Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng chống nguy cơ nhiễm nhiều loại bệnh

07:10, 15/10/2022

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), viêm đường hô hấp, tiêu chảy đang lưu hành khiến nhiều người mắc cùng lúc 2-3 loại bệnh. Tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em bởi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, môi trường học đường dễ khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), viêm đường hô hấp, tiêu chảy đang lưu hành khiến nhiều người mắc cùng lúc 2-3 loại bệnh. Tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em bởi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, môi trường học đường dễ khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Yến
Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Yến

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất mà các chuyên gia khuyến cáo là tiêm phòng vaccine đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

* Trẻ bị nhiễm nhiều bệnh cùng lúc

Bé Nguyễn Minh Khang (6 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị đau họng, sốt nên được cha mẹ đưa đi TP.HCM khám bệnh. “Bác sĩ có cho làm xét nghiệm máu nhưng nói là bé chỉ bị viêm họng rồi cho thuốc về uống, nhưng 2 hôm sau bé vẫn không đỡ mà còn sốt cao không hạ nên gia đình cho cháu đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ở đây bé được chẩn đoán bị sốc SXH nên phải nhập viện điều trị luôn” - bà ngoại của bé Khang kể.

Nằm cùng phòng với Khang còn có một số bệnh nhi khác cũng điều trị bệnh SXH. Có trường hợp đang điều trị bệnh phổi thì phát hiện bị SXH nên phải chuyển xuống Khoa Bệnh nhiệt đới để kết hợp điều trị.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị từ 60-80 ca SXH và gần 20 ca bệnh tay chân miệng. BS CKI Nguyễn Thanh Quyền dự đoán trong thời gian tới số ca bệnh tay chân miệng có sẽ thể tăng lên.

BS CKI Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây, các trường hợp phải nhập viện điều trị do SXH và tay chân miệng có xu hướng giảm nhưng ghi nhận một số trường hợp bị đồng nhiễm, chẳng hạn bệnh nhân bị SXH kèm theo viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết, Covid-19… Tuy nhiên, đa phần những ca bệnh nội trú đều khá thuận lợi trong quá trình điều trị.

“Thường thì khi bị đồng nhiễm, bệnh nhân sẽ bị một bệnh nặng hơn kèm bệnh khác nhẹ hơn. Quá trình điều trị, bác sĩ sẽ chú ý ưu tiên điều trị bệnh cấp tính nặng hơn. Trong trường hợp bệnh phức tạp thì sẽ liên hệ với bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ về chuyên môn” - BS Quyền cho hay.

Cũng theo BS Quyền, nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm nhiều loại bệnh cùng lúc là do sức đề kháng thấp, thời gian vừa qua do dịch bệnh Covid-19 hoặc tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine đầy đủ, sau khi đi học lại trẻ sinh hoạt chung với nhau nên dễ lây bệnh cho nhau… Do vậy, để phòng tránh bệnh cho trẻ, phụ huynh cần ưu tiên bổ sung dinh dưỡng và tiêm vaccine phòng bệnh để trẻ đủ sức đề kháng, tăng miễn dịch.

* Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch

TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm so với những tháng tước đó. Trung bình mỗi tuần, toàn tỉnh có khoảng 600-700 ca SXH, 50-60 ca Covid-19, khoảng 100 ca tay chân miệng.

Tuy nhiên, thời gian qua, đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm nhiều bệnh truyền nhiễm cùng lúc. “Giải pháp mà CDC Đồng Nai thực hiện là thường xuyên, liên tục và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Nhờ đó, đã khống chế tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh” - TS-BS Trần Minh Hòa cho hay.

Cụ thể, công tác giám sát ca bệnh truyền nhiễm được thực hiện nghiêm túc, từ những ca lẻ tẻ đến chùm ca bệnh và những ổ dịch đều được điều tra về côn trùng và yếu tố nguy cơ, sau đó có biện pháp phòng chống phù hợp. Hoạt động khoanh vùng xử lý các ổ dịch được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời. Chẳng hạn, đối với ổ dịch SXH thì trong vòng 48 tiếng phải điều tra, xử lý ngay, tránh lây lan trong cộng đồng.

Công tác thống kê, báo cáo cũng được chú trọng. Bởi, thông qua dữ liệu thu thập được sẽ giúp ngành Y tế đánh giá tình hình dịch và đưa ra dự báo để có phương án chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, CDC Đồng Nai thường xuyên tổ chức công tác tập huấn chuyên môn, đào tạo lại đội ngũ phòng chống dịch từ tuyến xã đến tuyến tỉnh để nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, TS-BS Trần Minh Hòa khuyến cáo: “Người dân nên tiêm vaccine đầy đủ. Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất mà lại tốn rất ít chi phí, thậm chí là hoàn toàn miễn phí đối với các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, nhiều loại vaccine dịch vụ cũng được cung cấp ở các cơ sở y tế. Do đó, tùy theo điều kiện, khả năng, người dân có thể lựa chọn tiêm các loại vaccine dịch vụ này”.

Cũng theo Giám đốc CDC Đồng Nai, bên cạnh tiêm vaccine, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay khi tiếp xúc những nơi có nguy cơ, có thể lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Người dân cũng cần chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Những biện pháp phòng bệnh này rất đơn giản nhưng hiệu quả đối với nhiều loại bệnh như: tiêu hóa, tả, lỵ, thương hàn…

“Chúng ta cần nâng cao thể trạng, tăng cường dinh dưỡng, vận động thể lực, có lối sống lành mạnh để phòng chống dịch” - TS-BS Trần Minh Hòa cho biết thêm.

Hải Yến

Tin xem nhiều