Khi học sinh trở lại học trực tiếp cũng là thời điểm các trường bắt đầu thu một số khoản đóng góp của phụ huynh để duy trì hoạt động. Do cách làm mỗi trường khác nhau nên không ít phụ huynh thắc mắc, cho rằng nhà trường lạm thu.
Khi học sinh trở lại học trực tiếp cũng là thời điểm các trường bắt đầu thu một số khoản đóng góp của phụ huynh để duy trì hoạt động. Do cách làm mỗi trường khác nhau nên không ít phụ huynh thắc mắc, cho rằng nhà trường lạm thu.
Để duy trì chất lượng dạy và học luôn cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Trong ảnh: Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Xuân Lộc) trở lại dạy - học trực tiếp. Ảnh: C.Nghĩa |
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, để không rơi vào tình trạng lạm thu trong trường học, các trường phải bám sát vào quy định của ngành, ngoài những khoản thu bắt buộc, những khoản thu trên tinh thần “tự nguyện” phải thực sự tự nguyện chứ không phải hình thức.
* Cần minh bạch
Chị N.T.Th., phụ huynh có con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) mới đây đã phản ảnh lên fanpage của Sở GD-ĐT về việc nhà trường yêu cầu đóng nhiều khoản, trong đó có bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền mua tivi, tiền vệ sinh, quỹ cha mẹ học sinh, quỹ lớp, tiền sổ liên lạc điện tử… Phụ huynh này cho rằng: “Học trường công lập có Nhà nước lo hết từ đầu đến cuối, sao nhà trường còn bắt phụ huynh đóng góp nhiều khoản như vậy? Liệu có trong quy định nào không?
Trao đổi về phản ảnh của phụ huynh, hiệu trưởng trường này cho biết, trong học kỳ 1 nhà trường không thu bất cứ một khoản nào vì học sinh phải học trực tuyến. Nhưng bước sang học kỳ 2, khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, nhà trường phải có các khoản thu nhất định để trang trải cho các hoạt động của nhà trường. Thực tế là trường công nhưng không phải cái gì Nhà nước cũng “lo hết” theo cách hiểu của phụ huynh. Có thể do phụ huynh chưa hiểu hết được mục đích của từng khoản thu dẫn tới có thông tin phản ảnh chưa chính xác. Nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu được mục đích thu của từng khoản để phụ huynh hiểu và tạo sự đồng thuận.
Đối với bậc tiểu học, Nhà nước quy định không thu học phí. Nhưng có một số khoản thu khác nhà trường tiến hành thu như: tiền vệ sinh (50 ngàn đồng/học sinh/năm học (bắt buộc), tiền sổ liên lạc điện tử (60 ngàn đồng/học sinh/năm học), tiền quỹ hội phụ huynh học sinh (200 ngàn đồng/học sinh/năm học). Riêng tiền quỹ phụ huynh thì thu trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh có thể đóng hoặc cũng có thể không. Khoản thu này được thu và trang trải chủ yếu cho hoạt động thi đua - khen thưởng học sinh. Bởi, nếu dựa vào nguồn của nhà trường để khen thưởng cho học sinh thì rất khó, vì số tiền để in giấy khen, khung giấy khen, tập vở, tiền thưởng mỗi năm không nhỏ.
* Chia sẻ với nhà trường
Theo nhiều hiệu trưởng các trường công lập, hằng năm ngân sách nhà nước cấp cho các khoản chi thường xuyên của nhà trường không lớn. Ngoài lương giáo viên thì nhiều khoản chi khác cũng phải rất tiết kiệm mới đủ. Do đó, nhà trường rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh đối với nhà trường ở một số khoản thu nhất định.
Trong học kỳ 1 năm học 2021-2022, học sinh các trường mầm non, phổ thông công lập được miễn học phí do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19. Đối với học sinh các trường phổ thông tư thục được cấp bù học phí bằng với học sinh trường công lập nhằm chia sẻ một phần khó khăn của phụ huynh. Theo hướng dẫn mới của Sở GD-ĐT, học kỳ 2 này, trẻ em mầm non công lập sẽ thu 4 tháng học phí, từ tháng 2-5; học sinh khối phổ thông công lập sẽ thu học phí 5 tháng, từ tháng 2-6. Mức học phí sẽ theo quy định của UBND tỉnh ban hành tùy theo từng bậc học và vùng theo quy định. Riêng với bậc tiểu học sẽ không phải đóng học phí do tỉnh có quy định không thu học phí với bậc tiểu học. |
Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết, đầu học kỳ 2 nhà trường bắt đầu thu một số khoản như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn theo quy định. Ngoài ra, nhà trường cũng cân nhắc một số khoản thu dựa trên nhu cầu thực tế và thời gian còn lại của năm học. Đơn cử như tiền vệ sinh là 18 ngàn đồng/học sinh/tháng (chỉ thu 3 tháng của học kỳ 2). Đối với quỹ phụ huynh, nhà trường vẫn thu trên tinh thần tự nguyện với mức 100 ngàn đồng/học sinh.
Trong khi đó, cô Trịnh Thi Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Học phí hằng tháng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn là những khoản thu bắt buộc với học sinh. Còn các khoản thu khác, nhà trường luôn xem xét rất cẩn trọng khi thu, vì một số khoản thu thường được phụ huynh xem là “nhạy cảm” dễ phát sinh khiếu nại. Hiện nay, các lớp đều đã có tivi phục vụ học tập, hệ thống camera quan sát các lớp học và nhiều vị trí trong trường phục vụ cho công tác quản lý. Những thiết bị này không phải do nhà trường bắt buộc phụ huynh phải đóng góp mà chủ yếu là vận động một số phụ huynh có điều kiện tự nguyện đóng góp và nhiều học sinh cha mẹ không có điều kiện đóng góp cũng được hưởng lợi từ những trang thiết bị này”.
Anh Đinh Ngọc Giao, phụ huynh học sinh Trường THCS Hồ Thị Hương (TP.Long Khánh) cho rằng, nhà trường cần giải thích rõ khi thu các khoản nhằm tạo sự đồng thuận trong số đông phụ huynh. Vào cuối năm học, nhà trường phải công khai, minh bạch những khoản thu đã được chi vào những việc gì. Nếu khoản thu nào cũng được sử dụng đúng mục đích, công khai minh bạch, vì học sinh thì phụ huynh luôn sẵn sàng chia sẻ, bởi không thể tất cả đều mong chờ từ ngân sách nhà nước”.
Ông Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết thêm, ngay khi bước vào học kỳ 2, Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh về quy định thu học phí, đồng thời lưu ý các trường về xây dựng kế hoạch các khoản thu. Các nhà trường cần công khai, minh bạch những khoản được thu cho phụ huynh nắm rõ và thực hiện. Đối với những khoản thu khác, các nhà trường cần cân nhắc về mức độ thật sự cần thiết. Đặc biệt, khi thu phải có bàn bạc, xin ý kiến của phụ huynh, phụ huynh đồng tình, tự nguyện mới được thu và trong quá trình sử dụng phải đúng, minh bạch và công khai cho phụ huynh biết.
“Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các khoản thu nộp trong trường học đầu học kỳ 2 để đảm bảo thu đúng, thu đủ và sử dụng đúng mục đích, tránh hiện tượng lạm thu trong trường học” - ông Linh cho hay.
Công Nghĩa