Năm 2014, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai đề án Sữa học đường với mục tiêu cải thiện và phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho trẻ nhỏ. Sau 6 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có trên 1,72 triệu lượt trẻ từ mầm non đến tiểu học được uống sữa đều đặn trong năm học, qua đó đã góp phần phát triển khá toàn diện cho trẻ.
Năm 2014, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai đề án Sữa học đường với mục tiêu cải thiện và phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho trẻ nhỏ. Sau 6 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có trên 1,72 triệu lượt trẻ từ mầm non đến tiểu học được uống sữa đều đặn trong năm học, qua đó đã góp phần phát triển khá toàn diện cho trẻ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cán bộ, giáo viên có nhiều đóng góp cho đề án Sữa học đường giai đoạn 2014-2020. Ảnh: C.Nghĩa |
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Trước khi triển khai thực hiện nhân rộng đề án Sữa học đường ra toàn tỉnh, năm 2014 Sở GD-ĐT đã thận trọng thí điểm thực hiện cho trẻ mầm non tại 5 huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu. Thấy được hiệu quả bước đầu, từ năm 2015 đến nay, trẻ từ mầm non đến tiểu học toàn tỉnh đã được đều đặn uống sữa. Phần đông phụ huynh đều phấn khởi vì chỉ phải đóng 35% giá trị của 1 hộp sữa trên thị trường mà con em mình vẫn có thể uống sữa đều đặn mỗi tuần”.
* Niềm vui từ sữa học đường
Là trường mẫu giáo tư thục nhưng ngay từ những ngày đầu triển khai đề án Sữa học đường, Trường mẫu giáo tư thục Hoa Phượng (X.Phú Thanh, H.Tân Phú) đã vận động 100% phụ huynh cho trẻ tham gia uống sữa. Từ khi thực hiện đề án, giáo viên của trường phải vất vả hơn. Ngoài việc bố trí khu vực bảo quản sữa, giáo viên còn phải sắp xếp và theo dõi việc cấp phát sữa, hướng dẫn trẻ uống sữa đầy đủ, cho đến thu gom vỏ hộp sữa bỏ vào thùng rác... Dù vất vả nhưng giáo viên ai nấy đều vui vẻ vì nếu không có đề án Sữa học đường thì nhiều trẻ sẽ mất đi cơ hội uống sữa mỗi tuần ít nhất 3 lần.
Theo Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hoa Phượng Vũ Thị Ngọc Thảo, sau 6 năm triển khai đề án Sữa học đường, trẻ có sự chuyển biến rõ rệt về chiều cao và cân nặng. Được uống sữa thường xuyên cũng giúp trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh và đi học đều hơn. Tỷ lệ trẻ có cân nặng và chiều cao bình thường tăng mỗi năm đáng kể, nếu như năm học 2015-2016 tỷ lệ trẻ có chiều cao cân nặng bình thường là 93%, thì năm học 2017-2018 là 96,6%, riêng năm học 2019-2020 có tỷ lệ 98,77%.
Trong khi đó, tại Trường mầm non Bình Lợi (X.Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu), mỗi tháng Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (đơn vị cung cấp sữa cho dự án trong toàn tỉnh) đều đặn giao sữa đúng hẹn, xếp vào kho gọn gàng cho trường. Vào giờ ra chơi, giáo viên lên kho nhận sữa về lớp cho trẻ uống. Cô Lê Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Lợi cho biết: “Các bé của trường giờ đã hình thành được thói quen uống sữa ngay tại lớp, khi cô giáo mang sữa về lớp đặt lên bàn, các bé sẽ tự động xếp hàng lấy sữa về chỗ uống. Khi uống xong thì tự biết gấp hộp sữa lại cho vào túi rác để giáo viên mang đi bỏ vào thùng rác. Nhiều giáo viên của trường còn sáng tạo khi rửa sạch các hộp sữa của trẻ sau khi uống để tận dụng làm mô hình, đồ chơi cho trẻ”.
