Tính đến nay, toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ/vạn dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương, điển hình là H.Vĩnh Cửu, tỷ lệ này mới đạt 4,4 bác sĩ/vạn dân.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ/vạn dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương, điển hình là H.Vĩnh Cửu, tỷ lệ này mới đạt 4,4 bác sĩ/vạn dân.
BS Nguyễn Thường Việt thăm khám cho người dân xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) tại trạm y tế. Ảnh: H.Dung |
Việc thiếu hụt bác sĩ và khó thu hút bác sĩ về các trạm y tế gây nhiều khó khăn cho việc phát triển công tác khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Nhiều loại máy móc được đầu tư về trạm cũng không có người sử dụng, gây lãng phí.
* Thiếu 70 bác sĩ mới đạt chỉ tiêu
Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài cho biết, H.Vĩnh Cửu có hơn 160,7 ngàn dân. Trung tâm y tế huyện gồm 5 phòng chức năng, 13 khoa, 2 cơ sở điều trị thuộc trung tâm y tế là cơ sở 2 Thạnh Phú và Cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, 1 phòng khám đa khoa khu vực và 12 trạm y tế xã, thị trấn.
Trong số gần 400 cán bộ, nhân viên y tế chỉ có 55 bác sĩ gồm: 38 bác sĩ đa khoa, 3 bác sĩ răng hàm mặt, 6 bác sĩ y học cổ truyền, 8 bác sĩ y học dự phòng. Từ năm 2010 đến nay, để tăng cường nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành Y tế huyện, Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu đã đề ra các giải pháp để thu hút và tạo điều kiện để viên chức của trung tâm tham gia thi tuyển liên thông bác sĩ nhưng kết quả không cao. Đặc biệt, trong số 10 bác sĩ được bổ sung về địa phương theo chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh Đồng Nai, hiện chỉ còn 2 bác sĩ đang công tác ở huyện, 8 bác sĩ còn lại đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác, người công tác lâu nhất ở huyện là 3 năm.
Để đạt chỉ tiêu Nghị quyết UBND tỉnh giao là đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ/vạn dân, theo lãnh đạo Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, từ nay đến năm 2025, huyện cần được bổ sung 70 bác sĩ.
Theo BS Hồ Văn Hoài, việc đưa bác sĩ về tuyến xã ở Vĩnh Cửu nhiều năm nay rất khó khăn. Bởi lẽ, tại Trung tâm y tế huyện còn chưa có đủ bác sĩ có chứng chỉ hành nghề nên những bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề được trung tâm giữ lại để làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại trung tâm, không đủ để phân bổ về xã. Trong khi đó, phải có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thì trạm y tế mới được triển khai khám chữa bệnh BHYT và ngược lại.
“Thông thường, một bác sĩ có trình độ đại học được đưa về trạm y tế sẽ được bố trí chức danh trưởng trạm hoặc phụ trách trạm y tế. Trưởng trạm y tế thì tham gia khá nhiều các ban chỉ đạo đoàn thể, thường xuyên phải đi họp, không có thời gian để khám, chữa bệnh tại trạm. Người dân đến trạm mà không có bác sĩ hoặc có bác sĩ nhưng không có chứng chỉ hành nghề, không được khám BHYT sẽ không còn mặn mà với trạm. Ngược lại, là bác sĩ nhưng không được làm công tác chuyên môn, không có người bệnh cũng sẽ đâm ra chán nản. Vòng luẩn quẩn này dẫn đến việc khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã đã khó khăn lại càng khó khăn hơn” - BS Hoài phân tích.
* Nhiều máy móc không có người sử dụng
Trong số 12 trạm y tế của H.Vĩnh Cửu, hiện mới có 4 trạm y tế có bác sĩ. Đó là các trạm y tế xã Vĩnh Tân, Bình Lợi, Hiếu Liêm, Tân An. Tuy nhiên, chỉ có 2/4 trạm là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, đủ điều kiện để khám bệnh BHYT cho người dân. Như vậy, toàn H.Vĩnh Cửu có 10 trạm y tế chưa thể triển khai khám bệnh BHYT, trong khi tỷ lệ người dân tham gia BHYT khoảng 90%. Điều này khiến người dân gặp nhiều thiệt thòi, muốn khám, chữa bệnh BHYT phải lên tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh (nếu được chuyển tuyến).
