Môi trường lao động luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tai nạn thương tích đối với người lao động (NLĐ).
Môi trường lao động luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tai nạn thương tích đối với người lao động (NLĐ).
Nhân viên Khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học, CDC Đồng Nai đo tiếng ồn tại Nhà máy gia công sắt thép Công ty TNHH Hogetsu Việt Nam (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Sao Mai |
Việc thực hiện quan trắc môi trường lao động (QTMTLĐ) định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ, yếu tố có hại nơi làm việc. Từ đó, giúp các doanh nghiệp (DN) có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, giúp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
* Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ
Tại Công ty TNHH Hogetsu Việt Nam (H.Nhơn Trạch), vấn đề bảo đảm môi trường làm việc cũng như sức khỏe cho NLĐ luôn được công ty quan tâm. Hằng năm, ngoài việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, công ty còn phối hợp với các đơn vị y tế thực hiện lấy mẫu quan trắc môi trường nơi làm việc như: ánh sáng, tiếng ồn, bụi... Nếu vị trí làm việc nào chưa đạt, công ty luôn có giải pháp cải thiện nhằm tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. “Dù công việc vất vả nhưng được sự quan tâm, thăm hỏi từ lãnh đạo công ty nên chúng tôi rất yên tâm khi làm việc ở đây” - một công nhân làm việc trong công ty cho biết.
Ông Lê Trung Tín, Giám đốc Nhà máy gia công sắt thép thuộc Công ty TNHH Hogetsu Việt Nam cho hay, công ty luôn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho NLĐ, cải tạo và xây dựng thêm các xưởng mới để bố trí chỗ làm phù hợp, nhằm hạn chế các rủi ro cho NLĐ. Công ty thường xuyên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) và các đơn vị y tế khác tổ chức khảo sát, quan trắc các yếu tố về môi trường lao động như: ánh sáng, bức xạ nhiệt, khí độc, bụi…; nếu nơi nào chưa đảm bảo, công ty sẽ có giải pháp giảm thiểu các tác hại đối với NLĐ. Bên cạnh đó, công ty còn mời các chuyên gia về chia sẻ những kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động nơi làm việc. Trong những buổi nói chuyện, các chuyên gia sẽ đưa ra những trường hợp tai nạn lao động đã xảy ra ở các công ty khác để công nhân rút kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình làm việc. Ngoài ra, công ty luôn chú trọng việc khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh thường gặp, kịp thời điều trị cho NLĐ.
“Công ty luôn đặt ra mục tiêu “3 không”, đó là không xảy ra tai nạn lao động, không có NLĐ bị thương và tử vong. Vì sản xuất là để phục vụ con người, nếu con người xảy ra việc gì trong quá trình làm việc thì sẽ không có ý nghĩa” - ông Tín nói.
ThS Đặng Ngọc Hoàng, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học, CDC Đồng Nai cho hay, môi trường làm việc của NLĐ bao gồm nhiều yếu tố như: vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió); ánh sáng, bức xạ nhiệt, tiếng ồn, rung chuyển, bụi, khói, hơi khí độc, hóa chất… Chúng luôn tồn tại trong môi trường làm việc, do đó cần thường xuyên tổ chức đo kiểm nhằm quản lý được môi trường làm việc, phát hiện ra những yếu tố nguy cơ, các tác hại nghề nghiệp để cải thiện điều kiện làm việc hoặc trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho NLĐ. Mặt khác, thông qua đó cũng đánh giá mức độ tiếp xúc, đồng thời là cơ sở để thực hiện chế độ phụ cấp độc hại cho nhân viên, NLĐ.
* Cần thực hiện QTMTLĐ định kỳ
ThS Hoàng cho hay, theo Luật An toàn vệ sinh lao động, QTMTLĐ là việc bắt buộc đối với các đơn vị trong quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng NLĐ. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều công ty chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề này, nhiều DN lo ngại về kinh phí, phần thì nghĩ rằng chỉ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ là đủ.
Thực tế cho thấy, việc khám sức khỏe định kỳ là phát hiện, tầm soát một số bệnh NLĐ mắc phải, còn QTMTLĐ giúp phát hiện nơi làm việc luôn tiềm ẩn các mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe và tai nạn thương tích. Từ đó, giúp chủ DN nắm bắt được các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của công ty và qua đó giúp cơ quan quản lý có số liệu thực tế về việc đảm bảo môi trường làm việc cho lao động mà công ty nêu ra trong hồ sơ vệ sinh lao động.
Theo ThS Hoàng: “Nếu NLĐ tiếp xúc thường xuyên với yếu tố nguy cơ, tác hại nghề nghiệp vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe, hoặc nặng hơn có thể mắc các bệnh nghề nghiệp, bệnh ung thư… tùy vào thời gian tiếp xúc và mức độ độc hại tại nơi làm việc. Do đó, đòi hỏi các công ty hằng năm hoặc khi cần thiết phải thực hiện QTMTLĐ. Đây là việc làm cần thiết nhằm phát hiện sớm các nguy cơ, kịp thời có biện pháp kiểm soát phòng tránh tai nạn, thương tích và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ”.
Năm 2021, CDC Đồng Nai đã thực hiện QTMTLĐ cho 109 đơn vị với tổng số hơn 14 ngàn mẫu đo. Qua xét nghiệm, phân tích cho thấy, có 763 mẫu chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định về môi trường làm việc; trong đó, tập trung chủ yếu là ánh sáng, ồn, nhiệt độ và bụi. Từ những kết quả này, CDC Đồng Nai đã có kiến nghị đến các DN để có giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo môi trường an toàn làm việc cho NLĐ, giúp tăng năng suất và hiệu quả làm việc. |
Sao Mai