Chị Vũ Thị Thanh Uyên, công nhân Công ty Nhựa Phú Lâm (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) vui mừng cho biết: “Cả 2 con của tôi đều được tham gia uống sữa từ đề án Sữa học đường của tỉnh. Mỗi tháng trung bình con được uống khoảng 2 lít sữa tươi tại trường nhưng phụ huynh chỉ phải đóng 35% so với giá mua trên thị trường. Với phụ huynh là công nhân như chúng tôi, số tiền Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ các con uống sữa nếu cộng dồn lại 1 năm cũng khá lớn, góp phần san sẻ, giúp chúng tôi vơi bớt khó khăn”.
* Mong tiếp tục kéo dài đề án
Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho biết, từ khi trẻ từ mầm non đến tiểu học được uống sữa đến nay, ngành Giáo dục tuy có thêm việc không lương, nhưng đây là việc có lợi cho học sinh nên giáo viên đều tự nguyện làm rất vui vẻ. Điều vui mừng nhất chính là sự phát triển tốt của trẻ nhờ được uống sữa đều đặn và khoa học. Qua theo dõi tại các cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ trẻ tham gia uống sữa học đường mỗi năm đều tăng từ 1-2%, còn ở cơ sở giáo dục tiểu học tăng từ 2-4%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tại cơ sở giáo dục mầm non giảm từ 3% xuống 2%/năm, tiểu học giảm từ 4% xuống 1%/năm. Còn tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non giảm từ 5% xuống 3%/năm, tiểu học giảm từ 4% xuống 1%/năm. Bà Quế cho rằng, nếu tiếp tục duy trì đề án Sữa học đường sẽ là niềm vui nối tiếp cho nhiều phụ huynh, nhất là những phụ huynh là công nhân lao động đời sống còn nhiều khó khăn.
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, sữa là một nguồn dinh dưỡng bổ sung rất quan trọng với trẻ, thậm chí cả với người lớn. Uống sữa đều đặn từ nhỏ sẽ giúp tăng cường phát triển thể chất, chiều cao, cân nặng và trí tuệ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em Việt Nam được uống đủ sữa và uống sữa đều đặn vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Do đó, cần phải tiếp tục duy trì thực hiện đề án Sữa học đường đối với học sinh. Không dừng lại ở những đối tượng trẻ nhỏ tuổi mẫu giáo mầm non hay tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 như trước đây mà có thể mở rộng thêm đối tượng, đồng thời có thể tăng thêm số lần uống mỗi tuần.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, từ khi thực hiện đề án Sữa học đường cho đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1,7 triệu lượt trẻ em được uống sữa từ đề án Sữa học đường. Tính đến nay, tổng kinh phí thực hiện đề án Sữa học đường là 1.094 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là: 547 tỷ đồng (40%), phụ huynh đóng góp 383 tỷ đồng (35%), đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 164 tỷ đồng (15%) thông qua giảm giá trực tiếp trên mỗi hộp sữa. Việc triển khai đề án trong thời gian qua là kinh nghiệm và tiền đề rất quan trọng để Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án trình HĐND tỉnh xem xét để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp: Dù có khó khăn thì trẻ em vẫn phải được quan tâm Số tiền mà ngân sách tỉnh đã chi cho đề án Sữa học đường qua 6 năm là rất lớn, chưa kể đến công sức của rất nhiều thầy cô giáo tại các cơ sở giáo dục đã nỗ lực để đề án được triển khai hiệu quả đến từng trẻ nhỏ, đến tận các xã vùng sâu, vùng xa. Thời gian tới, tỉnh còn rất nhiều vấn đề cần ngân sách đầu tư nhưng trẻ em phải được quan tâm hàng đầu. Đầu tư cho trẻ em hôm nay chính là đầu tư phát triển bền vững cho tương lai. Chính vì vậy, dù khó khăn đến mấy thì tỉnh cũng sẽ tiếp tục ưu tiên, xem xét thực hiện để tìm nguồn sữa tốt nhất cung cấp cho trẻ. |
Công Nghĩa