Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số ngành Y tế thời 4.0

08:01, 03/01/2021

3 nền tảng gồm: hồ sơ sức khỏe cá nhân, mạng kết nối y tế Việt Nam và quản lý thông tin y tế cơ sở V20 vừa được khai trương tại hội nghị Chuyển đổi số y tế do Bộ Y tế phối hợp tổ chức mới đây.

3 nền tảng gồm: hồ sơ sức khỏe cá nhân, mạng kết nối y tế Việt Nam và quản lý thông tin y tế cơ sở V20 vừa được khai trương tại hội nghị Chuyển đổi số y tế do Bộ Y tế phối hợp tổ chức mới đây.

Nhân viên của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh làm việc trong Phòng Điều hành thông minh của bệnh viện. Ảnh: Hạnh Dung
Nhân viên của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh làm việc trong Phòng Điều hành thông minh của bệnh viện. Ảnh: Hạnh Dung

Cùng với cả nước, ngành Y tế Đồng Nai đang tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đem lại thuận lợi khi đi khám, chữa bệnh cũng như hướng tới quản lý sức khỏe suốt đời cho mỗi người dân.

* Ứng dụng công nghệ phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Trong năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai thành công đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Đề án này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi là việc làm thiết thực nhằm cụ thể hóa chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi toàn ngành Y tế phải tích cực, chủ động, sáng tạo, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị các ca dương tính SARS-CoV-2 sao cho hiệu quả. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã thiết lập Trung tâm Quản lý điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh Covid-19 dựa trên nền tảng số. Trung tâm này đã phát huy hiệu quả cao trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội và đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.Đà Nẵng.

Mục đích của đề án Khám, chữa bệnh từ xa không đơn thuần chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành Y tế mà còn để giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở. Qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa bác sĩ, bệnh viện tuyến trên và bác sĩ, bệnh viện tuyến dưới.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, toàn tỉnh hiện có hơn 20 cơ sở y tế đã kết nối với các bệnh viện tuyến trên để thực hiện đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Việc bác sĩ ở tuyến dưới hội chẩn với bác sĩ ở tuyến trên trong những trường hợp bệnh nặng, cấp bách thông qua các thiết bị thông minh đã không còn xa lạ đối với bác sĩ Đồng Nai. Qua đó, nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu chữa tốt hơn.

Ngoài ra, ngành Y tế Đồng Nai cũng đã chủ trì, phối hợp thực hiện việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho hơn 3 triệu người dân trong tỉnh. Mục đích nhằm quản lý sức khỏe cho mỗi người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi, nắm được tình trạng tiêm chủng, khám, chữa bệnh, sử dụng thuốc… để có những định hướng, khuyến cáo phù hợp.

Nhiều bệnh viện trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh, lấy thuốc, thanh toán viện phí cho bệnh nhân. Phải kể đến như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai triển khai hệ thống thẻ khám bệnh thông minh 2 trong 1, vừa để lấy số thứ tự khám bệnh, vừa để thanh toán viện phí, giúp người dân không phải giao dịch bằng tiền mặt tại bệnh viện, hạn chế nhiều rủi ro. 100% các bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện và một số bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh thay cho in phim. 100% cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; một số bệnh viện triển khai phần mềm khai báo y tế điện tử cho bệnh nhân, người dân khi vào bệnh viện.

* Tiết kiệm 2 tỷ đồng/năm nhờ bệnh án điện tử

Tại hội nghị Chuyển đổi số Y tế quốc gia năm 2020 vừa được Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ TT-TT tổ chức tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh là một trong 12 bệnh viện trong cả nước, là bệnh viện duy nhất trong tỉnh được nhận giải thưởng vinh danh cơ sở đã chuyển đổi số y tế thành công, ứng dụng bệnh án điện tử.

Có được kết quả này, theo BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đúng hướng của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện.

Sau gần 1 năm triển khai thành công bệnh án điện tử, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh nhận thấy có nhiều lợi ích. Trước hết, nhân viên y tế giảm được áp lực công việc hành chính, nhất là điều dưỡng. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (ghi chép bệnh án giấy) của điều dưỡng được rút ngắn, giúp họ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bệnh nhân, đem đến sự hài lòng cho người bệnh. Ngoài ra, thực hiện bệnh án điện tử với chữ viết rõ ràng giúp giảm thiểu tối đa việc thực hiện sai y lệnh do chữ viết của bác sĩ. Kho lưu trữ bệnh án giấy trước đây của bệnh viện được giải phóng để mở thêm Khoa Tim mạch - lão học với hơn 70 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

“Trong năm qua, việc thực hiện bệnh án điện tử giúp bệnh viện tiết kiệm được khoảng 2 tỷ đồng/năm do không phải mua bệnh án giấy, văn phòng phẩm, phim chụp. Đặc biệt, bệnh án điện tử giúp bệnh viện kết nối được toàn bộ các vấn đề từ quản lý cũng như hội chẩn chuyên môn giữa các khoa, phòng trong bệnh viện và với các bệnh viện khác” - BS Phan Văn Huyên chia sẻ.

Chuyển đổi số trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Tổ chức kiểm xạ phòng