Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Cần một mô hình thúc đẩy liên kết đào tạo nghề

08:12, 15/12/2022

"Thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp" là một trong 8 giải pháp được đưa ra trong dự thảo đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trên thực tế, mô hình Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành, nghề đang được thực hiện thí điểm ở một số trường và đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

[links()]“Thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp” là một trong 8 giải pháp được đưa ra trong dự thảo đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trên thực tế, mô hình Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành, nghề đang được thực hiện thí điểm ở một số trường và đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

Sinh viên nghề Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí (Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi, H.Trảng Bom) trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến
Sinh viên nghề Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí (Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi, H.Trảng Bom) trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến

Trong hoạt động liên kết đào tạo nghề, mô hình đào tạo nghề kép là hướng đi được khuyến khích.

* Xây dựng hội đồng tư vấn kỹ năng ngành, nghề

Hiện nay, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và DN trong đào tạo nghề còn mang tính đơn lẻ giữa 2 bên thông qua ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) mà thiếu tính liên kết. Hoạt động liên kết này dường như đang hoàn toàn vắng bóng các hiệp hội ngành nghề, đồng thời vai trò của cơ quan quản lý còn mờ nhạt. Vì vậy, việc ký kết MOU chủ yếu tìm kiếm nơi thực tập, hỗ trợ việc làm và hỗ trợ học bổng cho sinh viên.

Sự ra đời của mô hình có thể liên kết được cả 4 bên: cơ sở GDNN, DN, cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp rất cần thiết. Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số mô hình: Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành, nghề; Hội đồng tư vấn GDNN. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ, chức năng của các bên: quản lý nhà nước, DN, nhà trường, hiệp hội nghề nghiệp/VCCI. Các thành viên trong mô hình cùng tìm ra tiếng nói chung, chia sẻ được tầm nhìn và cùng nhau thực hiện. Mô hình này sẽ gắn kết hiệu quả để việc hợp tác đào tạo nghề đi vào thực chất, rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và DN.

Theo đó, mỗi bên tham gia hội đồng đều có vai trò cụ thể, riêng biệt. Trong đó, cơ sở GDNN có vai trò thực hiện các quy định về GDNN, đào tạo sinh viên. DN có nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề; có thông tin về sự phát triển của ngành. Cơ quan quản lý nhà nước ban hành các chính sách. Hiệp hội ngành, nghề hoặc VCCI có vai trò liên kết các bên liên quan.

Với Đồng Nai, Trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI chi nhánh TP.HCM Bùi Thị Ninh đề xuất, nên thành lập mô hình Hội đồng GDNN cấp tỉnh và Hội đồng kỹ năng ngành. Hội đồng này sẽ vùng nhau làm việc, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề của từng ngành, xác định nhu cầu nhân lực của ngành. Mô hình này giúp UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH thấy được nhu cầu nguồn nhân lực, khả năng đáp ứng trong thực tế, từ đó đưa ra giải pháp nhằm “lấp khoảng trống” nhân lực kịp thời.

* Phát huy vai trò của các bên liên quan

Mỗi đối tác tham gia hội đồng tư vấn GDNN đều có nhiệm vụ, chức năng cụ thể nhưng liên kết chặt chẽ với nhau để hỗ trợ cho GDNN, đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ tài chính, giám sát, khuyến khích các mô hình liên kết GDNN; cơ sở GDNN tham mưu, khuyến nghị xây dựng, lập văn bản pháp lý cho hoạt động GDNN (đối với hoạt động này, Chính phủ cũng tham vấn các DN trong quá trình xây dựng văn bản luật và chính sách); các hiệp hội DN, VCCI tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng và xây dựng kỹ năng nghề cùng các cơ sở GDNN, tổng thể chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của GDNN, bài đánh giá đầu ra... Trong mô hình này, DN đóng vai trò là thành viên quan trọng trong các ban tư vấn GDNN. Đồng thời, tham gia quá trình đánh giá, lựa chọn sinh viên, người học trong quá trình đào tạo.

Xây dựng trung tâm dữ liệu lao động

Ông NGUYỄN HỮU KHÁNH LINH, Phòng GDNN (Sở LĐ-TBXH) cho biết, mục tiêu của Sở là sẽ sớm tham mưu thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng nghề cấp tỉnh, trong đó Sở đóng vai trò điều phối. Cùng với đó, sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu lao động. Thông tin được đưa lên website, DN chia sẻ thông tin trực tiếp trên website này; Sở LĐ-TBXH tổng hợp số liệu, phân tích dữ liệu và tổ chức hội thảo để chia sẻ thông tin.

