Cùng với tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, vốn vay từ các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh quan tâm nhằm giúp người học nghề sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, nuôi trồng.
Cùng với tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, vốn vay từ các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh quan tâm nhằm giúp người học nghề sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, nuôi trồng.
Học viên lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng xoài tại xã Suối Nho (H.Định Quán) trong tiết thực hành. Ảnh: Thanh Dạng |
Trong năm 2020, toàn tỉnh có hơn 2,6 ngàn người được đào tạo nghề với 27 nghề đào tạo cho lao động nông thôn đang được triển khai thực hiện gồm: 17 nghề nông nghiệp và 10 nghề phi nông nghiệp. Trong số này, có hơn 1,6 ngàn người học nghề nông nghiệp và trên 1 ngàn người theo học nghề phi nông nghiệp như: nấu ăn, may công nghiệp, hàn cơ bản…
* Sử dụng vốn tốt hơn nhờ học nghề
Là một trong số 175 học viên người dân tộc thiểu số tham gia vào các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức năm 2020, bà Thị Thêm (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) cho biết: “Năm 2019, gia đình tôi có ý định chăn nuôi dê. Nhưng chăn nuôi con vật gì cũng có nhiều rủi ro. Ngoài nỗi lo về giá cả thì chuyện con vật mắc các bệnh tật là đáng ngại nhất. Bởi đây là nguyên nhân dễ làm người nuôi mất trắng tài sản khi con vật chết hay chậm lớn do ảnh hưởng của bệnh tật”.
Kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2020 là hơn 15,2 tỷ đồng. |
Khi lớp học về kỹ thuật chăn nuôi dê được mở ngay tại xã, bà Thêm đã chủ động đăng ký theo học. “Bằng những kiến thức có được, ngay sau khóa học gia đình tôi đã làm chuồng và mua dê giống về nuôi. Trong quá trình nuôi, những kiến thức về phòng bệnh, trị bệnh cho dê đã giúp đàn dê của gia đình phát triển tốt. Ngoài ra, nhiều người dân nuôi dê khác trong ấp cũng tìm đến hỏi thêm tôi về cách phòng, trị bệnh cho vật nuôi” - bà Thêm bộc bạch.
Không chỉ được đào tạo nghề, học viên còn được tạo điều kiện nhận vốn, con giống để áp dụng nghề đã học gắn với phát triển kinh tế.
Ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ xã Phú An, H.Tân Phú) chia sẻ, trước đây ông từng tham gia lớp học về kỹ thuật chăn nuôi bò song chưa có điều kiện phù hợp để mua con giống về nuôi. Đến tháng 1-2021, ông được trao tặng 2 con bò giống. Đây là lần đầu gia đình nuôi bò nhưng ông không lo lắng nhiều. Bởi với những kiến thức đã được học về chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò trước đây, ông tin là mình sẽ nuôi bò phát triển tốt, ít gặp rủi ro mất vốn.
Riêng với ông Nguyễn Văn Ngà (ngụ xã Phú Lập, H.Tân Phú), sau khi học nghề chăn nuôi dê, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ thêm 3 con dê giống. Số dê này cùng với những con dê mà gia đình nuôi từ trước giúp ông có cơ hội nhân đàn nhanh hơn. Điều này đồng nghĩa với thu nhập gia đình sẽ cao hơn. Những bệnh thường gặp trên dê được ông chủ động phòng và trị bệnh ngay từ đầu nên thời gian qua hao hụt trong quá trình chăn nuôi giảm đi đáng kể.
* Hỗ trợ nhiều hơn cho người học
Năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nghề cho khoảng 1 ngàn lao động nông thôn với 2 loại hình: nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong trợ giúp người dân phát triển kinh tế, các địa phương kiến nghị cần đề ra nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu hỗ trợ nhiều hơn cho người học, mở rộng đối tượng học nghề.
Theo bà Lê Thị Kim Trinh, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Thống Nhất, hiện có thực tế phổ biến là những người trước đây đã học nghề thì nay khó theo học nghề khác. Ví dụ, một nông dân trước đây đã học nghề chăn nuôi bò nhưng giá bò giảm muốn chuyển sang chăn nuôi dê cho hiệu quả kinh tế hơn nhưng địa phương không giải quyết được nguyện vọng này. Bởi theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để được học nghề lần 2, người đã được hỗ trợ học nghề một lần phải đảm bảo nhiều yếu tố theo quy định, như bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan (Nhà nước chuyển đổi quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề thủ công…). Sau đó, người này có đơn đăng ký học nghề lần 2, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận. Cơ quan thường trực cấp huyện sẽ xem xét, trình trưởng ban chỉ đạo đề án cấp huyện quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề lần 2. Quá trình này rất phức tạp, vì vậy, trong thời gian tới cần có những chính sách ưu đãi giúp người dân được học nghề lần 2, lần 3 theo đúng nhu cầu thực tế một cách dễ dàng hơn.
Ông Đinh Văn Án, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú phân tích, hiện chính sách ưu đãi trong chương trình đào tạo nghề chủ yếu dành cho đối tượng thuộc diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo. Do vậy, cần mở rộng chính sách ưu đãi dành cho những đối tượng tham gia học nghề khác. Ngoài ra, cần chú ý đến các ngành nghề truyền thống của địa phương trong thực hiện các nghề đào tạo để người học dễ dàng tìm được công việc ngay tại địa phương sau khi kết thúc chương trình đào tạo.
Đồng quan điểm này, bà Mai Thị Chi Liên, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Định Quán cho biết, qua thực tế ở địa phương có rất nhiều người là chủ các vườn cây diện tích lớn, gia đình có cơ sở chăn nuôi nhiều rất mong muốn được tham gia các lớp đào tạo nghề để có thêm kiến thức sản xuất. Đây là nhu cầu hết sức chính đáng và cần được khuyến khích bởi tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển từng ngày, từng giờ, các loại bệnh gây hại cho vật nuôi, cây trồng xuất hiện tăng. Do vậy, địa phương kiến nghị cần sớm mở rộng đối tượng được tiếp cận chương trình đào tạo nghề, mở rộng đối tượng được ưu đãi khi tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là huyện thuần nông như H.Định Quán.
Ngoài ra, việc cho học viên vay vốn để giải quyết việc làm sau học nghề hiện còn ở mức thấp. Trong năm 2020, chỉ có 232 hộ có người tham gia học nghề lao động nông thôn trong tổng số hơn 2,6 ngàn người học nghề được vay vốn để giải quyết việc làm với tổng số tiền vay là 9,6 tỷ đồng. Đây là số lượng còn quá ít so với nhu cầu của người học.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết: “Những ý kiến đề xuất của các địa phương về việc cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Do vậy trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đảm bảo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo, năm 2021, ngành LĐ-TBXH cần thực hiện kế hoạch đào tạo nghề và liên kết tạo việc làm để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nông dân có đất bị thu hồi trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Văn Truyên