Bằng cách đổi mới hình thức, nội dung và đưa vào nhiều hoạt động thiết thực, tiết sinh hoạt dưới cờ (tiết chào cờ) đã trở nên sinh động, hấp dẫn được học sinh. Thậm chí, đây còn là tiết học được học sinh mong chờ nhất.
Bằng cách đổi mới hình thức, nội dung và đưa vào nhiều hoạt động thiết thực, tiết sinh hoạt dưới cờ (tiết chào cờ) đã trở nên sinh động, hấp dẫn được học sinh. Thậm chí, đây còn là tiết học được học sinh mong chờ nhất.
Học sinh Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) ở lại sân trường sau tiết chào cờ để giao lưu với thượng úy Nguyễn Công Hoàng, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa. Ảnh: H.YẾN |
Sinh hoạt dưới cờ đã thực sự trở thành hoạt động giáo dục ý nghĩa với nhiều bài học mang tính nhân văn, những kinh nghiệm sống và kỹ năng cần thiết cho học trò.
Những bài học ý nghĩa
Chị Lê Thị Huyền (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) xúc động kể: “Một buổi sáng thức giấc, cô con gái đang học tiểu học hỏi tôi rằng “lúc mẹ mang thai con, mẹ có mệt mỏi không, lúc mẹ sinh con, mẹ có đau không”. Sau khi nghe câu trả lời của tôi, cô bé nói rằng: “Con cảm ơn mẹ và con yêu mẹ”. Rồi sau đó con kể về tiết chào cờ ở trường, con đã được giáo dục về lòng biết ơn như thế nào; kể về việc những học sinh đã thử mang một chiếc ba lô nặng ở trước bụng để di chuyển, bước đi trên cầu thang, ngồi xuống - đứng lên… để cảm nhận một chút sự vất vả, nặng nề của người mẹ khi mang thai…”.
Em PHẠM NGUYỄN XUÂN ANH, học sinh lớp 9/3 Trường THCS Trường Sa cho biết: “Em rất thích hình thức kể chuyện, giới thiệu sách hay trong tiết chào cờ vì nội dung này giúp em và các bạn biết được những gương người tốt - việc tốt để noi theo. Cá nhân em để có thể giới thiệu được sách hay gương sáng cho các bạn thì phải đọc sách, lên mạng internet tìm hiểu thêm thông tin và soạn bài để kể. Ngoài ra, em phải rút ra được bài học để tuyên truyền cho các bạn”. |
Không được trực tiếp chứng kiến tiết chào cờ nhưng qua lời kể của con, chị Huyền cảm thấy rất hài lòng và đánh giá cao nội dung, hình thức tổ chức tiết chào cờ của nhà trường.
Để việc giáo dục đạo đức, lối sống một cách tự nhiên, hiệu quả trong tiết chào cờ, Trường THCS-THPT Bàu Hàm (H.Trảng Bom) tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động như: thuyết trình, chơi trò chơi, đóng kịch… Với những hoạt động này, học sinh được tự do thể hiện ý kiến cá nhân, tranh luận cùng bạn bè, đồng thời bộc lộ được năng lực cá nhân. Nhờ cách thức tổ chức sinh động, hấp dẫn, những bài học cuộc sống cũng đi vào tâm trí học sinh một cách hiệu quả.
Trường THPT Trị An (H.Vĩnh Cửu) thì lồng ghép chia sẻ về các chủ đề như: vui cùng hóa học qua các thí nghiệm, sức khỏe giới tính, phòng, chống ma túy… Các hoạt động này đều do học sinh chủ trì, trực tiếp chia sẻ. Thông qua đó, các em không chỉ tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm mà còn có cơ hội trải nghiệm, phát triển năng lực, kỹ năng của cá nhân.
Từ nhiều năm nay, Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) đã đổi mới tiết chào cờ với hình thức “mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”. Tùy theo kế hoạch, nhà trường sẽ giao Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm hoặc học sinh thực hiện một trong 3 nội dung nêu trên. Theo đó, cán bộ, giáo viên hoặc học sinh được phân công sẽ chuẩn bị nội dung để giới thiệu sách, câu chuyện hay hoặc tấm gương sáng kể trước toàn trường.
Sau phần kể chuyện sẽ có phần giao lưu, đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, một số nội dung được quay thành clip đăng trên fanpage của trường để học sinh có thể nghe lại, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Phối hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Cô Nguyễn Thị Xuân Viên, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trường Sa cho hay: “Trong tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường tránh không phê bình cá nhân học sinh mà dành thời gian cho hoạt động khen thưởng, học sinh tham gia các trò chơi và được chia sẻ, trình bày quan điểm cá nhân trước các vấn đề được thầy cô đưa ra. Do đó, các em rất háo hức chờ đợi tiết chào cờ”.
Để tiết chào cờ thêm sinh động, hấp dẫn và thiết thực, các trường còn phối hợp với các đơn vị, cá nhân ngoài nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục kỹ năng sống… Hoạt động này được học sinh đón nhận một cách hào hứng bởi các em được nghe, truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng… từ chính những người trong cuộc hoặc người có chuyên môn sâu. Một số nội dung thường được tổ chức như: kỹ năng phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích; kỹ năng phòng cháy chữa cháy; kỹ năng sơ cấp cứu; phòng, chống các loại tệ nạn xã hội và ma túy; tâm lý học đường; phòng, chống HIV/AIDS…
Thượng úy Nguyễn Công Hoàng, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa là người từng tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống ma túy trong các tiết chào cờ ở một số trường học. Theo đó, học sinh được giới thiệu các kiến thức cơ bản về ma túy, một số loại ma túy phổ biến hiện nay. Đặc biệt, học sinh được tuyên truyền sâu về những tác hại của ma túy đối với sức khỏe, tinh thần và nhân cách con người; trách nhiệm và kỹ năng cơ bản để phòng tránh ma túy với lứa tuổi học sinh… Cùng với đó, kết hợp tuyên truyền những kiến thức về thuốc lá điện tử và tác hại do sử dụng loại thuốc lá mới này.
Theo thượng úy Nguyễn Công Hoàng, việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đang có xu hướng tăng. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nội dung này. Bên cạnh đó, học sinh cũng cần được lưu ý về một số loại bánh có trộn chất gây nghiện, các loại bóng cười…
Hải Yến