Để tạo thêm nguồn lực phục vụ nhu cầu cho vay vốn tín dụng chính sách đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng liên quan theo quy định, thời gian qua, ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) đã triển khai việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các nguồn lực xã hội.
Để tạo thêm nguồn lực phục vụ nhu cầu cho vay vốn tín dụng chính sách đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng liên quan theo quy định, thời gian qua, ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) đã triển khai việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các nguồn lực xã hội.
Người dân thực hiện giao dịch tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất trong ngày 11-3. Ảnh: S.Thao |
Việc làm này đã thu hút được sự quan tâm, chung tay của các tầng lớp nhân dân. Tuy tổng giá trị còn thấp song nhờ “tiền gửi nhân ái” đã có thêm nhiều hộ gia đình khó khăn được tiếp cận nguồn vốn chính sách.
* Tiền gửi nhân ái
Nhiều năm qua, bà Phù Sau Kín (ngụ P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) là khách hàng thường xuyên gửi tiền tiết kiệm đến Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Long Khánh. “Số tiền tôi gửi từ 300-400 triệu đồng. Kỳ hạn gửi của tôi tùy thuộc vào thời gian có tiền nhàn rỗi của gia đình. Lãi suất tôi nhận được từ ngân hàng CSXH bằng với các ngân hàng thương mại khác, song không có các chính sách khuyến mãi hay quà tặng. Nhưng điều đó không là vấn đề lớn, bởi thông qua tìm hiểu tôi được biết, số tiền mình gửi sẽ được hệ thống ngân hàng CSXH sử dụng để cho người nghèo, người cận nghèo, gia đình khó khăn vay với lãi suất thấp để tự tạo việc làm, lo cho con cháu đi học… Vì vậy, khi gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng CSXH, tôi vừa lấy lãi, vừa có thể giúp người khác” - bà Kín nói.
Theo ông NGUYỄN ĐỨC HẢI, Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam kiêm Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai, số lượng tổ viên có số dư tiền tiết kiệm đạt trên 99%. Tuy nhiên, tỷ lệ tổ viên duy trì thường xuyên việc tiết kiệm định kỳ hằng tháng chỉ đạt 70%. Điều này tiềm ẩn những khó khăn trong việc trả nợ khi đến hạn, nhất là những hộ gia đình dư nợ lớn do vay vốn nhiều chương trình. |
Ông Hồ A Phóng (ngụ P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) cho biết, cách đây vài năm, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo và được vay vốn từ ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ lao động, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định và dành dụm được khoản tiền nhàn rỗi.
Ông Phóng chia sẻ: “Khi hiểu được ý nghĩa của việc gửi tiền tiết kiệm thông qua ngân hàng CSXH từ những người đi trước, nhất là bản thân từng được hưởng lợi từ tín dụng chính sách nên tôi đang tiến hành làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng CSXH. Tôi mong tiền gửi của mình sẽ có thể giúp cho nhiều người được tiếp cận vốn ưu đãi”.
Cùng với thu hút những người không vay vốn gửi tiết kiệm, chương trình này còn trực tiếp khuyến khích người vay vốn của ngân hàng CSXH gửi tiết kiệm hằng tháng để thuận lợi trả nợ theo thời gian.
Bà Tạ Thị Nở, Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm ấp Bạch Lâm 2 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) cho hay: “Tổ do tôi phụ trách hiện có 60 thành viên vay vốn. Tùy theo khả năng mà hằng tháng mỗi người gửi tiết kiệm từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng. Đến nay, tổng tiền tiết kiệm của tổ viên là 120 triệu đồng. Mọi người đều rất phấn khởi vì vừa được nhận lãi từ tiền gửi, vừa góp sức vào việc tạo nguồn giúp ngân hàng CSXH có vốn cho người khó khăn như mình vay vốn”.
* Khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm
Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam kiêm Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Đức Hải, năm 2021, tất cả 2.382 tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý trên địa bàn tỉnh đều có số dư tiền gửi tiết kiệm. Song số tiền bình quân chỉ ở mức 3,2 triệu đồng/người. Ngoài ra, tỷ lệ tổ viên gửi tiết kiệm thường xuyên, định kỳ hằng tháng chỉ đạt 70% tổng số người vay tín dụng chính sách.
Cùng với đó, việc người dân chưa quan tâm, chưa tiếp cận thông tin và hiểu rõ về chương trình gửi tiết kiệm của hệ thống ngân hàng CSXH cũng là một hạn chế làm cho nguồn tiền gửi tiết kiệm đến với ngân hàng còn thấp.
Tổng số tiền huy động tiết kiệm được từ chương trình Tiền gửi nhân ái hiện có hơn 354,7 tỷ đồng. Với bình quân mỗi hộ được vay 53 triệu đồng thì số tiền này đang giúp cho gần 6,7 ngàn trường hợp tiếp cận nguồn vốn chính sách. |
Ông Nguyễn Hoàng Minh Nhựt, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Đức Long 3 (xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất) nói: “Tổ do tôi quản lý có 49 thành viên. Sau hơn 2 năm thành lập, hiện tổ chưa có thành viên nào tham gia gửi tiết kiệm. Trong thời gian tới, việc này sẽ được tuyên truyền để các thành viên chủ động gửi tiết kiệm hằng tháng”.
Nhằm khắc phục những hạn chế đang gặp phải trong việc huy động tiền gửi tiết kiệm, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, theo ông Nguyễn Đức Hải, quý I-2022, Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức đợt huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm của hội viên. Việc này nhằm tập trung sự đóng góp, chung tay của hội viên các tổ chức nhận vốn ủy thác để tạo thành hoạt động thường xuyên trong nâng cao chất lượng hoạt động gửi tiết kiệm. Song song đó, hệ thống ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình tiền gửi tiết kiệm lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, mỗi tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cần chủ động huy động nguồn vốn ủy thác từ các cơ quan, đơn vị, đoàn viên, hội viên nhằm tăng tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm, qua đó đáp ứng nhu cầu vay vốn chính sách của người dân. Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hữu Thiện cho hay, đây là điều cần được mỗi tổ chức nhận vốn ủy thác, người vay chủ động thực hiện thường xuyên và liên tục.
Văn Truyên