Mới đây, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức "chốt" phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2021...
Bộ GD-ĐT đã chính thức “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2021. Việc “chốt” được các phương án thi và xét tuyển giúp thí sinh an tâm, tập trung cho việc học, ôn tập, đăng ký xét tuyển và tạo tâm lý tốt cho thí sinh, phụ huynh, giáo viên để chuẩn bị bước vào kỳ thi.
Học sinh Đồng Nai tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2021 tại Trường đại học Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2021 không có những thay đổi lớn, nhưng lại có nhiều thay đổi nhỏ, đặc biệt là một số thay đổi có tính kỹ thuật nên thí sinh cần chú ý để tránh bị thiệt thòi về quyền lợi khi đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
* Nắm chắc quy chế thi tốt nghiệp
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ 2021 đã được Bộ GD-ĐT ban hành, kỳ thi năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD-ĐT sẽ là đơn vị chủ trì việc ra đề, còn các địa phương sẽ được giao tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh, xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-7.
Để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm đủ 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, đồng thời được chọn một trong 2 bài thi tổ hợp tự chọn là: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi khoa học xã hội (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân). Thí sinh thuộc hệ bổ túc văn hóa và giáo dục thường xuyên không phải thi môn Giáo dục công dân trong bài thi tự chọn khoa học xã hội.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ: Chú ý phân luồng học sinh Các trường THPT cần tăng cường định hướng cho học sinh về các lựa chọn đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ sao cho phù hợp với từng học sinh về sở thích, sở trường, năng lực và điều kiện kinh tế trong quá trình theo học. Cần chú ý việc tuyên truyền phân luồng học sinh sau khi học hết lớp 12, bởi ngoài lựa chọn con đường học lên đại học, thì lựa chọn các trường trung cấp, cao đẳng nghề theo nhu cầu của xã hội cũng là một lựa chọn tốt. |
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh thuộc hệ giáo dục THPT phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh hệ giáo dục thường xuyên dự thi 2 bài độc lập là: Toán và Ngữ văn cùng 1 bài tổ hợp. Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nội dung thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn được định hướng như các năm trước, hoàn toàn nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Về hình thức làm bài thi, trừ bài Ngữ văn sẽ thi bằng hình thức tự luận với thời gian 120 phút, còn các bài thi khác được làm dưới dạng trắc nghiệm. Bài thi Ngoại ngữ sẽ có thời gian làm bài 60 phút, còn bài thi tổ hợp tự chọn có tổng thời gian làm bài là 150 phút (mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp tự chọn có thời gian làm bài là 50 phút).
Một điểm mới đem lại niềm vui cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đó là những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh từ giải ba trở lên, sẽ được xem xét cộng điểm khuyến khích. Cụ thể, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia, hoặc giải nhất cấp tỉnh được cộng 2 điểm. Đối với thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, hoặc giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh được cộng 1,5 điểm; thí sinh đoạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ được cộng 1 điểm.
*Cân nhắc kỹ khi đăng ký xét tuyển
Đối với học sinh khối 12, kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ nhằm mục đích tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách mà còn để xét tuyển vào ĐH-CĐ với ngành nghề mình mong muốn. Chính vì vậy, việc cân nhắc ngành nghề, nắm chắc quy định đăng ký xét tuyển rất cần thiết.
Tại hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các sở GD-ĐT và các trường ĐH-CĐ vào ngày 25-3 vừa qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, khâu đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ năm 2021 sẽ được ưu tiên đăng ký trực tuyến thay dần cho hình thức truyền thống bằng hồ sơ giấy phổ biến lâu nay. Điều này sẽ rất có lợi cho thí sinh và kể cả các trường THPT, các sở GD-ĐT trong việc tiếp nhận, tổng hợp và báo cáo số liệu đăng ký xét tuyển về Bộ GD-ĐT.
Một điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh thí sinh cần lưu ý, sau khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh vẫn có quyền được điều chỉnh đăng ký nguyện vọng tới 3 lần. Thậm chí, khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhận thấy kết quả thi không có khả năng đậu vào trường đã đăng ký trước đó, thí sinh vẫn có thể điều chỉnh nếu chưa sử dụng hết số lần điều chỉnh nguyện vọng cho phép.
Việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là một thay đổi rất lớn, hoàn toàn có lợi cho công tác tuyển sinh cũng như thí sinh. Tuy vậy, lãnh đạo nhiều trường đại học vẫn lo lắng vì thí sinh có thể mắc những sai lầm nhất định. Ông Lâm Thành Hiển, Quyền Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho rằng: “Trong quá trình học sinh đăng ký xét tuyển đại học, rất cần có sự giúp đỡ của thầy cô nhằm hướng dẫn các em đăng ký sao cho thật chính xác”.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh cho rằng, về cơ bản quy chế tuyển sinh năm nay thuận lợi cho thí sinh, đảm bảo được 5 yêu cầu của Bộ GD-ĐT đề ra, đó là: ổn định, chủ động, thích ứng, công nghệ, hợp tác đồng thuận. Tuy nhiên, nếu không nắm chắc quy chế tuyển sinh thí sinh sẽ mất cơ hội, hoặc trúng tuyển một cách không trọn vẹn. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, có thể đăng ký 3 nguyện vọng nhưng chỉ được xem xét trúng tuyển 1 nguyện vọng, do đó phải cân nhắc kỹ nguyện vọng xét tuyển, ưu tiên nguyện vọng từ cao đến thấp. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, với phần mềm lọc ảo được áp dụng, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ ngay lập tức bị xóa tên xét tuyển ở các nguyện vọng còn lại. Trường hợp thí sinh rớt nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2 sẽ được tính là nguyện vọng ưu tiên.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2021 cho phép các trường được chủ động nhiều hình thức tuyển sinh. Các hình thức xét tuyển đều bình đẳng như nhau về cơ hội trúng tuyển, do đó thí sinh ngoài đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể tận dụng thêm nhiều hình thức xét tuyển khác như: xét tuyển bằng học bạ, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học lớn tổ chức để xét tuyển vào nhiều trường khác nhau có công nhận kết quả thi đánh giá năng lực.
Công Nghĩa