TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, do đó những người có nguy cơ như hút thuốc lá nên đi tầm soát, kiểm tra xem có bị ung thư phổi hay không.
TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, do đó những người có nguy cơ như hút thuốc lá nên đi tầm soát, kiểm tra xem có bị ung thư phổi hay không. Vì ung thư phổi nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ sẽ kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, còn ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và thời gian sống của bệnh nhân chỉ tính bằng tháng.
Bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang thăm khám cho bệnh nhân T.K.C. Ảnh: S.Mai |
* Kéo dài thời gian sống nếu phát hiện sớm bệnh
Theo thống kê của Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cứ 10 bệnh nhân ung thư phổi thì có 1-2 bệnh nhân được phẫu thuật điều trị vì phát hiện sớm, còn lại đều ở giai đoạn cuối dẫn đến điều trị khó khăn và tiên lượng bệnh xấu. Phần lớn những bệnh nhân vào thường ở độ tuổi 50-70 và chủ yếu có tiền sử hút thuốc lá.
Đơn cử trường hợp ông T.K.C. (74 tuổi, ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) có tiền sử hút thuốc hơn 60 năm. Cách đây 5 năm, ông thấy khó chịu ở sau lưng, thi thoảng có cảm giác giật giật ở ngực rất khó chịu nên người nhà đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kiểm tra. Tại đây, ông được chẩn đoán có khối u phổi bên phải, cần nhập viện phẫu thuật để điều trị. Đến nay, sau 5 năm, ông lại xuất hiện những cơn ho kéo dài, kèm theo khó chịu ở ngực bên trái nên quay lại bệnh viện khám. Qua thăm khám, bác sĩ yêu cầu ông phải nhập viện theo dõi, điều trị.
TS-BS Võ Tuấn Anh cho hay, do bệnh nhân C. được tầm soát phát hiện sớm và được phẫu thuật nên thời gian sống kéo dài và trong vòng 5 năm không tái phát bệnh. Để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, Khoa đang hội chẩn với Khoa Ung bướu cho bệnh nhân chụp MR não, CT bụng, làm các xét nghiệm khác… Nếu kết quả khối u chưa di căn sang các nơi khác, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiếp tục xạ trị, hóa trị.
“Thời gian qua, khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng vào nhập viện điều trị, những trường hợp này thường không còn khả năng để phẫu thuật. Chúng tôi trăn trở rất nhiều và không biết làm cách nào để bệnh nhân của mình được phát hiện, điều trị sớm, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Bởi việc tầm soát phát hiện sớm rất quan trọng, vì nó đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị, cụ thể như trường hợp bệnh nhân C.” - TS-BS Tuấn Anh nói.
* Không hút thuốc lá để phòng bệnh
TS-BS Võ Tuấn Anh cho hay, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, nhưng khi bệnh nhân có dấu hiệu như: khó thở, tức ngực, ho ra máu thì bệnh đã trở nặng. Bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ cần vài tháng là bệnh đã chuyển sang giai đoạn khác. Nếu người bệnh được tầm soát, phát hiện sớm từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3A có thể phẫu thuật, kéo dài thời gian sống của bệnh nhân và trong vòng 5 năm bệnh không tái phát. Còn phát hiện ở giai đoạn 3B, 3C đến giai đoạn 4, tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác, không còn khả năng để phẫu thuật, tiên lượng bệnh nhân sẽ xấu dần, sức khỏe yếu và thời gian sống chỉ tính bằng tháng.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi phổ biến nhất hiện nay đó là người bệnh hút thuốc lá, hút thuốc lá càng nhiều, càng sớm thì nguy cơ dẫn đến ung thư phổi càng cao. Đối với những trường hợp hút thuốc lá nhiều, 1 ngày 1 gói và có tiền sử hút thuốc lá trên 25 năm nên đi tầm soát để biết được bản thân có bị ung thư phổi hay không. Bên cạnh đó, người bệnh phải bỏ thuốc lá, việc bỏ thuốc lá không đơn giản với bệnh nhân, nhưng không bỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
Sao Mai