Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học

08:09, 24/09/2020

Nhiều địa phương trong tỉnh đang tiến hành tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học để bổ sung cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp khó khăn bởi nguồn nhân lực sư phạm do các trường đại học đào tạo ra mỗi năm một ít đi. Mặt khác, chế độ của các cơ sở giáo dục công lập dành cho giáo viên, nhân viên trường học chậm cải thiện tiếp tục là rào cản trong khâu thu hút tuyển dụng.

Nhiều địa phương trong tỉnh đang tiến hành tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học để bổ sung cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp khó khăn bởi nguồn nhân lực sư phạm do các trường đại học đào tạo ra mỗi năm một ít đi. Mặt khác, chế độ của các cơ sở giáo dục công lập dành cho giáo viên, nhân viên trường học chậm cải thiện tiếp tục là rào cản trong khâu thu hút tuyển dụng.

Ngoài chăm sóc trẻ trên lớp, giáo viên Trường mầm non Bình Đa (TP.Biên Hòa) còn làm thêm nhiệm vụ thống kê phổ cập giáo dục trên địa bàn vào ngày nghỉ. Ảnh: C.Nghĩa
Ngoài chăm sóc trẻ trên lớp, giáo viên Trường mầm non Bình Đa (TP.Biên Hòa) còn làm thêm nhiệm vụ thống kê phổ cập giáo dục trên địa bàn vào ngày nghỉ. Ảnh: C.Nghĩa

Chỉ tính riêng các cơ sở giáo dục công lập từ bậc mầm non đến THCS của địa bàn TP.Biên Hòa hiện đang thiếu đến 784 giáo viên và nhân viên trường học, trong đó chủ yếu là vị trí giáo viên từ bậc mầm non đến tiểu học. Nhiều vị trí nhân viên trường học như văn thư, phụ trách thiết bị của các trường tiếp tục bị khuyết vì không có người ứng tuyển.

* Nỗi lo thiếu hụt giáo viên

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, với những giáo viên dạy các môn Toán, tiếng Anh của bậc THCS, việc tuyển dụng tuơng đối thuận lợi nhờ có nguồn đào tạo dồi dào. Trong khi đó, ở những vị trí giáo viên dạy các môn học như: Địa lý, Tin học, Lịch sử, Mỹ thuật hay nhân viên văn thư, kế toán, y tế học đường... quá trình tuyển dụng rất khó khăn, do quá ít ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển.

Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài Phạm Hải Anh (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện tại nhà trường đang thiếu 12 vị trí giáo viên và nhân viên trường học, trong đó có 9 giáo viên trực tiếp đứng lớp, 3 nhân viên văn thư, phụ trách thiết bị, thư viện. Nhà trường còn phải lo “giữ chân” một số giáo viên có nguy cơ bỏ việc cao vì thu nhập hiện tại không đủ trang trải cuộc sống. Cô Hải Anh chia sẻ thêm: “Có những vị trí nhân viên trường học nhiều năm nay trường bị khuyết, dù năm nào trường cũng đăng ký nhu cầu tuyển dụng với thành phố. Có những công việc của nhân viên trường học hiệu trưởng phải trực tiếp làm thay, hoặc nhờ một số giáo viên thay phiên đảm nhận”.

Còn cô T.T., giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trúng tuyển vào một trường THCS tại TP.Biên Hòa chia sẻ, dù tốt nghiệp đại học ra trường công tác nhưng gần 1 năm nay, mỗi tháng cô chỉ nhận được mức lương và phụ cấp hơn 3 triệu đồng. Ban giám hiệu nơi cô công tác thông cảm và tạo điều kiện cho cô tranh thủ những buổi không có tiết dạy có thể đi dạy hợp đồng cho một số trường khác cũng đang bị thiếu giáo viên môn học này. Nhờ được tạo điều kiện đi dạy hợp đồng thêm ở trường khác nên mỗi tháng cô T. có thêm khoảng 2,5 triệu đồng để lo cho cuộc sống gia đình. 