DN tuyển dụng người lao động và chi trả các khoản lương, quyền lợi khác cho người lao động. Hợp đồng tuyển dụng cần ghi rõ các chương trình mà người lao động được đào tạo, nội dung đào tạo, thời gian đào tạo, mức chi trả mà người lao động nhận được… Ngoài ra, tổ chức Công đoàn sẽ tham gia đảm bảo quyền lợi của người lao động và người học trong quá trình đào tạo.

Đồng quan điểm với VCCI, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), bà Afsana Zeraie, Phó giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam cũng cho rằng, Đồng Nai cần sớm thành lập hội đồng tư vấn GDNN.

Bà Afsana Zeraie cho hay, tại Đồng Nai, GIZ đã hỗ trợ thành lập 4 hội đồng tư vấn GDNN cấp trường (mỗi hội đồng có từ 6-7 DN tham gia) gồm: cơ điện tử và điện tử công nghiệp; cắt gọt kim loại và cơ khí xây dựng (Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, H.Long Thành); điện tử năng lượng và công nghệ xây dựng; công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí (Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi, H.Trảng Bom).

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi Phạm Duy Đông cho biết, với sự hỗ trợ của Tổ chức GIZ, nhà trường đã thành lập được hội đồng tư vấn GDNN cấp trường, trong đó nhà trường giữ vai trò điều phối. Hoạt động này bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.

Ông Đông chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất mong tỉnh sẽ sớm thành lập hội đồng tư vấn GDNN. Trong đó, chúng ta cần bàn đến các vấn đề: kỹ năng cần có của từng nghề, vị trí việc làm, nhu cầu của lao động… Có như vậy mới giúp các trường nghề điều chỉnh kịp thời chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tế”.

* Thúc đẩy mô hình đào tạo nghề kép

Để khuyến khích DN tham gia GDNN, Tổ chức GIZ đã hỗ trợ nhiều trường thực hiện mô hình đào tạo nghề kép (tại Đồng Nai có 2 trường được hỗ trợ là Trường cao đẳng Quốc tế Lilama 2 và Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi). Với mô hình này, người học nghề sẽ được đào tạo ở 2 nơi, gồm cơ sở GDNN và tại DN. Trong đó, thời gian đào tạo ở DN tập trung vào mảng thực hành, chiếm 50% chương trình đào tạo. Thời gian đào tạo tại cơ sở GDNN tập trung vào phần lý thuyết, chiếm từ 30-50% chương trình đào tạo.

Đối với các công ty nhỏ không có khả năng đáp ứng phần lớn chương trình đào tạo hoặc với một số ngành đặc trưng có thể xây dựng mô hình trung tâm đào tạo liên công ty. Tại đây, người học sẽ được đào tạo cả lý thuyết và thực hành, chiếm khoảng 20% chương trình đào tạo. Như vậy, trong mô hình đào tạo nghề kép với sự tham gia của DN, thời gian thực hành của sinh viên nghề có thể lên đến 70% chương trình đào tạo. Nhờ đó, người học nâng cao kỹ năng nghề đối với các nghề được đào tạo.

Khi tham gia đào tạo, DN sẽ có nguồn cung nhân lực chất lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất. Đồng thời, có thể điều chỉnh một phần chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế của đơn vị.

Một điểm cộng cho mô hình đào tạo nghề kép là sự hoàn thiện kỹ năng và năng lực người học tăng rõ rệt theo thời gian. Cùng với đó, hiệu suất lao động của người học cũng tăng lên và trực tiếp đóng góp vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN. Thống kê thực tế tại DN tham gia mô hình đào tạo nghề kép cho thấy, trong năm đầu, DN phải đầu tư nhiều cho người học nhưng từ năm thứ 2 trở đi, DN bắt đầu được hưởng lợi từ quá trình đào tạo này.

GIZ đã hỗ trợ các trường đối tác làm khảo sát truy vết nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình đào tạo phối hợp. Kết quả cho thấy, sự tham gia của DN trong đào tạo nghề kép cao, mức độ hài lòng của người học đạt trên 90%. Mức lương mà học viên tốt nghiệp chương trình này ở trình độ trung cấp và cao đẳng đều cao hơn người tốt nghiệp chương trình hiện có ở Việt Nam.

Từ hiệu quả nêu trên, bên cạnh đề xuất thành lập hội đồng tư vấn GDNN, GIZ cũng khuyến nghị Đồng Nai nên thúc đẩy và triển khai mô hình đào tạo nghề kép.

Hải Yến

Tin xem nhiều