Góp sức vào "cuộc chiến" chống dịch Covid-19, các cấp Hội LHPN ở cơ sở đã và đang thực hiện 92 bếp ăn yêu thương, mỗi ngày cung cấp hàng chục ngàn suất ăn an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Góp sức vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, các cấp Hội LHPN ở cơ sở đã và đang chủ trì thực hiện 92 bếp ăn yêu thương, mỗi ngày cung cấp hàng chục ngàn suất ăn an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong các khu cách ly y tế, phong tỏa.
Cán bộ, hội viên phụ nữ P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) chuẩn bị nguyên liệu nấu những phần cơm trưa. Ảnh: N.Sơn |
Có được thành quả này, cán bộ, hội viên Hội LHPN và các đoàn thể ở cơ sở đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy cơ nhiễm bệnh tự nguyện góp sức để các bếp ăn luôn đỏ lửa.
* Tự nguyện góp sức
Trước đây, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (ngụ ấp 4, xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em ở chợ Long Thọ. Gần 3 tháng nay, trên địa bàn xã xuất hiện ca nhiễm Covid-19, chợ đóng cửa nên việc buôn bán của bà phải tạm ngưng lại.
Vì muốn góp sức đẩy lùi dịch bệnh nên từ khi Bếp ăn yêu thương của Hội LHPN xã được triển khai, bà Tuyết đã tự nguyện tham gia. Mỗi ngày, từ lúc 3-4 giờ sáng, bà Tuyết đi bộ đến Văn phòng ấp 4 cùng với một số chị em nổi lửa nấu những phần ăn sáng để chuyển đến các chốt trực cho kịp giờ ăn sáng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI khẳng định, mô hình Bếp ăn yêu thương của Hội LHPN cơ sở đã thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch; đồng thời, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… |
Bà Bạch Tuyết cho hay, nhiều năm duy trì quầy cháo nên bà đã quen với việc dậy sớm, quen việc nấu nướng nên mọi việc với bà không quá khó khăn. Nhờ tham gia Bếp ăn yêu thương, bà tìm được niềm vui trong những ngày giãn cách xã hội khi được tự tay nấu những món ăn nóng hổi, đầy đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho lực lượng tuyến đầu; có dịp thắt chặt mối quan hệ giữa các chị em trong chi hội.
Từng bán quán cơm, nấu tiệc nên bà Doãn Thị Hạnh (ngụ KP.4, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) có kinh nghiệm nấu suất ăn số lượng lớn. Sau khi Bếp ăn yêu thương đặt tại P.Quang Vinh hoạt động được 7 ngày, thấy con gái làm việc tại UBND phường kể bếp ăn đang thiếu người nấu chính, bà Hạnh đã không ngần ngại đăng ký tham gia.
Mỗi ngày, cứ 7 giờ 30 sáng, sau khi sắp xếp công việc gia đình, bà Hạnh lại chạy xe đến UBND phường để nấu ăn. Bà Hạnh cho biết, trước kia kinh doanh quán cơm, mỗi bữa bà nấu hàng trăm suất ăn với nhiều món khác nhau. Do vật dụng làm bếp cho đến nguyên vật liệu nấu nướng đều được chuẩn bị đầy đủ nên thời gian nấu không bao nhiêu. Khi nấu ăn ở UBND phường, bếp ăn được bố trí theo kiểu dã chiến nên thiếu đủ thứ, nhất là thiếu gia vị khiến cho việc sơ chế bị gián đoạn, mất thời gian. Tuy nhiên, nghĩ đến lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm vất vả trực gác tại các chốt kiểm soát phòng dịch, các khu cách ly y tế trên địa bàn phường, bà cũng như mỗi thành viên tham gia Bếp ăn yêu thương đều nỗ lực khắc phục khó khăn.
Tham gia Bếp ăn yêu thương không chỉ có cán bộ, hội viên phụ nữ mà còn có sự tham gia của nam giới. Năm nay đã 71 tuổi, nhưng ngày nào ông Phạm Minh Kha (ngụ KP.2, P.Quang Vinh) cũng tham gia góp sức. Sáng sớm, ông Kha đến UBND phường hỗ trợ lặt rau, gọt rau củ quả, bóc vỏ hành, tỏi… và rửa sạch. Khi những các món ăn nấu xong, ông hỗ trợ phân chia các phần cơm để chuyển đến cho lực lượng tuyến đầu.
