Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) thực hiện chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) thực hiện chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai ký kết hợp đồng vay tín dụng chính sách theo Nghị quyết 68 với người sử dụng lao động. Ảnh: Nguyễn Thương |
Ở lần triển khai chương trình cho vay tín dụng chính sách này, các thủ tục cho vay tiếp tục được đơn giản hóa và mở rộng đối tượng cho vay.
* Thủ tục vay được tinh giản
Trước đây, Nghị quyết 154/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ (Nghị quyết 154) và Quyết định 32/2020/QĐ-CP quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định người sử dụng lao động được vay vốn khi có người lao động (NLĐ) đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngưng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đơn vị có doanh thu quý I-2020 giảm 20% trở lên so với quý IV-2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số tiền vay bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với số NLĐ bị ngừng việc. Mỗi khách hàng được vay số tiền trị giá không quá 3 tháng trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Còn với Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, điều kiện vay tiếp tục được tinh giản, đối tượng vay mở rộng và quy định cụ thể với hai hình thức cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất.
Theo ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết 68 không còn quy định người sử dụng lao động được vay vốn khi có NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngưng việc từ 1 tháng liên tục trở lên (đối với cho vay phục hồi sản xuất). Đơn vị có doanh thu 2 quý liền kề giảm 20% trở lên.
Quy định bắt buộc với người vay theo Nghị quyết 68 là người sử dụng lao động không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Riêng với nội dung cho vay trả lương ngừng việc, người vay không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại Khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022.
Còn nội dung cho vay trả lương phục hồi sản xuất chỉ quy định người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022 khi quay trở lại sản xuất, kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022.
Nghị quyết 68 cũng tiếp tục quy định về mức cho vay tối đa 100% mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ thực tế tối đa 3 tháng; người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng với lãi suất 0%.
* Chủ động tìm người vay
Ngay sau khi Nghị quyết 68 được triển khai vào tháng 7-2021, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đã cùng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nội dung đến các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Sỹ Cường cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 68, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các bên liên quan nhằm tuyên truyền chính sách và quy trình thủ tục cho vay. Đến ngày 16-9, chi nhánh đã thực hiện rà soát đối với 2,5 ngàn người sử dụng lao động trên toàn tỉnh. Qua đó, đã hướng dẫn 32 người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn lập hồ sơ vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho gần 5 ngàn NLĐ với số tiền dự kiến trên 25 tỷ đồng. Đồng thời, hệ thống Ngân hàng CSXH trong tỉnh cũng chủ động bố trí nguồn vốn vay để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh”.
Ông Vòng Cá Sềnh, Giám đốc Công ty CP Đại Lực Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) cho hay, ngay sau khi nắm bắt thông tin từ công tác tuyên truyền của hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh cùng các bên liên quan về quy trình, thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 68, ông đã chủ động liên hệ làm hồ sơ. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã được ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân số tiền gần 2,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 301 lao động. Đây là lần thứ hai ông được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để trả lương cho NLĐ của công ty. Lần vay trước diễn ra vào tháng 11-2020, với số tiền hơn 888 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 134 lao động trong 3 tháng. Số vốn được vay ngay thời điểm khó khăn đã hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ duy trì sản xuất, thu nhập.
Trường hợp của ông Sềnh là một trong số 12 người sử dụng lao động đã được vay vốn chính sách theo Nghị quyết 68 với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng để trả lương cho trên 1,5 ngàn lượt NLĐ.
Thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách nhằm ổn định sản xuất, qua đó góp phần giữ việc làm cho NLĐ, Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để người sử dụng lao động có nhu cầu vay tín dụng chính sách tiếp cận nguồn vốn. Người sử dụng lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có mong muốn vay tín dụng chính sách chủ động liên hệ trực tiếp tại Ngân hàng CSXH cấp huyện, thành phố, tỉnh để được hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định và sau khi hoàn thiện hồ sơ có thể nộp hồ sơ vay vốn lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tính đến nay, đã có 12 người sử dụng lao động được vay vốn chính sách theo Nghị quyết 68 với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng để trả lương cho trên 1,5 ngàn lượt lao động. |
Nguyễn Thương - Sông Thao