Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ

08:05, 04/05/2021

Việc doanh nghiệp (DN) quan tâm đến sức khỏe của người lao động (NLĐ) đã và đang đem lại những lợi ích không chỉ cho DN, NLĐ mà cho cả sự phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định của địa phương.

Việc doanh nghiệp (DN) quan tâm đến sức khỏe của người lao động (NLĐ) đã và đang đem lại những lợi ích không chỉ cho DN, NLĐ mà cho cả sự phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định của địa phương.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, UBND tỉnh kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, UBND tỉnh kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

[links()]Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn khá thờ ơ hoặc cố tình ngó lơ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Ở nhiều nơi, việc khám sức khỏe cho NLĐ còn mang tính hình thức, đối phó.

* Gia tăng lao động mắc bệnh nghề nghiệp

Anh N.V.T. làm việc tại một DN hóa chất ở Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành) cho biết, hơn 10 năm qua, ngày nào anh cũng tiếp xúc với mùi hóa chất độc hại. Mặc dù công ty đã có chế độ ưu đãi cho lao động làm việc ở khâu độc hại bằng việc tăng tiền hỗ trợ, bồi dưỡng sữa tươi, trợ cấp chế độ độc hại... nhưng theo anh T., sức khỏe của anh giảm sút thấy rõ. Trong đợt khám sức định kỳ mới đây, anh T. được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh về da sau nhiều lần khám sức khỏe định kỳ trước đó không phát hiện bệnh.

Còn anh N.V.Đ. (ngụ xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) thì cho hay, hơn 12 năm làm việc tại một công ty chuyên sản xuất giấy trên địa bàn H.Long Thành đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của anh. Hằng ngày do hít phải bụi giấy khiến anh bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lúc nào không hay. Gần đây, anh Đ. phải nghỉ việc để đến bệnh viện chữa trị bệnh thường xuyên, không thể làm được việc nặng, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình anh Đ. đều trông cậy vào tiền lương công nhân ít ỏi của vợ anh.

Tương tự, bà N.T.Q.H. (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ, bà có thâm niên hơn 20 năm làm việc trong ngành sản xuất giày da. Trừ những ngày nghỉ, còn lại ngày nào bà cũng phải đối diện với mùi cao su, hóa chất độc hại. Nhiều lần, đang làm việc, bà H. bỗng dưng bị ngất, được đưa đi cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán bị “sốc” dung môi, yêu cầu phải chấm dứt ngay việc tiếp xúc với hóa chất. Bà H. được chuyển qua làm việc ở khâu khác nhưng ít lâu sau, khi đi khám sức khỏe định kỳ do công ty tổ chức, bà H. tiếp tục được bác sĩ chẩn đoán dị ứng với hóa chất. Đến khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bà H. được chẩn đoán mắc bệnh da nghề nghiệp do thường xuyên làm việc trong môi trường hóa chất độc hại.

BS Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, theo phân cấp của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện được giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối quản lý trên địa bàn tỉnh và thực hiện công tác y tế lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Thời gian qua, có một số DN thường xuyên phối hợp với trung tâm để khám sức khỏe tuyển dụng, trước khi bố trí việc làm và khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho NLĐ như: Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam… Còn lại, nhiều DN không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng với các cơ sở y tế tư nhân khác.

Qua khám sức khỏe cho NLĐ trong tỉnh cho thấy, những bệnh mà NLĐ dễ mắc phải là điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (chiếm 70%, thường gặp đối với lao động làm việc tại các DN chuyên về dệt, cơ khí, gia công giày da), bệnh viêm phế quản mạn tính (20%, thường gặp với các DN chuyên về gỗ, hóa chất), bệnh bụi phổi silic (thường gặp ở ngành xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng), bệnh bụi phổi talc (gặp ở những công ty chuyên sản xuất cao su)…

* DN tìm đủ cách để né tránh

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, thực tế cho thấy, những DN nào mà người chủ có tâm, có ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật tốt thì nơi đó NLĐ được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt và ngược lại. Chính vì thế mà đến nay, ngành Y tế mới quản lý được công tác y tế lao động tại hơn 1,7 ngàn DN, chủ yếu là các DN lớn trong các khu công nghiệp. Còn lại, đa số những DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ rất khó tiếp cận.