Vừa được chuyển công tác từ Trung tâm y tế huyện về Trạm y tế xã Hiếu Liêm cách đây vài ngày, BS Nguyễn Thường Việt cho biết, anh tốt nghiệp Trường đại học Y dược Huế chuyên ngành bác sĩ dự phòng. Từ cuối năm 2017 đến nay, anh công tác tại Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu. Mới đây, BS Việt có nguyện vọng được về làm việc tại Trạm y tế xã Hiếu Liêm nên được lãnh đạo trung tâm giải quyết.
BS Việt được phân công phụ trách Trạm y tế xã Hiếu Liêm nhưng do mới có chứng chỉ hành nghề y học dự phòng nên chỉ được khám, chữa các bệnh thông thường và sơ cấp cứu ban đầu, chưa được phép khám, chữa bệnh BHYT.
Được biết, từ tháng 12-2019, Trạm y tế xã Hiếu Liêm được đầu tư, cấp nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại trạm như: máy siêu âm, điện tim, các loại máy móc thuộc lĩnh vực y học cổ truyền nhưng đến nay, các loại máy này vẫn còn để trong kho, chưa được sử dụng vì không có bác sĩ đáp ứng yêu cầu. Riêng máy xét nghiệm sinh hóa, do trạm ít bệnh nhân, lại không có kỹ thuật viên xét nghiệm, không có tiền mua các loại vật tư phục vụ xét nghiệm nên đã được chuyển về Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu.
Trung bình mỗi tháng, ở Trạm y tế xã Hiếu Liêm có khoảng 150 lượt người dân/5 ngàn người dân trong xã đến khám dự phòng, tiêm chủng, khám phụ khoa, đo huyết áp. Người dân muốn khám, chữa bệnh BHYT đều phải di chuyển lên huyện.
Còn tại Trạm y tế xã Mã Đà, hiện có 7 nhân viên gồm 1 nữ hộ sinh, 2 điều dưỡng, 2 y sĩ, 1 cộng tác viên nhân số, 1 dược sĩ. Do không có bác sĩ nên công tác khám, chữa bệnh rất khó khăn, mỗi ngày chỉ có từ 5-7 bệnh nhân đến theo dõi huyết áp, tiểu đường, khám thai, tư vấn.
Nữ hộ sinh Bạch Thị Hải Vân, Trưởng trạm y tế xã Mã Đà cho hay, nguyên nhân trạm không có bác sĩ vì trước đó bác sĩ nghỉ hưu hoặc có bác sĩ nhưng đã được Trung tâm Y tế huyện “rút” về làm việc tại trung tâm. Ngoài ra, một số bác sĩ sau một thời gian về trạm cũng dứt áo ra đi vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống.
“Toàn xã hiện có khoảng 9 ngàn dân, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều ấp còn chưa có điện, người dân chưa có phương tiện đi lại nên ra được đến trạm y tế cũng không phải dễ. Tuy nhiên, khi ra đến trạm, người dân lại không được siêu âm, đo điện tim hay khám, chữa bệnh BHYT vì không có bác sĩ. Điều này gây tâm lý chán nản cho người dân, bắt buộc họ phải di chuyển một quãng đường xa hơn nữa để đến trung tâm y tế. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm được bổ sung bác sĩ cho trạm để có người sử dụng máy móc, thiết bị, tránh lãng phí mà người dân trong xã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn” - nữ hộ sinh Bạch Thị Hải Vân cho biết.
Mức thu nhập của một bác sĩ ở tuyến trạm hiện nay khá thấp, dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, do không được khám BHYT hoặc được khám BHYT nhưng có rất ít bệnh nhân nên các trạm y tế không có khoản thu nhập tăng thêm. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của các bác sĩ nên xảy ra tình trạng nhiều bác sĩ sau 1, 2 năm công tác tại trạm đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. |
Hạnh Dung