Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm phòng bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm

09:04, 25/04/2021

Tiếp tục đoàn kết để "chiến đấu" với đại dịch Covid-19, hành động để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe là 2 trong số những vấn đề được Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi người dân toàn cầu cùng hành động trong năm 2021.

Tiếp tục đoàn kết để “chiến đấu” với đại dịch Covid-19, hành động để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe là 2 trong số những vấn đề được Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi người dân toàn cầu cùng hành động trong năm 2021.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Y tế Đồng Nai tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Trong đó có mục tiêu ít nhất 85% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine phòng Covid-19.

* Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Tiêm chủng là sử dụng vaccine nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay, đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nếu đạt được kết quả từ 85-95% người dân được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em, sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Qua đó, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức chăm nuôi bệnh nhân của gia đình, người thân.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, tỉnh Đồng Nai hiện có đầy đủ các loại vaccine để phục vụ công tác tiêm chủng phòng ngừa các bệnh thông thường. Hệ thống tiêm chủng được trải rộng khắp, từ tuyến xã đến tuyến tỉnh. Ngoài các cơ sở tiêm chủng nhà nước còn có các trung tâm tiêm chủng tư nhân, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Đặc biệt, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đạt được kết quả trên 98% trẻ em trong độ tuổi trong tỉnh được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh mà trước đây rất thường xảy ra như: bại liệt, lao…

Đối với người lớn, do không thuộc đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên nếu muốn tiêm chủng sẽ tiêm dịch vụ tại các cơ sở y tế. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có gần như đầy đủ các loại vaccine cần thiết như: vaccine phòng bệnh cúm, phòng bệnh viêm màng não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC thực hiện rất tốt công tác tiêm chủng cho cả người lớn và trẻ em, góp phần đẩy lùi nhiều loại bệnh…

Mới đây, chị Trần Ngọc Điệp (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã đưa 2 con gái 16 và 19 tuổi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chích ngừa vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung. Bản thân chị Điệp cũng chích ngừa vaccine viêm gan siêu vi B. Chị Điệp chia sẻ: “Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Do đó, vợ chồng tôi rất quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng bệnh cho các con và cho bản thân”.

Đang mong chờ có vaccine phòng Covid-19 để chủng ngừa, anh Nguyễn Việt Hà (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay: “Suốt hơn 1 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong. Tại Việt Nam cũng có 35 trường hợp mãi mãi không quay về. Gia đình tôi thường xuyên theo dõi tin tức liên quan đến vaccine phòng Covid-19 và rất mong tỉnh sớm có vaccine để người dân được chủng ngừa phòng bệnh”.

* Phòng bệnh không lây nhiễm

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm có khoảng 77% số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó chủ yếu là do các bệnh: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thực tế trong năm 2020, cả 35 trường hợp mắc bệnh Covid-19 tử vong của Việt Nam đều liên quan đến các bệnh nền như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.

Phát biểu tại hội thảo Xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2025 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới người Việt chiếm khoảng 45% và 77% nam giới uống rượu, bia; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau xanh, trái cây và ăn muối nhiều gấp đôi so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Đang thường xuyên phải điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại bệnh viện, ông T.T.N. (66 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, ông có thâm niên hút thuốc lá hơn 40 năm. Ban đầu, ông N. chỉ hút vài điếu/ngày, sau tăng dần lên đến 1-2 gói thuốc lá/ngày. Cách đây 3 năm, sau một lần khó thở, ông N. đến bệnh viện khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Từ đó đến nay, ông N. thường xuyên phải đến bệnh viện để điều trị, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Đặc biệt, ông N. nhận thấy sức khỏe ngày càng yếu và không thể làm được việc nặng.

Để phòng các bệnh không lây nhiễm, các bác sĩ khuyên người dân nên bỏ/hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, giảm bớt muối trong khẩu phần ăn… để có sức khỏe tốt.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều