Theo ThS-BS Trần Thanh Nhựt, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh động mạch vành (ĐMV) hay còn gọi là bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ (thiếu máu cơ tim), là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, là nguyên gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, bệnh ĐMV có xu hướng gia tăng cao, xuất hiện ở cả người trẻ tuổi.
Theo ThS-BS Trần Thanh Nhựt, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh động mạch vành (ĐMV) hay còn gọi là bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ (thiếu máu cơ tim), là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, là nguyên gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, bệnh ĐMV có xu hướng gia tăng cao, xuất hiện ở cả người trẻ tuổi.
Bệnh nhân V.Đ.S. đang được điều trị phục hồi sau phẫu thuật đặt stent tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Lê |
Nguyên nhân bệnh là do mạch máu vành tim bị nghẽn bởi các mảng xơ vữa, dẫn đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Lưu lượng máu và oxy đến tim giảm gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và tổn thương vĩnh viễn ở tim. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong do tim ngừng đập.
* Mỗi ngày tiếp nhận 5-10 ca bệnh
Mới đây, ông V.Đ.S. (76 tuổi, ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) nhập viện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng khó thở, đau tức vùng ngực. Qua thăm khám, khai thác tiền sử và siêu âm tim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị bệnh mạch vành nên đã được chỉ định phẫu thuật.
ThS-BS Trần Thanh Nhựt cho biết, đây là một ca bệnh khá hy hữu do bệnh nhân bị tắc tới 2 vị trí và phải tiến hành đặt 2 stent ở 2 vị trí khác nhau trên 1 động mạch. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch sau phẫu thuật, nhưng hiện 1 động mạch khác cũng đã bị thuyên tắc tới 90%. Do sức khỏe bệnh nhân yếu nên đang được điều trị phục hồi theo dõi, nếu bệnh nhân khỏe sẽ tiến hành cho đặt stent còn lại.
Hiện mỗi ngày Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ khoảng 5-10 bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Với số lượng 15 giường bệnh, tại Khoa hầu như lúc nào cũng kín bệnh nhân điều trị, trong đó ghi nhận một số bệnh nhân chỉ khoảng 30 tuổi và số còn lại đa số trên 60 tuổi.
* Thực hiện lối sống lành mạnh để phòng bệnh
ThS-BS Trần Thanh Nhựt cho hay, để phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh động mạch vành tốt hơn, người dân cần có một lối sống lành mạnh.
BSCKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khuyến cáo: “Nếu bệnh nhân vào bệnh viện càng sớm thì bác sĩ sẽ tái thông mạch máu càng sớm, giúp hạn chế các biến chứng và tỷ lệ tử vong, thời gian tốt nhất là trước 3 tiếng kể từ khi có dấu hiệu bệnh. Đây gọi là thời gian vàng trong cấp cứu nhồi máu cơ tim”. |
Theo đó, với những người chưa bị bệnh hoặc đã bị bệnh cần bỏ ngay thuốc lá, không sử dụng rượu, bia; ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt… và giảm ăn mặn, thực phẩm nhiều dầu mỡ. Luyện tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, yoga, ngồi thiền… đều đặn 30 phút mỗi ngày. Nếu thừa cân, béo phì nên tham vấn ý kiến bác sĩ để giảm về số cân nặng lý tưởng. Thư giãn, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng kéo dài. Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ về các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu. Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường ở tim cũng như những căn nguyên tiềm ẩn gây bệnh tim mạch vành.
Với những người đã bị bệnh động mạch vành, nên ăn các thực phẩm chống oxy hóa, giảm viêm như: trái cây có nhiều màu sắc, ngũ cốc nguyên hạt, dầu mè, dầu oliu, dầu đậu nành; các loại cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ giàu Omega-3 có khả năng chống viêm cao. Ăn nhiều rau xanh như: súp lơ, cải bó xôi, rau bina, cải xoăn và các thực phẩm giúp tăng cường lưu thông máu như: gừng, tỏi, hành tây và các loại trái cây như: nho, việt quất, dâu tây… đều chứa nhiều salicylate - chất ngăn ngừa hình thành cục máu đông và thúc đẩy quá trình lưu thông máu.
Đặc biệt, người bệnh mạch vành nên ưu tiên các món hấp, luộc, rau trộn thay vì chiên, xào. Ngoài ra, cũng nên hạn chế dùng bơ, sốt mayonnaise, muối, bột canh trong chế độ ăn uống mỗi ngày.
Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu nhận biết sớm nhất và là triệu chứng điển hình của bệnh động mạch vành. Đau có thể thoáng qua, gây khó thở nhưng có khi bó chặt, thắt nghẹt, đè ép trong lồng ngực, người bệnh có cảm giác như dao đâm vào ngực hay đá đè lên ngực. Thời gian cơn đau xuất hiện thường rất ngắn, 10-30 giây hoặc vài phút. Một số trường hợp, cơn đau kéo dài trên 15 phút, kèm theo triệu chứng khác như: hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở. Khi các cơn đau thắt ngực xuất hiện cần nghỉ ngơi ngay lập tức và người nhà cần đưa người bệnh tới bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để chẩn đoán xem có phải bệnh nhân bị bệnh động mạch vành hay nhồi máu cơ tim cấp.
Hoàn Lê