* Cần chế độ thu hút

Tình trạng thiếu hụt giáo viên, nhân viên trường học không chỉ diễn ra ở các trường thuộc địa bàn TP.Biên Hòa mà còn ở nhiều địa phương khác như: Trảng Bom, Long Thành, Long Khánh... Hiện nay, Phòng GD-ĐT H.Trảng Bom đang thông báo tuyển dụng khá nhiều vị trí cho các trường trên địa bàn, trong đó có 57 giáo viên, nhân viên dành cho các trường tiểu học, 9 giáo viên và nhân viên cho các trường THCS và 11 giáo viên mầm non. Trong khi đó, mới đây H.Thống Nhất đã tiến hành tuyển dụng giáo viên và nhân viên trường học cho các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn. Có tất cả 19 ứng viên đã trúng tuyển vào các trường, trong khi có nhiều vị trí huyện chưa thể tuyển được vì ứng viên không đủ điều kiện, thậm chí một số ứng viên quyết định bỏ thi tuyển dù đã nộp hồ sơ đăng ký.

Chị Đ.T.N.T., tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ Anh tại Trường đại học Đồng Nai cho hay: “Mới đây tôi đã nộp hồ sơ thi tuyển vào vị trí giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học ở H.Thống Nhất. Sau khi nộp hồ sơ dự tuyển, tôi quyết định bỏ cuộc vì biết rằng nếu có trúng tuyển đi chăng nữa cũng khó “bám” nghề một cách lâu dài được. Nguyên nhân chính là thu nhập trong năm đầu tập sự quá thấp, những năm sau thu nhập có tăng nhưng cũng không theo nổi giá cả sinh hoạt. Hơn nữa với tấm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh, tôi có thể đi tìm những công việc khác có thu nhập khá hơn”.

Trong một vài năm trở lại đây, ngành Giáo dục có sự chuyển dịch nhất định của đội ngũ giáo viên và nhân viên các trường công lập sang các trường tư thục vì được đãi ngộ với thu nhập cao hơn hẳn. Chị V.T.M. hiện công tác tại một trường mầm non tư thục ở P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho biết: “Giữa năm 2019, tôi quyết định chuyển từ trường mầm non công lập với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng sang 1 trường tư thục với mức lương cao gấp đôi. Môi trường làm việc mới khá tốt nhờ được trang bị cơ sở vật chất thoáng mát, hiện đại, số lượng trẻ/lớp lại không quá đông”.

Theo hiệu trưởng một số trường trên địa bàn tỉnh, hiện thu nhập của nghề giáo và các vị trí nhân viên trường học vẫn chưa theo kịp nhiều ngành nghề khác, khiến ngày càng có nhiều học sinh có học lực khá, giỏi nhưng không muốn thi vào trường sư phạm. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo cử nhân sư phạm lâu dài bị ảnh hưởng. Đơn cử như tại Trường đại học Đồng Nai, trong vài năm trở lại đây, một số ngành sư phạm rất khó thu hút sinh viên vào học như sư phạm: Địa lý, Lịch sử, Âm nhạc, Giáo dục thể chất... Thậm chí, có một số ngành sư phạm đã buộc phải “đánh trượt” thí sinh vì số lượng đăng ký xét tuyển quá thấp, không đủ số lượng sinh viên cần thiết để mở ngành đào tạo.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, muốn thu hút giáo viên và nhân viên trường học cần có chế độ tốt, giúp họ an tâm công tác và cống hiến. Tại Đồng Nai, với số lượng viên chức công tác trong ngành Giáo dục hiện nay rất lớn (trên 32 ngàn người), việc cải thiện chế độ, chính sách là rất cần thiết. Chính vì vậy, hiện nay tỉnh đã có thêm phụ cấp với giáo viên mầm non không chỉ ở các trường công lập mà còn hỗ trợ thêm cả giáo viên các trường tư thục.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích