Trong những năm gần đây, việc nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức đại diện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cấp cơ sở đã góp phần gia tăng các họat động chăm lo cho nạn nhân...
Từ năm 2015 trở về trước, tổ chức đại diện cho quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cấp xã, phường, thị trấn là Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Còn tại các ấp, khu phố hoàn toàn vắng bóng những người đại diện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Khám sàng lọc bệnh và tư vấn phương pháp điều trị cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Chương trình do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp cùng nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức vào tháng 7-2020. Ảnh: Văn Truyên |
Song từ khi có Chỉ thị số 43 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Chỉ thị số 43) thì tổ chức đại diện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã, phường, thị trấn được nâng cấp để thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin với ban chấp hành là lãnh đạo các Hội, đoàn thể cấp xã, đại diện ấp, khu phố. Việc nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức đại diện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cấp cơ sở đã góp phần gia tăng sức mạnh cho hoạt động chăm lo nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
* Nâng chất tổ chức ở cơ sở
Ngay sau khi có Chỉ thị số 43 vào năm 2015, các xã, phường, thị trấn đã tiến hành đại hội thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Một số xã, phường còn thành lập mới chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở ấp, khu phố.
Trong đó, xã Phú Vinh là địa phương đầu tiên của H.Định Quán thực hiện việc làm này. Theo ông Tô Xuân Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, trước năm 2015, Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin chỉ có chi hội trưởng cùng các cộng tác viên. Những người đảm nhận vai trò này chủ yếu là các cá nhân có tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng nên sẵn sàng dành thời gian, công sức, tiền bạc tham gia vào các hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn xã. Tuy nhiên, vì dựa vào tinh thần tự nguyện là chính, địa phương lại không có chế độ hỗ trợ nào nên hoạt động có lúc, có nơi, có thời điểm chưa đạt hiệu quả. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin bởi họ là những người phụ thuộc vào hoạt động trợ giúp của cộng đồng.
Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tổng số người bị hậu quả chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn sống đến thời điểm hiện tại là 8.843 người. Trong đó, có 1.918 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 613 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. |
Ngay sau khi có Chỉ thị số 43, xã Phú Vinh đã tiến hành đại hội thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên cơ sở Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trước đây. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn xã, Đảng ủy xã Phú Vinh đã cơ cấu 3/5 thành viên Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã là đảng viên và tất cả thành viên Ban chấp hành đều là cán bộ đang công tác tại xã, phụ trách ấp. Ngoài ra, 8/8 ấp của xã đều xây dựng các chi hội đóng vai trò là cánh tay nối dài trong công tác nắm bắt tình hình thực tế của nạn nhân, tham gia vận động xã hội hóa. Điều này đã góp phần nâng chất lượng của tổ chức Hội, tạo nên tính chính danh của cơ quan đại diện cho quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cơ sở.
Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, từ sau khi Chỉ thị số 43 ra đời đến nay, toàn tỉnh đã có 147/170 xã, phường, thị trấn thành lập được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; 10 xã thành lập được chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (riêng các xã, phường còn lại do ít nạn nhân hoặc không có nạn nhân nên không thành lập tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin). Qua đó, công tác Hội được củng cố, hoạt động đi vào nề nếp và có hiệu quả tích cực.
Tỉnh hội, các huyện hội, thành hội đã nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt định kỳ theo quy định Điều lệ Hội, xây dựng chương trình công tác hằng năm thiết thực. Các Hội cấp xã, chi hội đã tích cực phát triển hội viên, gắn công tác phát triển với củng cố nâng chất lượng hoạt động của các cấp Hội. Từ đó, công tác phát triển tổ chức Hội gắn với chăm lo cho hội viên ngày càng được nâng cao. Từ năm 2015 đến nay, đã phát triển được gần 1,9 ngàn hội viên, nâng tổng số hội viên trong tỉnh lên gần 6,5 ngàn hội viên. Ngoài các hội viên chính thức là nạn nhân, cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo Hội còn có 337 hội viên danh dự là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn.
* Dồn lực chăm lo hội viên
Khi bộ máy tổ chức ngày càng hoàn thiện, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ xã đến tỉnh đã hướng hoạt động của mình gắn với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… Đặc biệt, công tác huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho nạn nhân không chỉ là trách nhiệm riêng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp mà có sự vào cuộc của tổ chức Đảng, chính quyền và cộng đồng.
Theo bà Đào Nguyên, sau khi có Chỉ thị số 43, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Thông tri số 33, các thành ủy, huyện ủy, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã ban hành kế hoạch về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020.
Sáng 30-7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và đánh giá công tác giữa nhiệm kỳ (2017-2022). |
Ông Trần Tấn Một, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Long Khánh cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã xác định được vai trò, trách nhiệm trong tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố thực hiện công tác chăm lo cho nạn nhân. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia thực hiện công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Định kỳ hằng quý, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, Thường trực Thành ủy, cấp ủy các xã, phường đều trực tiếp nghe Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin báo cáo, phản ánh tình hình hoạt động để có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời.
Cùng với đó, từ khi các Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã được thành lập đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn từ các nhà hảo tâm cũng như tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Thông qua thư kêu gọi ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nhân Ngày cả nước hành động Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, bình quân mỗi năm các cấp Hội trong tỉnh đều vận động được khoảng 7-8 tỷ đồng để chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh. Tính chung từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động được trên 41 tỷ đồng.
Từ sự ủng hộ này, đã có trên 4 ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe. Có 29 căn nhà được sửa chữa, xây mới với số tiền trên 800 triệu đồng. Hỗ trợ vốn không lãi, hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 282 lượt hộ gia đình với số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Trao tặng 529 suất học bổng cho nạn nhân, con em nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đồng thời thực hiện trợ cấp hằng tháng cho 949 nạn nhân, bình quân mỗi nạn nhân được trợ cấp từ
300-500 ngàn đồng/tháng.
Bà Đinh Thị Khương (ngụ KP.2, TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) là nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị ảnh hưởng sức khỏe 81% cho hay, năm 2019, bà có nhu cầu mua thêm bò về nuôi nhưng không đủ tiền nên bà rất mong muốn được vay vốn. Khi biết được nhu cầu này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ bà Khương vay 15 triệu đồng. “Hiện bò của gia đình tôi nuôi đang phát triển tốt. Gia đình sẽ cố gắng để hoàn trả vốn vay theo thời gian quy định”- bà Đinh Thị Khương nói.
Văn Truyên