Báo Đồng Nai điện tử
En

Học sinh vùng xa tích cực nghiên cứu khoa học

07:02, 08/02/2023

Mặc dù điều kiện học tập chưa được đầy đủ như ở thành phố nhưng nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa đã tận dụng những kiến thức được học từ thầy cô, trường lớp và thực tế cuộc sống để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Mặc dù điều kiện học tập chưa được đầy đủ như ở thành phố nhưng nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa đã tận dụng những kiến thức được học từ thầy cô, trường lớp và thực tế cuộc sống để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2022 khen thưởng học sinh thực hiện giải pháp Nước cất sát khuẩn hương sả, gừng. Ảnh: H.DUNG
Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2022 khen thưởng học sinh thực hiện giải pháp Nước cất sát khuẩn hương sả, gừng. Ảnh: H.DUNG

Nhiều sáng kiến đã góp phần giải quyết được phần nào những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của chính gia đình các em và những người dân địa phương.

Sản phẩm nước siro cô đặc hữu dụng

Với giải pháp Nước siro cô đặc tái chế từ quá trình sấy trái cây, em Châu Văn Anh, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) mong muốn góp phần phát triển ngành chăn nuôi của địa phương.

Văn Anh cho biết, để cho ra đời sản phẩm trái cây sấy khô có độ ngọt, ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì trong quá trình chế biến, người dân phải làm tăng độ đường trong sản phẩm bằng cách ủ trái cây, ủ nông sản với đường tinh luyện. Điều này đặt ra vấn đề đối với các nhà máy sấy trái cây là hàng ngày phải xử lý một lượng chất thải rất lớn. Trong chất thải này tồn tại lượng đường lớn và những hợp chất khác, không tốt cho môi trường.

2 giải pháp Nước siro cô đặc tái chế từ quá trình sấy trái cây và Nước cất sát khuẩn từ hương sả, gừng của các em học sinh H.Cẩm Mỹ, H.Tân Phú đã xuất sắc đoạt giải ba tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2022 và được chọn đi dự thi cấp quốc gia.

Trước thực tế trên, Văn Anh đã nảy ra ý tưởng tái chế chất thải từ quá trình ngâm, ủ trái cây, tạo ra hỗn hợp dạng siro cô đặc. Loại siro này có thể phục vụ cho ngành chăn nuôi và hạn chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Ý tưởng của Văn Anh sau đó được thầy Phan Khắc Dạ Thạch hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện. Sản phẩm nước siro cô đặc được tạo thành dựa trên quá trình đun sôi nước thải (trong quá trình ủ trái cây với đường). Lượng đường ủ tan ra cùng với nước từ trái cây sẽ được tái chế nhờ quá trình đun sôi. Để loại bỏ các tạp chất, cặn bẩn, thầy trò Văn Anh đã sử dụng nước vôi trong nhằm trung hòa axit, giảm độ chua của axit từ trái cây và giúp cho hỗn hợp được cô đặc.

“Sản phẩm siro này đã được gia đình em sử dụng phục vụ chăn nuôi tại nhà. Cha mẹ em đã cho vật nuôi uống siro hoặc trộn vào thức ăn, ủ chua cỏ để làm thức ăn cho vật nuôi. Nhờ đó mà vật nuôi tăng trọng nhanh, cho năng suất cao. Sản phẩm siro này không hề sử dụng chất bảo quản nhưng có thể sử dụng lâu dài rất hiệu quả” - Văn Anh chia sẻ.

Ngoài phục vụ cho quá trình chăn nuôi của gia đình, hiện tại sản phẩm siro do thầy trò Văn Anh thực hiện đã được cung cấp cho một số hộ gia đình chăn nuôi tại xã Xuân Tây, xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ).

Tạo nước cất sát khuẩn từ sả, gừng

Lớn lên ở huyện miền núi Tân Phú, 4 học sinh: Bùi Nguyễn Huy Thịnh, Nguyễn Phương Hoàng Tiến, Trần Ngọc Thanh Thùy và Trần Ngọc Thùy Trâm (Trường THCS Quang Trung, TT.Tân Phú) hiểu rõ người dân địa phương sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Trong đó có nhiều cây trồng có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất tinh dầu như: sả, chanh, kinh giới, húng quế, gừng, gió bầu, tràm bông vàng…

Theo Huy Thịnh, tại địa phương nơi em sinh sống, cây gió bầu được người dân khai thác để chưng cất tinh dầu, làm nhang bán ra thị trường cho giá trị cao thì những loại cây trồng khác chủ yếu được người dân trồng để làm rau gia vị hoặc lấy gỗ là chính.

Nhóm học sinh này đã cùng nhau thực hiện một khảo sát về việc sử dụng các loại cây trồng có thể dùng để chưng cất tinh dầu.

“Kết quả mà chúng em thu được từ cuộc khảo sát là 100% các hộ nông dân trồng cây sả, gừng để lấy thân cây, củ làm gia vị trong nấu ăn hoặc để làm dược liệu. Riêng phần lá của 2 loại cây này có mùi thơm dịu rất dễ chịu nhưng thường bị bỏ đi hoặc người dân chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ để nấu nước xông giải cảm. Điều này rất lãng phí. Chúng em cho rằng, nếu biết tận dụng phần lá của cây sả và gừng để làm nước cất sát khuẩn sẽ tạo ra một sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người” - Hoàng Tiến tâm sự.

Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cô giáo Trương Thị Trâm Anh, nhóm học sinh đã thực hành việc chưng cất tinh dầu từ lá sả, gừng. Tinh dầu thu được từ quá trình chưng cất là hỗn hợp chất thơm. Lượng tinh dầu thu được không nhiều nhưng phần nước sau khi chưng cất lại khá lớn. Phần nước cất này có hương thơm dễ chịu, có chứa một số phân tử vi lượng hòa tan trong nước của tinh dầu.

Để sử dụng loại nước cất này hiệu quả, nhóm học sinh đựng vào trong một loại bình xịt sát khuẩn thông thường. Sau đó dùng để xịt sát khuẩn tay nhanh, giúp đôi tay được sạch vi khuẩn và có hương thơm nhẹ nhàng.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều