Gần 34 năm công tác trong nghề, nữ hộ sinh Trần Thị Hường (52 tuổi, Phó trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu) đã giúp đỡ hàng trăm gia đình sản phụ nghèo được hưởng niềm vui trọn vẹn lúc sinh nở. Bà cũng là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích trong phong trào thi đua yêu nước.
Gần 34 năm công tác trong nghề, nữ hộ sinh Trần Thị Hường (52 tuổi, Phó trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu) đã giúp đỡ hàng trăm gia đình sản phụ nghèo được hưởng niềm vui trọn vẹn lúc sinh nở. Bà cũng là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích trong phong trào thi đua yêu nước.
Phó trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trần Thị Hường tư vấn kiến thức sinh sản cho một bà bầu đang chờ sinh tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu. Ảnh: H.Dung |
* Chung tay đẩy lùi bệnh sốt rét
Bà Hường cho biết, sau khi tốt nghiệp sơ cấp hộ sinh vào tháng 12-1986, bà được phân công về công tác tại Bệnh xá Lâm trường Hiếu Liêm (nay là Trạm Y tế xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu). Từ đó đến tháng 2-2009, bà làm công tác hộ sinh, phụ trách các chương trình mục tiêu y tế như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, đảm nhiệm công tác đỡ đẻ, khám và điều trị phụ khoa, thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn lâm trường.
Thời điểm đó, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội tại Lâm trường Hiếu Liêm và một số địa phương lân cận. Trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều người dân từ những địa phương khác đến đây lập nghiệp bằng các nghề đãi vàng, khai thác gỗ, làm than… đã mắc bệnh sốt rét ác tính và tử vong. Chứng kiến cảnh những bệnh nhân “môi thâm, mắt trắng”, cảnh người chết do sốt rét ác tính, chết do tai nạn sập hầm trong lúc đào vàng, bản thân bà Hường vô cùng xót thương. Vì thế, bà luôn tự dặn mình phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với tập thể y, bác sĩ Bệnh xá lâm trường khắc phục khó khăn, tận tình chăm sóc người bệnh.
Ngoài việc phục vụ bệnh nhân tại Bệnh xá lâm trường, bà Hường còn thường xuyên tham gia đội lưu động, hằng tháng đến từng phân trường để khám phụ khoa, lấy máu xét nghiệm, cấp thuốc phòng và điều trị tại chỗ cho người dân ở những vùng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, góp phần làm giảm tỷ lệ người dân mắc bệnh và tử vong do bệnh tật. “Trong những năm “lăn lộn” tại lâm trường, tôi cũng bị nhiễm bệnh sốt rét 2 lần dù đã uống thuốc dự phòng. Sau mỗi lần bị bệnh, tôi càng hiểu và thấm thía hơn cảm giác mà bệnh nhân đã trải qua. Từ đó cố gắng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình để tiến tới không còn ai bị sốt rét” - bà Hường tâm sự.
* Không ngại khó, không sợ khổ
Nhà bà Hường ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), cách xã Hiếu Liêm vài chục cây số. Những năm bà Hường công tác tại xã Hiếu Liêm, mỗi tháng bà chỉ về nhà một lần. Thời gian còn lại, bà ở tại địa phương nên có điều kiện đi sâu, đi sát, tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động hơn trong công việc, bà Hường xin lãnh đạo Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu đi học bồi dưỡng chuyên môn tại Đội Bảo vệ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình (nay là cơ sở 3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) trong thời gian 6 tháng. Sau đó, bà tiếp tục trở về bệnh xá làm việc. Trong điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men còn thiếu thốn, bà Hường đã giúp cho hàng trăm bà mẹ sinh con an toàn. Với lòng yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ nên có những khi đi cấp thuốc phòng sốt rét cho người dân cách bệnh xá 25km, giữa đường xe bị hỏng phải lội nước bì bõm, bà Hường vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
Đến năm 1995, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nữ hộ sinh Trần Thị Hường nên dịch bệnh sốt rét dần được khống chế và đẩy lùi ở Hiếu Liêm nói riêng và trên địa bàn H.Vĩnh Cửu nói chung. Thời gian này, Bệnh xá lâm trường cũng được chuyển giao về Sở Y tế quản lý và đổi tên là Trạm y tế xã Hiếu Liêm.
Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn và gắn bó lâu dài với một nơi mà điều kiện về mọi mặt còn bộn bề thiếu thốn, bà Trần Thị Hường bộc bạch: “Khi đã lựa chọn nghề y thì dù làm việc ở đâu cũng là để phục vụ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Ở những vùng sâu, vùng xa, người dân còn nhiều khó khăn nên sự hỗ trợ của y, bác sĩ đối với họ vô cùng đáng quý. Tôi muốn những năm tháng tuổi xuân của mình sẽ làm được nhiều việc ý nghĩa, giúp người, giúp đời”.
* Luôn tiến về phía trước
Năm 2000, bà Hường theo học lớp hộ sinh trung cấp tại Trường trung cấp Y tế Đồng Nai (nay là Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai), thực tập tại 2 bệnh viện tỉnh nên có thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Học xong, bà lại tiếp tục về Trạm y tế xã Hiếu Liêm công tác đến tháng 3-2009 thì được điều động về công tác tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu). 2 năm sau, bà được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ trách khoa cho đến nay. 3 năm trước, bà Hường học lớp liên thông cử nhân điều dưỡng chuyên ngành phụ sản và mới tốt nghiệp loại giỏi.
Trong thời gian công tác tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, bà Hường luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao như: quản lý 12 trạm y tế về công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trên địa bàn, truyền thông sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện. Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng trên địa bàn H.Vĩnh Cửu giảm từ 14% xuống còn 5%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 18,2% xuống còn 9,2%.
Bà Hường còn thực hiện 8 đề tài nghiên cứu khoa học sát với tình hình thực tiễn của đơn vị và điều kiện thực tế trên địa bàn huyện như: phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thừa cân béo phì, nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc thai nghén, nghiên cứu kiến thức của bà mẹ, cộng tác viên y tế. Hiện bà Hường đang thực hiện đề tài xử trí sốc phản vệ tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu.
Nhận xét về đồng nghiệp, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Điều dưỡng Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu nói: “Trong công việc, chị Hường rất nhiệt tình, niềm nở, làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe ở tuyến cơ sở. Trong cuộc sống đời thường, chị Hường có một gia đình hạnh phúc, luôn vui vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người trong cơ quan, được đồng nghiệp tin yêu”. |
Hạnh Dung