Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có 13.621 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,76% tổng số hộ dân và 6.592 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,85%. Đến nay, số hộ nghèo của tỉnh chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,44% tổng dân số.
Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có 13.621 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,76% tổng số hộ dân và 6.592 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,85%. Đến nay, số hộ nghèo của tỉnh chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,44% tổng dân số.
Ông Huỳnh Văn Tuấn (giữa) hộ nghèo ngụ ấp 4, xã Phú An, H.Tân Phú nhận quyết định bàn giao nhà do Công đoàn Văn phòng Tỉnh ủy và Tập đoàn Phong Thái hỗ trợ. Ảnh: Văn Truyên |
Kết quả này đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra là đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1%. Đặc biệt, nhiều địa phương có số hộ nghèo lớn đã gần như không còn hộ nghèo.
* “Thoát” mác huyện nghèo
Ông Quách Vĩnh Tài, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Vĩnh Cửu cho biết, năm 2015, H.Vĩnh Cửu có 1.824 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,76% tổng số hộ dân của huyện (trong đó hộ nghèo A là 1.465 hộ và 359 hộ nghèo B). Cùng với đó, huyện cũng có 1.092 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,85% số hộ dân toàn huyện. Song đến năm 2020, H.Vĩnh Cửu không còn hộ nghèo A, chỉ còn 271 hộ nghèo B và 202 hộ cận nghèo. Đây là niềm vui rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Hay như H.Trảng Bom, đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn huyện có đến 1.141 hộ nghèo gồm: 783 hộ nghèo A và 358 hộ nghèo B, chiếm tỷ lệ 1,57% số hộ dân toàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng có 447 hộ cận nghèo. Bằng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trợ lực của cộng đồng dân cư, đến cuối nhiệm kỳ huyện cơ bản không còn hộ nghèo A.
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ năm 2015-2020, toàn tỉnh có hơn 34 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay tín dụng chính sách với số tiền gần 1,2 ngàn tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng công trình dân sinh cơ bản, đầu tư cho con em đến trường… |
Riêng với H.Tân Phú - địa phương nhiều năm liền có số hộ nghèo, cận nghèo nhiều nhất tỉnh, theo Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Đinh Văn Án, cuối năm 2015, huyện có 1.567 hộ cận nghèo. Đặc biệt huyện có đến 2.836 hộ nghèo, chiếm gần bằng 1/5 tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó, cơ cấu hộ nghèo của huyện gồm: 1.975 hộ nghèo A và 861 hộ nghèo B. Trong số này cá biệt có 5 hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách có công, có 435 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số… Ngoài ra, huyện còn phát sinh mới 73 hộ nghèo và 280 hộ cận nghèo, nguyên nhân chủ yếu do sáp nhập thêm số hộ dân từ đơn vị hành chính của tỉnh khác vào huyện. Bằng nhiều giải pháp hỗ trợ người dân nên số hộ nghèo và cận nghèo của huyện hiện chỉ còn lần lượt là 35 hộ nghèo A và 1.087 hộ cận nghèo. Huyện không còn gia đình chính sách nào nằm trong diện hộ nghèo.
Nhờ kết quả giảm nghèo tích cực ở từng địa phương, nhất là các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao so với tổng dân số mà công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được thành tựu nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,76% năm 2016 xuống còn 0,44% vào cuối năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 1.924 hộ năm 2016 xuống còn 630 hộ đầu năm 2020.
