Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2

10:02, 19/02/2021

Hiện nay, công suất xét nghiệm SARS-CoV-2 của 3 cơ sở xét nghiệm trong tỉnh là 3 ngàn mẫu bệnh phẩm đơn/ngày trong điều kiện máy hoạt động liên tục. Nếu xét nghiệm gộp 5 mẫu bệnh phẩm cùng lúc thì công suất sẽ lên tới khoảng 10 ngàn mẫu/ngày

Hiện nay, công suất xét nghiệm SARS-CoV-2 của 3 cơ sở xét nghiệm trong tỉnh là 3 ngàn mẫu bệnh phẩm đơn/ngày trong điều kiện máy hoạt động liên tục.

Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Theo BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), nếu xét nghiệm gộp 5 mẫu bệnh phẩm cùng lúc thì công suất sẽ lên tới khoảng 10 ngàn mẫu/ngày, đáp ứng tương đối tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh bùng phát, ngành Y tế Đồng Nai sẽ huy động sự hỗ trợ từ các địa phương khác và xin ý kiến của Bộ Y tế.

* Chờ hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm dịch vụ

Đến thời điểm này, số lượng người dân, người lao động trở lại Đồng Nai làm việc sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán khá đông. Để đảm bảo an toàn, rất nhiều người có nhu cầu làm xét nghiệm dịch vụ SARS-CoV-2 để đi làm.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, hiện chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về việc thực hiện xét nghiệm dịch vụ SARS-CoV-2 cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn trước đó của Bộ Y tế, những người có nhu cầu xuất cảnh, người trở về từ vùng dịch bệnh có thể liên hệ các cơ sở xét nghiệm trong tỉnh để được làm xét nghiệm và trả phí xét nghiệm theo quy định là 734 ngàn đồng/lần xét nghiệm.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế giải mã gen các chủng virus mới nhanh hơn để kịp thời có biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp. Chỉ đạo thường xuyên việc khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng; rà soát, hoàn thiện các quy trình phòng dịch đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, có quy chuẩn xử lý các ca nghi ngờ nhiễm bệnh. Thực hiện khai báo y tế và tự đánh giá các tiêu chí an toàn đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Xem xét khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu, Nhà nước và người được xét nghiệm đồng chi trả chi phí; phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch. Phối hợp với Bộ TT-TT tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ về khai báo y tế, tiếp tục vận động người dân cài đặt Bluezone.

BS CKII Lê Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, từ ngày 16-2 đến nay, bệnh viện tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khá đông người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng xét nghiệm SARS-CoV-2 cho gần 200 nhân viên y tế của bệnh viện. Người dân nếu có nhu cầu xuất cảnh hoặc trở về từ vùng dịch có thể đến Khoa Nhiễm của bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, sàng lọc và chỉ định làm xét nghiệm SARS-CoV-2 nếu cần thiết.

“Mỗi lần chạy máy khoảng 100 mẫu bệnh phẩm đơn nên nếu chưa đủ số lượng mẫu bệnh phẩm theo yêu cầu thì bệnh viện chưa chạy máy. Bởi việc chạy máy với số lượng mẫu bệnh phẩm ít sẽ tốn rất nhiều chi phí, hóa chất. Thông thường, nếu lấy mẫu xét nghiệm buổi sáng thì buổi tối cùng ngày, người dân sẽ nhận được kết quả xét nghiệm” - BS Trâm nói.

BS Bạch Thái Bình chia sẻ, CDC cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Y tế để có thể tiến hành xét nghiệm dịch vụ SARS-CoV-2 cho người dân vì hiện nay nhu cầu này rất cao.

* Xét nghiệm gộp để phát hiện nhanh ca bệnh

Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, việc xét nghiệm gộp mẫu bệnh phẩm (5 mẫu cùng lúc thay vì 1 mẫu như trước kia) sẽ giúp cơ sở y tế phát hiện sớm ca bệnh trong trường hợp có lây nhiễm cộng đồng, số lượng mẫu bệnh phẩm lớn. Nếu trong 5 mẫu gộp đó có mẫu dương tính với SARS-CoV-2 thì các nhân viên y tế sẽ tiếp tục làm xét nghiệm riêng từng mẫu bệnh phẩm để xác định chính xác mẫu nào dương tính.

Do đó, Sở Y tế đang xin chủ trương của UBND tỉnh về việc mở rộng đối tượng xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả những người mắc bệnh đường hô hấp đến khám ngoại trú tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập trong tỉnh. Mục đích nhằm sàng lọc và phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh nếu có bởi có nhiều trường hợp mắc bệnh có triệu chứng bệnh rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng của bệnh đường hô hấp, chỉ đến khi tiến hành xét nghiệm mới biết bị bệnh.

Với kinh nghiệm hơn 1 năm thực hiện truy vết các ca bệnh Covid-19, BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC cho rằng, trong số những người về quê, đi du lịch dịp Tết vừa qua có nhiều người về từ các tỉnh có nguy cơ, tỉnh đang có ca bệnh Covid-19. Mặc dù lực lượng chức năng địa phương đã truy vết đến các đối tượng F2, F3 nhưng không thể chắc chắn 100% đảm bảo an toàn.

Do vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm việc bắt buộc người lao động đi về từ các tỉnh có ghi nhận ca bệnh phải khai báo y tế với xã, phường, nơi người đó cư trú. Qua quá trình sàng lọc, nếu người đó không có yếu tố nguy cơ thì vẫn được đi làm bình thường, chỉ cần theo dõi sức khỏe, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K. Nguyên tắc cơ bản nhất là giới hạn tiếp xúc gần, theo dõi sức khỏe để biết từ ngày rời nơi có nguy cơ cho đến hết 14 ngày, nếu người đó không có triệu chứng gì của bệnh đường hô hấp, sức khỏe bình thường thì được cho là bình thường và đi làm, sinh hoạt bình thường.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều