Đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ (KH-CN) có vai trò quan trọng trong việc góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ (KH-CN) có vai trò quan trọng trong việc góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chủ trì buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh vào đầu năm 2023 |
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, thời gian qua, việc tập hợp sức mạnh của đội ngũ trí thức KH-CN trên địa bàn tỉnh chưa được như mong đợi.
Nhiều đóng góp tích cực
ThS Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) cho biết, bên cạnh việc tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH-CN, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo khoa học thì hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia góp ý các dự thảo quan trọng của tỉnh được Liên hiệp hội đặc biệt quan tâm.
Liên hiệp hội hiện đã tập hợp được 36 hội thành viên với hơn 25 ngàn hội viên, chiếm hơn 52% đội ngũ trí thức trong tỉnh, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: KH-CN, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, y tế, giáo dục, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi… |
Liên hiệp hội đã gửi văn bản đến ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đặt hàng Liên hiệp hội, các hội thành viên trong việc tư vấn, phản biện, giám định xã hội các dự án, công trình về xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, an sinh xã hội… trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đến nay, Liên hiệp hội đã cử nhân sự tham gia các hội đồng khoa học của các sở, ngành, hội đồng tư vấn pháp luật, dân chủ, hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Riêng trong năm 2022, Liên hiệp hội đã tham gia phản biện 5 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về: thu hồi đất; chính sách thu hút nhân lực ngành Y tế; sách giáo khoa địa phương; giải tỏa làng cá bè ở TP.Biên Hòa và đề án phát triển nuôi thủy canh ở TP.Biên Hòa.
Không những thế, Liên hiệp hội còn thường xuyên phối hợp với các hội thành viên, hội viên tập thể tích cực thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; tư vấn, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo; giúp đỡ gia đình hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc diện chính sách, người có công…
ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai chia sẻ, Hội có 82 hội viên. Hoạt động nổi bật nhất trong thời gian qua của Hội là các thành viên đã tham gia nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, lịch sử lực lượng vũ trang Đồng Nai, lịch sử Đảng bộ 30 phường, xã của TP.Biên Hòa. Bên cạnh đó, Hội còn tham gia đề án đặt tên đường, công trình công cộng ở TP.Long Khánh, TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất), TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ); tham gia thực hiện bộ phim Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa 1937. Hội cũng tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Nhiều rào cản cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TS Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp hội thừa nhận, thời gian qua, tỷ lệ tập hợp đội ngũ trí thức KH-CN trên địa bàn tỉnh còn thấp, nhất là đối với các trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp. Đặc biệt, còn thiếu những hội viên là chuyên gia đầu ngành có bản lĩnh, tư duy độc lập, đột phá trong nghiên cứu cơ bản, tư vấn, phản biện, giám định xã hội; có khả năng giải quyết các vấn đề lớn bức thiết trước những đòi hỏi của thực tiễn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Liên hiệp hội và các sở, ngành để giải quyết những vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động của các hội cũng còn nhiều hạn chế.
Một số chuyên gia nhận định, Đồng Nai mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn những người tài giỏi về địa phương làm việc như các tỉnh, thành giáp ranh (TP.HCM, Bình Dương). Không chỉ là vấn đề lương, thu nhập, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cần có một không gian lý tưởng, môi trường tin cậy để đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của địa phương.
Tại cuộc họp với Đảng Đoàn Liên hiệp hội mới đây, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị trong thời gian tới, Liên hiệp hội cần rà soát lại hiệu quả hoạt động của các hội thành viên, nhân rộng những cách làm hay. Đặc biệt, Liên hiệp hội cần lên được danh sách các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, địa chỉ, năng lực thực tế của họ để kêu gọi hợp tác khi cần.
Lãnh đạo Tỉnh ủy nhấn mạnh, các hoạt động nghiên cứu khoa học cần xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, Đồng Nai đang tập trung vào một số dự án lớn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường vành đai 3 - TP.HCM, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phát triển các khu công nghiệp… Thế mạnh của tỉnh vẫn là vận tải hàng không, vận tải đường sông, logistic, các khu công nghiệp. Do đó, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có trình độ về công nghệ, có kinh nghiệm về quản trị rủi ro trong quá trình thương mại toàn cầu… Với vai trò cầu nối, tập hợp đội ngũ trí thức KH-CN, đề nghị Liên hiệp hội nghiên cứu sâu các vấn đề này để đi trước, đón đầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân xung quanh các dự án lớn để đề xuất, kiến nghị lãnh đạo tỉnh các giải pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Hạnh Dung