Đề án Thí điểm tự chủ bệnh viện công lập từng đem lại nhiều hy vọng cho các bệnh viện. Nhiều người từng nghĩ, đề án này sẽ "cởi trói" về cơ chế khi bệnh viện được quyết định về nhân lực, lương, giá dịch vụ…
Đề án Thí điểm tự chủ bệnh viện công lập từng đem lại nhiều hy vọng cho các bệnh viện. Nhiều người từng nghĩ, đề án này sẽ “cởi trói” về cơ chế khi bệnh viện được quyết định về nhân lực, lương, giá dịch vụ…
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm, động viên các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hồi giữa tháng 9-2022. Ảnh: H.DUNG |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các bệnh viện gặp vô vàn khó khăn do không được tự quyết nhiều vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến nguồn thu và hoạt động của bệnh viện.
Giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ
BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, từ năm 2018, khi có quyết định của UBND tỉnh, bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn phần chi thường xuyên. Tức là cả lương và các khoản phụ cấp của cán bộ, nhân viên đều do bệnh viện chi trả, không còn lấy từ ngân sách nhà nước.
Bất cập trong trao quyền tự chủ cho bệnh viện công lập là bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu, vận hành của các bệnh viện. |
Với việc tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được phân cấp một số quyền nhất định như: thành lập hội đồng tuyển dụng và tuyển dụng biên chế để đáp ứng nhiệm vụ của bệnh viện; được quyền bổ nhiệm các trưởng phòng chức năng, trừ kế toán trưởng; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ chi những khoản không nằm trong quy định của nhà nước, chẳng hạn như chi lương thêm, chi phụ cấp hỗ trợ những khoản mà Nhà nước chưa có quy định mức chi… Nhưng, bệnh viện gặp nhiều khó khăn do giá viện phí hiện nay vẫn đang do nhà nước quy định. Trong cơ cấu giá viện phí chưa xây dựng đủ các loại chi phí nên ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của bệnh viện.
Với việc tự chủ chi thường xuyên, bệnh viện phải nỗ lực xoay xở để đảm bảo nguồn thu nhằm chi lương và các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế, người lao động. Tuy nhiên, bệnh viện chưa được tự chủ để triển khai thêm các loại dịch vụ kỹ thuật, khám chữa bệnh theo yêu cầu. Do đó, không có nguồn thu, đảm bảo tổng mức thu nhập cho nhân viên. Mức lương chính của cán bộ, nhân viên y tế hiện rất thấp so với mặt bằng chung.
Trăn trở với giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ, TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, nguồn thu chính hiện nay của bệnh viện là viện phí nhưng bệnh viện không được tự quyết về giá viện phí như các bệnh viện tư nhân mà vẫn phải tuân thủ theo quy định khung giá chung của Bộ Y tế.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, chi phí vận hành bệnh viện bao gồm 7 nhóm yếu tố chính gồm: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; chi phí quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên hiện nay, giá viện phí mới chỉ bao gồm 4 yếu tố gồm: thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp.
“Giá viện phí đã không tính đúng, tính đủ, cộng với lượng bệnh nhân thấp từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay khiến nguồn thu của bệnh viện eo hẹp, rất khó trong việc cân bằng thu chi. Áp lực công việc cao trong khi thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến gần 300 bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện nghỉ việc trong 2 năm qua” - BS Dũng bộc bạch.
Cần thực sự được “cởi trói”
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, từ năm 2018, toàn ngành Y tế Đồng Nai có 5 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Giữa năm 2021, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đã xin ngưng thực hiện tự chủ tài chính, trở lại hoạt động bằng ngân sách nhà nước.
Áp lực cao, thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến nhiều bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc ở bệnh viện công lập. Trong ảnh Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất ghi chép bệnh án của rất nhiều bệnh nhân bị. Ảnh: H.DUNG |
BS Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành chia sẻ, bệnh viện bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính đầu năm 2020. Thời gian đầu, bệnh viện xây dựng kế hoạch thu, mở ra những hoạt động dịch vụ để tạo nguồn thu, từ đó có đủ tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên. Mục tiêu bệnh viện đề ra là sẽ triển khai nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao, thu hút được nhiều bệnh nhân, tăng nguồn thu. Tuy nhiên, mục tiêu này không đạt được do lượng bệnh nhân đến bệnh viện rất ít, khoảng hơn 500 lượt khám ngoại trú và 250 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật cao không thực hiện được, nguồn thu thấp nên lương của cán bộ, nhân viên cũng thấp theo.
“Giữa năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, bệnh viện được chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19 nên không đảm bảo nguồn thu. UBND tỉnh sau đó đã ra quyết định cho phép bệnh viện trở lại hoạt động bằng ngân sách nhà nước cấp. Đến nay, dù đã trở lại hoạt động khám, chữa bệnh bình thường nhưng nguồn thu của bệnh viện cũng rất hạn chế, tiền tăng thêm A, B, C cho cán bộ, nhân viên y tế cũng không có. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn bệnh viện có khoảng 6 bác sĩ, hơn 10 điều dưỡng nghỉ việc do áp lực nhiều, thu nhập thấp” - BS Hai nói.
Cũng đang nỗ lực để đảm bảo nguồn thu của bệnh viện, BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tâm sự, bệnh viện đã và đang tìm đủ mọi cách nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Chỉ khi bệnh nhân đến bệnh viện khám, điều trị cảm thấy hài lòng họ mới quay lại bệnh viện và giới thiệu cho nhiều người khác thì bệnh viện mới có đủ nguồn thu để đảm bảo công tác chi thường xuyên.
Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã đưa vào hoạt động Khu khám và điều trị theo yêu cầu, hợp tác với các chuyên gia đầu ngành ở TP.HCM, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
“Quy định bệnh viện tự chủ được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Chúng tôi mong rằng cơ chế về tự chủ tài chính bệnh viện sẽ thực sự được “cởi trói” để các bệnh viện công được tự chủ đúng nghĩa” - BS Huyên đề xuất.
Hạnh Dung
Phó thủ tướng Chính phủ VŨ ĐỨC ĐAM:
Khẩn trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế
Bài toán khó nhất của ngành Y tế hiện nay là cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập nghỉ việc rất nhiều do vấn đề thu nhập. Muốn tăng thu nhập của nhân viên y tế thì phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng mệnh giá bảo hiểm y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh theo nhiều mức độ của người dân. Một khi thu nhập tăng lên và ổn định, dù có áp lực đến mấy, nhân viên y tế cũng sẽ không nghỉ việc ở bệnh viện công lập.
Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG:
Giá viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá
khám chữa bệnh BHYT cho phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ BHYT. Phương án này đã được Vụ Kế hoạch tài chính trình Bộ trưởng Bộ Y tế. Chúng tôi sẽ thành lập tổ công tác để làm việc với đơn vị có liên quan nhằm triển khai nhanh vấn đề này.
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG:
Cần trao quyền tự quyết cho các bệnh viện
Nếu như các bệnh viện tư nhân thực hiện tự chủ là được quyền quyết định về giá viện phí dựa trên chất lượng dịch vụ của bệnh viện thì ở các bệnh viện công lập thực hiện tự chủ lại chưa được giao quyền này. Giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ như sợi dây “trói” các bệnh viện. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các bệnh viện thực hiện tự chủ đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.