TP.HCM (cơ sở Long Thành) với tổng diện tích 72ha.

Mặc dù đã thực hiện khá tốt công tác XHH giáo dục nhưng do sĩ số học sinh tăng hàng năm quá nhiều (khoảng 7-8 ngàn học sinh/năm) trong khi số lượng trường công được thành lập mới rất ít nên vẫn còn xảy ra tình trạng quá tải. Do đó, nhu cầu XHH giáo dục trong thời gian tới tiếp tục tăng cao.

Nhu cầu cần nhiều, chủ trương khuyến khích có nhưng trên thực tế công tác XHH giáo dục đang gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là XHH ở bậc học phổ thông. Trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, điều kiện về đất đai theo pháp luật về đất đai và pháp luật quản lý sử dụng tài sản công); thủ tục đầu tư. Những vướng mắc này rất dễ làm nản lòng nhà đầu tư.

Không chỉ mở trường mới gặp khó, việc huy động XHH giáo dục ở nhiều phương diện, cấp độ nhỏ hơn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa chia sẻ: “Chúng ta khuyến khích dạy bơi cho học sinh trong khi trường học lại không có hồ bơi. Mới đây, có đơn vị tư nhân xin hợp tác xây hồ bơi tại 1 trường tiểu học trên địa bàn nhưng cuối cùng không triển khai được, nguyên nhân là vì bị vướng về quy định thuê đất công”.

Hiện nay, 100% trường ngoài công lập trên địa bàn TP.Biên Hòa đều không sử dụng đất công. TP.Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn thủ tục xây dựng các trường ngoài công lập trên đất công sau khi giải tỏa đền bù để thu hút các nhà đầu tư tham gia XHH giáo dục.

Cũng là địa bàn có tốc độ dân số tăng nhanh, H.Trảng Bom đã thu hút các nhà đầu tư tham gia XHH giáo dục nên trên địa bàn huyện hiện có nhiều trường tư thục. Bên cạnh khó khăn chung, công tác XHH giáo dục của H.Trảng Bom còn có khó khăn riêng là một số trường tư thục mở ra không thu hút được học sinh, trong khi trường công dù quá tải vẫn phải nhận học sinh.

Để thực hiện tốt công tác XHH giáo dục, UBND tỉnh đang giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai công tác XHH giáo dục theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4-6-2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019-2025 và các quy định liên quan.

Huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực y tế

TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch là những địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong công tác XHH y tế. Trong đó, H.Nhơn Trạch có 80 cơ sở hành nghề y tư nhân (9 phòng khám đa khoa, 44 phòng khám chuyên khoa và 27 dịch vụ y tế khác); H.Long Thành có 130 cơ sở hành nghề y (9 phòng khám đa khoa, 36 phòng khám nội khoa, 37 phòng khám chuyên khoa, 36 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 12 dịch vụ y tế khác); TP.Long Khánh có hơn 100 cơ sở hành nghề y tư nhân; TP.Biên Hòa có 7 bệnh viện tư nhân, 41 phòng khám đa khoa và gần 700 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh…

Việc thu hút được XHH không chỉ giúp giảm áp lực biên chế cho địa phương mà còn cung cấp được nhiều dịch vụ y tế, tăng thêm giường bệnh, tăng thêm bác sĩ, góp phần đạt được các chỉ tiêu về bác sĩ/vạn dân, giường bệnh/vạn dân, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Để luật đi vào cuộc sống, trong năm nay, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Cùng với đó, việc rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ tạo nhiều tiền đề thuận lợi cho công tác XHH lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.

Bên cạnh khó khăn chung về quy hoạch, thủ tục đầu tư, công tác XHH y tế bộc lộ một số vấn đề, đòi hỏi ngành Y tế và các ngành liên quan cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Theo đó, số lượng phòng khám tư nhân đủ điều kiện được phép tham gia khám bảo hiểm y tế nhiều, có khả năng xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế hoặc triển khai không đúng quy định. Trong khi đó, lực lượng nhân sự của các phòng y tế huyện, thành phố và thanh tra Sở Y tế mỏng, khó làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra… trên lĩnh vực này.

Trên thực tế, công tác XHH trong lĩnh vực y tế đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nay, bao gồm cả những khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý, chính sách. Những rào cản này đang dần được tháo gỡ khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua đầu năm nay.

Theo đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều nội dung tạo hành lang pháp lý, gỡ khó vấn đề XHH y tế như: Tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh. Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định cụ thể hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế...; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan…

Hải Yến

Tin xem nhiều