Kỹ sư Phạm Ánh Phương, Phụ trách cơ giới Tổng công ty Cao su Đồng Nai là người đam mê, nhiệt huyết trong công việc. Anh đã nghiên cứu, chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc phục vụ cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc cây cao su. Việc áp dụng các loại máy móc này đã giúp Tổng công ty Cao su Đồng Nai giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân lực trong ngành cao su hiện nay.
Kỹ sư Phạm Ánh Phương, Phụ trách cơ giới Tổng công ty Cao su Đồng Nai là người đam mê, nhiệt huyết trong công việc. Anh đã nghiên cứu, chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc phục vụ cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc cây cao su. Việc áp dụng các loại máy móc này đã giúp Tổng công ty Cao su Đồng Nai giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân lực trong ngành cao su hiện nay.
Kỹ sư Phạm Ánh Phương, Phụ trách cơ giới Tổng công ty Cao su Đồng Nai nhận giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai với giải pháp Thiết bị 4 trong 1. Ảnh: Hải Yến |
Năm 2021, anh Phương đã xuất sắc giành giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai với giải pháp Thiết bị 4 trong 1 (phá thành hố khoan, đảo trộn phân, lấp hố và lên luống hàng trồng cây cao su).
* Sáng chế thiết bị liên hợp 4 trong 1
Là kỹ sư chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, lại có nhiều năm gắn bó với vườn cây cao su, anh Phương luôn trăn trở để nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình trồng và chăm sóc cây cao su.
“Phải nắm được thổ nhưỡng, nguồn nước, không khí, tập quán canh tác của người lao động, nhu cầu của người lao động, nhu cầu của đất, nhu cầu của cây… là những yếu tố, cơ sở quan trọng để tôi sáng chế ra thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn” - anh Phương chia sẻ về công việc của mình.
Trước khi sử dụng máy móc, quy trình chuẩn bị đất để trồng cây cao su bao gồm 9 công đoạn: dọn dẹp thực bì, cày phục hoang, phóng nọc điểm trồng, khoan hố trồng cây, phá thành hố khoan, bón lót, đảo trộn phân và lấp hố, trồng cây cao su, lên luống hàng trồng. Trong đó, công đoạn cày phục hoang, khoan hố và lên luống hàng trồng được thực hiện bằng máy nông nghiệp, 6 công đoạn còn lại đều được thực hiện hoàn toàn bởi các lao động thủ công.
Từ quan sát thực tiễn và nghiên cứu, tìm tòi, năm 2016, anh Phương bắt đầu đưa ra ý tưởng sáng chế Thiết bị 4 trong 1 để sử dụng trong quy trình chuẩn bị đất trồng cây. Từ ý tưởng ban đầu, anh cùng với các cộng sự bắt tay vào thực hiện. Năm 2017, phiên bản máy 4 trong 1 đầu tiên ra đời, sau đó liên tục được cải tiến và hoàn thiện.
Theo đó, thiết bị liên hợp 4 trong 1 này có thể thực hiện cùng lúc 4 công đoạn trong quy trình chuẩn bị đất trồng cây cao su bao gồm: phá thành hố khoan để trồng cây cao su, đảo trộn phân trong hố, lấp hố và đồng thời lên luống hàng trồng cây cao su.
Với việc áp dụng thiết bị này, quy trình chuẩn bị đất được rút ngắn xuống còn 6 công đoạn gồm: dọn dẹp thực bì, phóng nọc điểm trồng, khoan hố trồng cây, bón lót, sử dụng máy 4 trong 1, trồng cây cao su. Anh Phương giải thích: “Về mặt kỹ thuật, dàn chảo cày không lật đất nhằm giảm thiểu việc xới xáo ảnh hưởng đến cấu trúc đất. Sử dụng cày ngầm một trụ có thể cày đến độ sâu 40cm, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Phương pháp này giúp giảm công đoạn cày phục hoang, thay vào đó là cày ngầm trên hàng trồng, phần diện tích còn lại sẽ được thực hiện khi trồng thảm phủ hoặc cày chăm sóc theo quy định. Khi máy đi qua, đất đai sẽ được tơi xốp, thông thoáng bảo đảm không khí, nước, dinh dưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra, giúp cây cao su sinh trưởng tốt ngay trong năm đầu”.
Công suất của máy 4 trong 1 này lên đến 15ha/ngày, có thể thay thế cho khoảng 30 lao động thủ công. Với tổng diện tích hơn 1.200ha, năm 2020, thiết bị này đã góp phần tiết kiệm cho Tổng công ty Cao su Đồng Nai hơn 1,2 tỷ đồng.
* Thêm triển vọng cho ngành cao su
Ngoài thiết bị 4 trong 1, trong năm 2020, anh Phương cùng các cộng sự đã hoàn thành chế tạo, đưa vào sử dụng thiết bị bón phân lót hố trồng cây cao su tự động. Thiết bị này đã khắc phục những khuyết điểm công tác bón phân thủ công trước đây. Theo đó, thiết bị có thể trộn đều, tán nhuyễn các loại phân cần bón nhờ bơm thủy lực và mô tơ nhớt. Số lượng phân bón cho mỗi hố trồng cao su được định lượng chính xác bằng buồng định lượng phân có thiết kế dung tích vừa đủ cho từng hố trồng.
Kỹ sư Phạm Ánh Phương (phải) hướng dẫn nhân viên kỹ thuật trong quá trình chế tạo thiết bị. Ảnh: Hải Yến |
Thiết bị bón phân hoạt động với công suất từ 10-15ha/ngày, giúp thay thế cho khoảng 26-39 lao động thủ công. Bên cạnh đó, việc bón đúng định lượng quy định trên các hố trồng không những giúp người lao động hạn chế đi lại trên vườn cây mà còn giúp giảm bớt được lực lượng quản lý, giám sát trên vườn cây.
Những năm gần đây, để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, nhất là lao động trong lĩnh vực trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã chủ động đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy móc thiết bị cơ giới hóa trên vườn cây để tăng năng suất lao động, tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích.
Hiện tại, tổng công ty có hơn 200 nhân viên kỹ thuật. Các nông trường đều có phân xưởng phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Riêng tại xưởng trung tâm có hơn 10 cán bộ, nhân viên kỹ thuật, có đầy đủ thiết bị phục vụ nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng các máy móc cơ giới, phục vụ trồng, chăm sóc cây cao su.
Được biết, hiện nay có khoảng 10 loại máy móc đang được ứng dụng trong trồng, chăm sóc cây cao su như: máy thổi lá, máy phun lá (đưa thuốc, đưa dinh dưỡng đến tận chồi, ngọn nhằm tạo chất lượng cho tán lá), máy bón phân, xới đất… Mục tiêu của tổng công ty là có 80-90% công đoạn sử dụng máy móc, các công đoạn còn lại sử dụng nhân công có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao.
Nghiên cứu, chế tạo máy cạo mủ Theo định hướng về cơ giới hóa sản xuất, trong thời gian tới, Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ tiếp tục tuyển dụng kỹ sư có trình độ năng lực cao, hợp tác với viện, trường để nghiên cứu, chế tạo máy cạo mủ cao su. Khi đó, thay vì phải lo lắng thiếu hụt lực lượng công nhân cạo mủ, tổng công ty sẽ sử dụng lực lượng bảo vệ máy, bảo dưỡng, sửa chữa máy. |
Hải Yến