Theo chia sẻ của ông Kha, thời điểm này dù là việc nhỏ nhưng có ích cho công tác phòng, chống dịch đều đáng quý. Vì vậy, khi Bếp ăn yêu thương cần hỗ trợ, ông đã tự nguyện tham gia.
* Nấu hàng ngàn suất ăn, nước uống
Bà Phạm Thị Khánh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KP.1, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ khi trên địa bàn phường xuất hiện ca nhiễm Covid-19, Bếp ăn yêu thương đặt tại văn phòng khu phố bắt đầu đỏ lửa.
Hơn 2 tháng nay, ngày nào cũng vậy, từ chiều hôm trước, các chị em đã chuẩn bị thực đơn và thực phẩm. Các loại thịt, cá, trứng sẽ được chi hội mua ở các gian hàng bình ổn giá trên địa bàn khu phố; còn rau củ quả sẽ đặt từ bạn hàng ở Đà Lạt gửi về với số lượng đủ dùng trong khoảng 1 tuần.
Sẵn có thực phẩm, rau củ quả, từ 3-4 giờ sáng, các bà, các chị tham gia nấu ăn dậy sớm đến văn phòng khu phố để nấu các suất ăn buổi sáng. Xong bữa sáng cũng là lúc mọi người cùng bắt tay chuẩn bị nấu bữa cơm trưa, rồi tới bữa ăn chiều và khuya. Nấu ăn là việc làm hằng ngày của các chị em ở nhà nên chỉ cần nhìn vào thực đơn trên bảng, chị em tham gia Bếp ăn yêu thương ai nấy đều tự biết việc mình cần làm.
Chủ tịch Hội LHPN P.Long Bình Tân Nguyễn Thị Thanh Thúy cho hay, toàn phường hiện đang duy trì 7 Bếp ăn yêu thương, mỗi ngày nấu khoảng 2,4 ngàn suất ăn sáng, trưa, tối (chưa kể bữa ăn khuya). Với số lượng suất ăn như vậy, cán bộ, hội viên ở các chi hội hầu như không có thời gian nghỉ ngơi mà phải hoạt động liên tục từ sáng sớm tới tối. Vất vả là thế nhưng mỗi lần nhìn thấy từng hàng cơm hộp chứa đầy cơm và đồ ăn còn bốc khói nghi ngút chuyển đến cho lực lượng tuyến đầu, chị em ai nấy đều cảm thấy vui trong lòng và có thêm động lực để cố gắng duy trì bếp ăn.
Nhờ có sự kiên cường bám trụ của cán bộ, hội viên phụ nữ xã mà Bếp ăn yêu thương do Hội LHPN xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) vẫn luôn đỏ lửa, mỗi ngày cung cấp gần 1 ngàn suất ăn cho lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly y tế, khu phong tỏa trên địa bàn xã.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thảo Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Thọ, ngoài nấu các suất ăn cho lực lượng tuyến đầu trên địa bàn xã từ nguồn kinh phí do UBND xã cấp, Hội LHPN xã còn vận động nguồn lực để nấu các phần ăn đặc biệt, phù hợp với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con là F0, F1 trong các khu cách ly. Bên cạnh các bữa ăn chính, cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia Bếp ăn yêu thương còn nấu các loại chè cho các bữa ăn phụ. Song song đó, cán bộ, hội viên phụ nữ xã còn duy trì nấu mỗi ngày 2 ngàn chai nước mát để cung cấp cho 8 khu cách ly trên địa bàn huyện, góp phần tiếp sức lực lượng tuyến đầu và bệnh nhân trong “cuộc chiến” chống Covid-19.
Anh Đỗ Hoàng Thành, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự P.Quang Vinh chia sẻ, từ khi dịch bệnh xuất hiện, anh cùng với đồng đội phải xa nhà tham gia tuyến đầu chống dịch. Nhiệm vụ mà các anh đảm nhận trong cuộc chiến này là trực các chốt, tham gia tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, thời gian để tự nấu ăn là điều không thể. Do đó, những suất ăn mà các cô, các chị phụ nữ nấu, cung cấp có ý nghĩa quan trọng, giúp các anh yên tâm trực gác 24/24 giờ, góp phần vào thành quả của công tác phòng, chống dịch.
Nga Sơn