* Trợ lực dành riêng cho hộ nghèo
Để có được kết quả này, ngoài triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ do Trung ương ban hành, nhiệm kỳ vừa qua, Đồng Nai đã đưa vào thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn. Qua đó, đã tạo nên những nguồn trợ lực lớn, hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm dân cư ở địa phương. Từ đó tạo thêm lực đẩy người nghèo vươn lên trong cuộc sống, ngăn tái nghèo trở lại.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hỗ trợ dạy nghề cho trên 4 ngàn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Những nghề có nhu cầu học nhiều như: nuôi gà, nuôi dê, nuôi bò, trồng nấm, sinh vật cảnh… Có khoảng 90% số lao động sau khi tốt nghiệp các ngành nghề đào tạo đã tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho rằng, với điều kiện phát triển kinh tế của Đồng Nai, mức sống trung bình của người dân trong tỉnh cũng cao hơn so với nhiều địa phương khác. Do vậy, để tạo điều kiện cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn song không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nếu xét theo chuẩn của Trung ương được nằm trong diện hộ nghèo để thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, năm 2018, tỉnh đã xây dựng và ban hành nghị quyết về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2020. Theo đó, căn cứ vào quy định, tiêu chí đánh giá, xếp loại hộ nghèo của tỉnh thì hộ nghèo khu vực nông thôn có mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng trở xuống và 1,45 triệu đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị. Mức chuẩn này cao hơn quy định chung của Trung ương. Theo quy định Trung ương thì hộ nghèo ở nông thôn có mức thu nhập là 700 ngàn đồng/người/tháng và hộ nghèo thành thị có mức thu nhập là 900 ngàn đồng/người/tháng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, theo quy định của Trung ương, hộ đã được công nhận thoát nghèo thì không còn tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi. Nhưng tại Đồng Nai, hộ mới thoát nghèo vẫn tiếp tục được tỉnh duy trì các mức hỗ trợ chính sách như hộ nghèo gồm: cho vay tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế (BHYT), giáo dục, dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo… trong thời gian 2 năm.
Bà Thị Minh (người dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) cho hay, những năm trước bà thuộc diện hộ nghèo ở xã. Nhờ sự hỗ trợ từ Nhà nước trong thực hiện các chính sách về vay vốn, nhà ở, học nghề và giáo dục… cộng với nỗ lực trong lao động mà gia đình bà đã thoát nghèo.
Một chính sách hỗ trợ khác của tỉnh dành cho hộ nghèo là chăm sóc sức khỏe. Nếu theo quy định của Trung ương, hộ nghèo đa chiều chỉ được hỗ trợ 70% BHYT nhưng từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã ban hành quy định hộ nghèo đa chiều và hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí. Thông qua đó, đã có trên 302 ngàn thẻ BHYT được cấp miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với số tiền 205 tỷ đồng. Đồng thời, gần 31 ngàn lượt hộ nghèo được hỗ trợ khám chữa bệnh nội trú từ tuyến huyện trở lên với số tiền trên 30 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã ban hành quy định chế độ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc hộ nghèo không có thành viên nào có khả năng lao động, trong khi Trung ương chưa có quy định nào về chế độ hỗ trợ cho đối tượng này. Thông qua quy định về chế độ hỗ trợ, mỗi đối tượng được hỗ trợ 300 ngàn đồng/người/tháng và hỗ trợ mai táng phí 6 triệu đồng/đối tượng. Cùng với đó, dù Trung ương không quy định hỗ trợ tiền tết cho hộ nghèo, cận nghèo, song hằng năm, UBND tỉnh đều hỗ trợ tiền cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục được tỉnh hỗ trợ tiền tết lần lượt là 800 và 600 ngàn đồng/hộ. Nếu tính từ năm 2016 đến nay, đã có gần 80 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền tết với số tiền trên 50 tỷ đồng.
Ngoài chính sách của Nhà nước, Đồng Nai cũng là địa phương thực hiện có hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, gia đình khó khăn. Chỉ riêng thông qua Quỹ Vì người nghèo, các tầng lớp nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.681 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí gần 64 tỷ đồng...
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có gần 44,2 ngàn lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo đúng quy định với số tiền 25 tỷ đồng. Đồng thời, có gần 6 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ thiết bị lọc nước nhỏ lẻ hộ gia đình với kinh phí hơn 20,6 tỷ đồng. Qua đó, góp phần duy trì tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. |
Văn Truyên