Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi lan tỏa tình yêu thương

03:06, 03/06/2022

Cùng với các cơ sở của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, 14 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được cấp phép hoạt động đã và đang là nơi nương tựa cho trẻ mồ côi, người già neo đơn, góp phần lan tỏa tình thương đến những trường hợp thiếu hơi ấm gia đình.

Cùng với các cơ sở của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, 14 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được cấp phép hoạt động đã và đang là nơi nương tựa cho trẻ mồ côi, người già neo đơn, góp phần lan tỏa tình thương đến những trường hợp thiếu hơi ấm gia đình.

Một người cao tuổi tại Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) được tặng quà
Một người cao tuổi tại Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) được tặng quà. Ảnh: S.THAO

Những địa chỉ này còn là nơi “sưởi ấm” cho người già, tiếp bước cho trẻ em được đến trường để nuôi dưỡng hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.

* Giúp trẻ được đến trường

Sinh viên K.A. đang học năm 2 chuyên ngành Bác sĩ thú y của một trường đại học tại Đồng Nai. Từ nhỏ, K.A. đã sống tại Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa). Với sự chăm lo, hỗ trợ của cơ sở và nỗ lực của bản thân, K.A. đã nỗ lực học tập để hy vọng sau này có cơ hội tự chủ trong cuộc sống.

Còn em N.K.H., đang là học sinh lớp 3 Trường tiểu học Tam Phước 1, vào Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình từ khi mới mấy tháng tuổi. “Em được đi học. Các cô ở cơ sở dạy em những điều hay lẽ phải. Đôi khi em ham chơi quên học, các cô và các anh chị lớn hơn dạy em không được như vậy, vì học kém sẽ bị bạn bè chê cười, học hành không đến nơi đến chốn” - em H. nói.

14 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp phép hoạt động trên địa bàn Đồng Nai đang chăm sóc cho khoảng 1,2 ngàn người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Phan Thị Nhan, Phó giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình, cơ sở có giấy phép hoạt động từ năm 2009. Ban đầu cơ sở có 78 cô nhi, đến nay có 176 trẻ. Bé nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi, còn lớn nhất đang là sinh viên năm 2. Ban đầu trẻ ở cơ sở đọc viết rất tốt nhưng khả năng giao tiếp của các em hạn chế. Do vậy, khi được đi học ở các trường, lúc đầu trẻ đều rụt rè. Những trường hợp như vậy, các cô phải theo dõi để động viên, khuyến khích các cháu mạnh dạn hơn. Nhiều trẻ nhờ nỗ lực của bản thân thông qua hỗ trợ của cơ sở đã vươn lên trong học tập. Từ năm 2009 đến nay, đã có 34 em đã trưởng thành, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học và lập gia đình.

Còn em B.T.T.Đ. sống tại Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Phan Sinh (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) từ năm 2 tuổi. B.T.T.Đ. đang học lớp 4. “Con rất thích đi học. Các ông bà, cô chú, anh chị thay phiên đưa đón con đến trường. Khi tan học về, mọi người còn kèm con đọc viết, làm toán” - em B.T.T.Đ. nói.

Theo ông Bùi Văn Châu, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Phan Sinh, nơi đây đang chăm sóc gần 200 trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa đang mắc các bệnh hiểm nghèo. Các em trong độ tuổi đến trường, điều kiện sức khỏe và thể chất đảm bảo đều được tạo điều kiện đi học với mong muốn sau này tương lai của từng em sẽ tốt hơn.

* Nơi nương tựa ở tuổi xế chiều

Các cơ sở bảo trợ còn là nơi nương tựa khi về già của nhiều người cao tuổi kém may mắn. Trong đó, Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (H.Trảng Bom) đang nuôi dưỡng trên 100 cụ già neo đơn đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Các cô tại Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cắt tóc cho một trẻ mới 2 tháng tuổi vừa được tiếp nhận
Các cô tại Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cắt tóc cho một trẻ mới 2 tháng tuổi vừa được tiếp nhận

Theo nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên, những người đang được chăm sóc tại đây đều mắc các bệnh của tuổi già. Trước khi đến với cơ sở, họ có cuộc sống rất khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Do vậy, việc chăm sóc người già ở trung tâm gặp nhiều khó khăn, song mỗi người đều cố gắng. Người già còn khỏe mạnh cũng tham gia cùng những người phụ trách công việc tại cơ sở trong việc hỗ trợ cho người yếu sức hơn.

Ngoài ra, để đảm bảo quá trình hoạt động của cơ sở, việc đảm bảo kinh phí hoạt động là điều rất quan trọng. Các thành viên của cơ sở bảo trợ xã hội tự trồng các loại rau, đậu, trái cây, nuôi cá trên diện tích đất hiện có của cơ sở, đồng thời tiếp nhận đóng góp từ các cá nhân, tổ chức. Từ đó, việc chăm lo hoàn toàn miễn phí cho người cao tuổi kém may mắn diễn ra suôn sẻ.

Bà Phan Thị Nhan cho biết, ngoài trẻ em thì hiện Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình đang chăm sóc 24 người cao tuổi, trong số này có nhiều trường hợp đã trên 90 tuổi. Với số lượng trẻ em và người già lên đến hơn 200 người, trong khi chỉ có 18 người phụ trách, công việc mà mỗi người đảm nhận rất nhiều, nhất là chăm sóc những người già mắc nhiều bệnh. Tuy nhiên, ai cũng cố gắng để các cụ khi đã vào sống tại đây được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất.

Bà Võ Thị Phẩm (gần 90 tuổi) đã sống tại Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình hơn 10 năm qua bày tỏ: “Trước đây, tôi không có ai để nương tựa nên ăn uống không người lo, ngủ nghỉ không có nơi yên thân. Nhưng may mắn khi vào cơ sở mọi việc tốt lên rất nhiều. Ở đây có phòng riêng, việc ăn ngủ đúng giờ, ốm đau có người chăm sóc. Đây là niềm vui rất lớn trong những năm tháng cuối đời đối với người già kém may mắn như tôi”.

Sông Thao

Tin xem nhiều