Giám đốc Trung tâm Y tế H.Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn chia sẻ, sở dĩ nhiều DN còn thờ ơ với công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ là vì họ phải bỏ ra một số tiền lớn để chi cho công tác này mỗi năm. Trong khi đó, nếu không thực hiện, họ chỉ bị phạt số tiền nhỏ hơn.

Mặt khác, theo quy định hiện nay, DN đã có thể tự thực hiện lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động rồi báo cáo lên cơ quan chức năng chứ không cần có sự can thiệp của trung tâm y tế huyện như trước kia. Nhiều DN cũng chưa có cán bộ chuyên trách về công tác an toàn vệ sinh lao động, chưa tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở nên việc chăm sóc sức khỏe cho NLĐ còn nhiều bất cập.

Trên thực tế, có nhiều DN thực hiện ký kết hợp đồng khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ để cho hợp thức hóa hồ sơ. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe diễn ra rất qua loa khiến nhiều NLĐ hồ nghi về kết quả chẩn đoán của bác sĩ, nhân viên y tế. Chính vì thế, đã từng có nhiều trường hợp NLĐ khám sức khỏe định kỳ hằng năm nhưng không phát hiện được bệnh, mãi đến khi bệnh khởi phát, trở nặng, đi khám tại bệnh viện mới biết mình bị bệnh nghề nghiệp.

* Cần chú trọng phòng dịch bệnh Covid-19

Mới đây, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh do Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Nội thất Vạn Thịnh Phát (Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu). Khi thành viên của đoàn kiểm tra vào cổng, công ty không tiến hành đo thân nhiệt hay yêu cầu phải khai báo y tế như yêu cầu bắt buộc nhằm phòng dịch Covid-19 của nhiều DN khác. Mặc dù số lượng lao động không quá nhiều, chỉ hơn 1,6 ngàn người nhưng tại khu vực nhà ăn, công ty cũng chưa tiến hành lắp đặt các vách ngăn để ngăn giọt bắn hoặc tiếp xúc giữa các công nhân lao động với nhau.

Đại diện Sở Y tế đề nghị lãnh đạo công ty cần tuân thủ các nội dung trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của DN với thành phần là lãnh đạo chủ chốt của công ty, dựa trên các văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo để triển khai phòng dịch ở DN. Ngoài ra, công ty phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng dịch, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương để triển khai tùy vào tình hình của dịch bệnh. Công ty cần thực hiện nghiêm yêu cầu về đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế đối với tất cả khách hàng, NLĐ vào công ty. Ngoài ra, tại khu vực nhà ăn của công ty cũng nên xây dựng các vách ngăn, bố trí dung dịch sát khuẩn để đảm bảo vệ sinh và phòng tránh dịch bệnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo đề nghị lãnh đạo DN không được chủ quan, lơ là phòng dịch. Bởi dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và nếu trong công ty có người nhiễm bệnh, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Tiếp  thu ý kiến chỉ đạo của đoàn kiểm tra, ông Tống Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Vạn Thịnh Phát cho hay, công ty sẽ tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là, sẽ chú ý đến việc khai báo y tế của NLĐ, yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi vào công ty đối với tất cả khách hàng cũng như NLĐ.

Sau khi đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch tại một số DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới đây, PGS-TS Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ tỉnh Hải Dương, để hạn chế lây lan dịch bệnh trong DN, Đồng Nai cần xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp. Chủ DN cần ký cam kết với địa phương và NLĐ, lên phương án cách ly ngay tại DN nếu có trường hợp nhiễm bệnh. Khi triển khai cách ly tại nơi làm việc cần đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo giữa NLĐ với nhau, liên tục cập nhật các điểm nóng tại nơi làm việc và thực hiện xét nghiệm sàng lọc tổng thể cho NLĐ nếu phát hiện có yếu tố nguy cơ.

Thông tư số 15 ban hành năm 2016 của Bộ Y tế quy định, có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH như: bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh hen nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp... Trong khi đó, danh mục bệnh nghề nghiệp mà Tổ chức Lao động quốc tế ban hành năm 2015 có 105 bệnh.

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa

Bài 3: Quan tâm hơn nữa đến sức khỏe người lao động

Tin xem nhiều