Báo Đồng Nai điện tử
En

Hệ quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh

08:12, 17/12/2022

Những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái ở nước ta vẫn ở mức cao. Theo báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỷ lệ này hiện là 111,5 bé trai/100 bé gái, trong khi tỷ số ở mức cân bằng là 104-106 bé trai/100 bé gái.

Những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái ở nước ta vẫn ở mức cao. Theo báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỷ lệ này hiện là 111,5 bé trai/100 bé gái, trong khi tỷ số ở mức cân bằng là 104-106 bé trai/100 bé gái.

Một lớp học tiền sản được tổ chức tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Một lớp học tiền sản được tổ chức tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện đã lan rộng ra khắp cả nước thay vì chủ yếu ở thành thị hay vùng đồng bằng Bắc bộ như trước kia. Điều này gây nên ít nhiều hệ lụy và thách thức đối với công tác dân số.

Theo TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Phải kể đến là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, ưa thích có con trai hơn con gái vẫn còn tồn tại trong xã hội. Nhiều gia đình cho rằng chỉ có con trai mới nối dõi tông đường nên tìm mọi cách để có con trai, trong đó có việc lựa chọn giới tính trước sinh mặc dù pháp luật nghiêm cấm điều này.

Mặt khác, mức sinh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là ở một số tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai, ở mức thấp. Mỗi cặp vợ chồng thường chỉ sinh từ 1-2 con, một phần vì phụ nữ ngại sinh đẻ, một phần vì áp lực cuộc sống, chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ ở những thành phố lớn không phải dễ dàng. Vì vậy, việc sinh được con trai là mục tiêu mà nhiều cặp vợ chồng hướng đến, nhất là vợ chồng trẻ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không sử dụng biện pháp can thiệp nào nhưng có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt nên sinh toàn con trai.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho rằng, sự mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự can thiệp tích cực ngay từ bây giờ sẽ để lại những hệ lụy khôn lường cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Hệ lụy trước mắt là việc thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh không thay đổi thì đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi từ 15-49 và con số này tăng lên thành 2,5 triệu vào năm 2059.

Việc thiếu hụt nữ giới sẽ khiến nhiều nam giới khó hoặc không tìm được vợ. Từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thừa nam giới còn khiến hàng triệu nam giới phải sống độc thân, cấu trúc gia đình bị phá vỡ, người già neo đơn, không nơi nương tựa gia tăng…

Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh còn làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm có nguy cơ tăng lên.

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh cao như hiện nay sẽ tác động tiêu cực tới cơ cấu dân số trong tương lai theo hướng già hóa và thiếu hụt nữ giới ở một số nhóm tuổi, thậm chí gây hệ lụy về kinh tế và xã hội khác. Đó là sự thay đổi về cơ cấu ngành, nghề, môi trường làm việc. Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như: giáo viên, y tá, may mặc…

Tại Đồng Nai, tính đến 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 110 bé trai/100 bé gái.

An Yên


Tin xem nhiều